Từ sự việc bạo hành trẻ em vừa xảy ra ở quán bánh xèo Miền Trung ở xã Yên Trung, Yên Phong, Bắc Ninh, một câu hỏi đặt ra: tại sao trẻ bị bạo hành trong một thời gian dài, để lại nhiều vết tích trên người cộng với công việc của trẻ làm việc trong quán ăn đông người qua lại, vậy mà không ai biết, không ai để ý, chỉ đến khi trẻ trốn thoát, chạy trốn thì sự việc mới vỡ lở?
“Làm dâu trăm họ” lại không được công nhận
Trong kỳ họp Quốc hội tháng 5/2020, Quốc hội đã dành trọn một ngày để thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019 của Đoàn giám sát Quốc hội khóa XIV.
Trước những con số đoàn giám sát nêu, số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý trong giai đoạn 2015-2018 tăng nhiều hơn so với giai đoạn 2011- 2014, tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại, số vụ việc xâm hại trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế…, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự lo ngại của vấn đề thiếu vắng cán bộ làm công tác trẻ em ở cấp cơ sở, giống như tấm khiên bảo vệ trẻ em bị khuyết, hổng nhiều chỗ.
Là người có công việc chuyên môn gắn với lĩnh vực trẻ em nhiều năm nay, và là một đại biểu quan tâm rất lớn đến vấn đề trẻ em, nhiều lần đăng đàn trước Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Minh Hiền - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên dành phần tham luận của mình để nói về bất cập của đội ngũ cán bộ trẻ em.
Cán bộ làm công tác trẻ em kiêm nhiệm, không có chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm, không được coi trọng chức danh – dường như không phải là vấn đề mới đặt ra, tuy nhiên chưa có sự đầu tư quan tâm thỏa đáng.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức vì chưa có tính chính danh. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cán bộ cấp xã hiện nay không quy định chức danh công chức làm công tác trẻ em.
Hầu hết cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã chủ yếu là do công chức lao động, người có công và xã hội kiêm nhiệm với khối lượng công việc quá tải. Một số địa phương bố trí người hoạt động không chuyên trách gồm 3 công việc dân số, gia đình và trẻ em, chịu sự quản lý chuyên môn của 3 đầu mối cấp trên.
“Có không ít cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã rất tâm tư nói với tôi rằng, họ không khác gì kiểu “làm dâu trăm họ”, mang tiếng làm dâu mà không được công nhận là dâu” – nữ đại biểu cho biết.
Một trong những giải pháp bảo vệ trẻ em được ĐBQH Nguyễn Thị Minh Hiền đưa ra đó là đầu tư thích đáng về con người, chăm lo, giáo dục, nâng cao giá trị con người, là đầu tư đào tạo, bồi dưỡng cho độ ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Cùng liên kết để trở thành cán bộ bảo vệ trẻ em
Ngày 23/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1863/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025”, trong đó nêu rõ: “Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và hình thành mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em giữa các cơ quan, tổ chức liên quan, có sự tham gia của nhân viên bưu điện, bưu tá xã và các đoàn viên, hội viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các tổ chức xã hội”.
Cụ thể hóa hơn cho các bước thực hiện Quyết định 1836, Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan liên quan chú ý trong quá trình thực hiện công tác trẻ em, đặc biệt trong việc chuẩn bị Chương trình hành động quốc gia về trẻ em giai đoạn 2021-2030.
Các nhóm giải pháp đưa ra đặc biệt lưu ý tới vấn đề trong công tác bảo vệ cần đặc biệt chú ý phòng xâm hại bên cạnh việc chống; hệ thống hóa những nguy cơ và hình thành ngay cơ sở dữ liệu về trẻ em; hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đều khắp không chỉ là của các cơ quan nhà nước mà của toàn xã hội…
Thực hiện chủ trương này, mới đây Bộ LĐ-TB&XH và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác bảo vệ trẻ em để tới đây nhân viên bưu điện, bưu tá xã cũng thành người tham gia bảo vệ trẻ em. Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam là doanh nghiệp bưu chính công ích có mạng lưới lên tới 13.000 điểm phục vụ tới tận các xã, phường cùng hơn 7 vạn lao động giàu kinh nghiệm triển khai các hoạt động an sinh xã hội sẽ tạo nên những bước tiến mới để trẻ em Việt Nam được bảo vệ an toàn hơn, phát triển lành mạnh và toàn diện hơn.
Bên cạnh những nội dung hợp tác như: nâng cao năng lực về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em cho đội ngũ nhân viên bưu điện, bưu tá nhất là ở cấp xã; vận động xã hội thực hiện quyền trẻ em trên cơ sở khai thác thế mạnh của hệ thống mạng lưới bưu điện trên toàn quốc; mở rộng phạm vi hoạt động, cung cấp thông tin, thông báo các hành vi và nguy cơ vi phạm quyền trẻ em thông qua mạng lưới điểm giao dịch bưu điện, nhân viên bưu điện, bưu tá xã trên toàn quốc... thì hai đơn vị cùng hợp tác trong xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về trẻ em, trong đó sẽ tập trung thu thập thông tin, tạo lập và cập nhật, quản lý và chia sẻ cơ sở dữ liệu trẻ em trên toàn quốc.