Căn bệnh cũ, thiệt hại mới

(PLO) - Thanh tra Chính phủ vừa kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trên địa bàn Hà Nội. 
Ảnh minh họa

Theo thanh tra, trong giai đoạn 2008-2012, UBND TP Hà Nội chưa thực hiện đúng việc lập, phê duyệt, công bố danh mục các dự án theo quy định. Từ đó các thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, các lĩnh vực, dự án kêu gọi đầu tư không được công bố rộng rãi, dẫn đến hạn chế số lượng nhà đầu tư, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng. Thời điểm thanh tra có 15 dự án theo hình thức BT nhưng chỉ một dự án thực hiện đấu thầu, còn lại đều là chỉ định thầu.

Các dự án chỉ định thầu đều có lý do chung là cấp bách, cấp thiết nhưng UBND TP Hà Nội không thực hiện đúng quy trình, quy định, không có số liệu chứng minh hay làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của việc cấp bách hay cấp thiết.

Tức là “căn bệnh” không có gì mới

Thường thì trong xây dựng các công trình hạ tầng, mặc dù đã có Luật Đấu thầu và nhiều văn bản luật liên quan, điều chỉnh. Tuy nhiên, đã là quan chức ở các cơ quan làm chủ đầu tư các dự án bao giờ họ cũng quan tâm đến vấn đề đầu tiên là các nhà thầu “lại quả” bao nhiêu phần trăm. Từ đó dẫn đến các thủ đoạn: chia nhỏ dự án để “lách luật”, vin vào “cấp bách” để chỉ định thầu/thường là sân sau, thay cho đấu thầu rộng rãi... Các công ty không chuyên, không đủ năng lực kỹ thuật và tài chính lại trúng thầu.

Tóm lại, từ khâu lập dự án, tổ chức đấu thầu, thuê tư vấn giám sát là một “quy trình” hoàn hảo để “móc ruột” công trình. Trên thực tế, các công trình hạ tầng hiện nay sau khi đưa vào sử dụng một thời gian đều xuống cấp do nguyên nhân chính: ăn cắp, rút ruột công trình. 

Có một câu chuyện bi hài là sau khi đưa dự án mở rộng nâng cấp quốc lộ 1A vào sử dụng, hầu hết đều bị hằn lún vệt bánh xe, nhiều nhà thầu “la toáng” lên đổ lỗi cho khí hậu Việt Nam nóng. Họ mua xe phun nước vào các giờ nóng cao điểm như ở đô thị phun nước chống bụi. Đường vẫn vỡ, mặt thảm nhựa sụt lún... Họ thừa biết rằng ở châu Phi, các nước Trung Đông khí hậu còn nóng, khắc nghiệt hơn Việt Nam nhiều nhưng không hề có hằn lún vệt bánh xe trên quốc lộ. Lại hội thảo, lại “đánh tráo” mở chiến dịch “truy quét” xe quá tải trọng. Nguyên nhân chính không ai dám nói ra đó là ăn cắp.

Nhà nước, nói đúng ra nhân dân thiệt đơn thiệt kép khi hầu hết dự án bị chậm tiến độ và nguyên nhân được xác định do chủ đầu tư không đủ năng lực huy động vốn, vốn chủ sở hữu không đảm bảo giải ngân theo tiến độ cam kết. Công nợ quốc gia vượt trần có nguyên nhân các dự án bị “đội vốn” vô tội vạ.

Tóm lại, từ câu chuyện loanh quanh ở Hà Nội, nhìn ra quốc gia thì “căn bệnh” không có gì mới. Bao giờ bọn ăn cắp vẫn mũ áo cao sang, ẩn nấp tinh vi vẫn còn thì thiệt hại cho đất nước, dân tộc trong đầu tư xây dựng vẫn chưa bao giờ được kiểm soát. Không ai có đạo đức trước đồng tiền. Đừng kêu gọi mãi!