Cả xã Liêm Tiết, ai cũng ái ngại, thương cảm cho hoàn cảnh bất hạnh của gia đình chị Thủy. “Lúc trái nắng trở trời, hai đứa nóng sốt, lên cơn co giật là cái Thủy lại tất tưởi cõng con lên viện cấp cứu. Nhưng về đến nhà là lao đầu vào đồng áng, nông nhàn thì cuốc bộ cả chục cây số lượm ve chai”, bà Lê Thị Chót, hàng xóm nhà chị Thủy xót xa.
Gia đình chị Thủy sống trong căn nhà xiêu vẹo, chung quanh chằng chịt những dây phơi, tường rào, nóc bể,..tất cả những vị trí có thể đều được tận dụng để phơi quần áo, chăn chiếu. Đôi tay thoăn thoắt giặt đồ, chị nói như thanh minh:
“Chị vừa đưa cháu đi châm cứu về, thấy trời khô ráo là tranh thủ phơi phóng. Mấy tháng nay trời mưa, nồm ẩm mà 2 đứa nhỏ thì tiêu tiểu tùm lum nên ngày nào cũng phải thay quần áo, chăn chiếu cho bớt mùi hôi thối”.
Đang nghe chị nói thì trong nhà vọng ra tiếng gào thét ầm ĩ đan xen tiếng cười ngây dại. Tưởng có chuyện chẳng lành, tôi chạy vào nhà. Cô chị còi cọc đang đánh vật với 2 đứa em bệnh tật. Nó vừa bế thằng lớn đang vùng vẫy, gào thét, nước dãi và mồ hôi chảy trên má, vừa cố túm chân thằng bé nằm trên giường cười sằng sặc để nó không lao xuống đất. Tôi vội vàng giúp cô bé bế đứa nhỏ.
Chị Thủy cố phơi xong chậu quần áo rồi chạy vào nhà, cô bé đưa em cho mẹ bế, cầm vạt áo lau mồ hôi đang túa ra trên mặt rồi xuống bếp nấu cơm. Chị Thủy vừa dỗ dành thằng bé vừa nghẹn ngào: “Đó là con bé lớn, tuy bệnh tình đã đỡ song nhà nghèo quá nên con bé cứ còi cọc, xanh xao. Nhưng nó chăm chỉ và thương các em lắm, cứ tan học là về nhà giúp mẹ chăm em. Từ cơm nước, giặt giũ đến việc đồng áng đều biết hết”.
Năm 2002, chị sinh bé Nguyễn Thị Yến. Ba tháng sau, bé liên tục quấy khóc và bỏ bú. Anh chị đưa con đi khám, bác sĩ kết luận Yến bị bệnh tim bẩm sinh, cần mổ gấp. Nội, ngoại đều nghèo, đôi vợ chồng trẻ thương con quyết vay mượn đưa Yến lên Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) để mổ. Trải qua 2 ca phẫu thuật và nhiều lần tái khám, sức khỏe Yến dần phục hồi, còn gia đình thì nợ nần chồng chất.
Sau bao năm nỗ lực làm ăn trả nợ được một phần, chị cứ tưởng sự bất hạnh sẽ không đeo bám nữa. Nhưng thật trớ trêu, hai bé trai Nguyễn Văn Trường và Nguyễn Văn Thọ lần lượt ra đời đều bị bệnh bại não bẩm sinh, không nói, không đi được. Mọi sinh hoạt từ ăn uống, vệ sinh, tắm gội đều phụ thuộc vào chị Thủy và bé Yến.
Cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, anh Chung đành nhắm mắt bỏ lại chị và ba đứa nhỏ, lên Hà Nội làm thuê, ngày làm phụ hồ cho công trường xây dựng, tối lại đi bốc vác thuê. Chỗ ở là những lán công trình tạm bợ, “bóp mồm bóp miệng” chả dám ăn tiêu gửi tiền về quê cho các con chữa bệnh.
Chị ở quê cũng lam lũ trăm bề. Nhà không có xe đạp, nhiều năm qua, mỗi ngày chị phải dậy thật sớm đi chân trần gần chục cây số cõng con lên Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hà Nam để châm cứu và cắt thuốc nam miễn phí với hy vọng hai con có thể đi lại được.
Thương cảm cho gia cảnh của chị, một số người hảo tâm đã tặng chị chiếc xe đạp cũ, cho gạo, quần áo, chăn đệm, giường tủ,…Một cha xứ ở Hải Hậu (Nam Định), khi qua thăm gia đình thấy hai bé mặt mũi sứt sẹo, bê bết máu vì nhiều lần bị ngã từ trên giường xuống nên đã đóng cho chiếc giường cũi. Nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình chị cũng bớt đi phần nào khó khăn.
Nhưng một lần nữa, bi kịch lại ập đến gia đình chị. Trong khi bé Yến vẫn phải tái khám và thuốc thang, hai bé Trường – Thọ chưa có dấu hiệu tiến triển thì anh Chung và bé Yến lại bị mờ mắt bất thường. Bé Yến dù đã được cô giáo cho ngồi lên bàn đầu vẫn không nhìn rõ chữ, anh Chung thì loạng choạng không thấy đường nhưng vẫn gắng gượng đi làm.
"Gia đình chị Thủy thuộc diện khó khăn nhất xã, mặc dù địa phương đã hết sức tạo điều kiện nhưng do nguồn ngân sách hạn chế nên chúng tôi không giúp đỡ được nhiều ngoài thẻ BHYT cho hộ nghèo và số tiền trợ cấp tàn tật cho 2 cháu bé 360 -180 ngàn/người/tháng” - chị Hòa – cán bộ phụ trách mảng thương binh – xã hội xã Liêm Tiết cho biết.
Gánh nặng chồng chất gánh nặng đang đổ ập xuống đôi vai gầy của người phụ nữ bất hạnh./.