- Vừa qua ở KĐT Đại Thanh xảy ra vụ việc giáo viên dùng ghim giấy đâm vào tay trẻ nhỏ khiến dư luận vô cùng bức xúc. Trước vụ việc này cũng đã có rất nhiều vụ việc khác về bạo hành trẻ em. Quan điểm của ông về hành vi bạo hành trẻ mầm non như thế nào?
Trong xã hội hiện đại giáo viên đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục học sinh, có nghĩa giáo viên không chỉ là người có tâm trong sáng, nhiệt huyết tận tình, coi các em nhỏ như chính người con của mình, mà còn truyền đạt thông tin kinh nghiệm sống thực tiễn, người tổ chức, hướng dẫn, điều khiển, điều chỉnh quá trình nhận thức và quá trình hình thành nhân cách của học sinh về tri thức, nhận thức về văn hóa, giáo dục pháp luật Việt Nam
Việc bạo hành trong học đường, đặc biệt là đối với lứa tuổi mầm non là việc hết sức đáng lo ngại, trái với đạo đức của nghề giáo, trái với các quy định của pháp luật về trách nhiệm và những điều giáo viên không được làm.
Điều 75, Luật Giáo dục (2005) đã quy định rõ: Giáo viên không được Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học;
- Thời gian vừa qua có rất nhiều vụ bạo hành trẻ em, theo ông nguyên nhân chính ở đây là do đâu?
Các vụ bạo hành trẻ em xảy ra trong trường học ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Nguyên nhân thứ nhất, do một bộ phận giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non còn yếu về kỹ năng sư phạm, kỹ năng mềm.
Thứ 2, các quy định cũng như các chế tài xử phạt của các hành vi bạo lực học đường chưa đủ sức răn đe. Công tác kiểm tra giám sát, nhất là đối với các trường dân lập chưa thật sự được các cơ quan hữu quan quan tâm và chưa có sự phối hợp đồng bộ.
Thứ 3, giáo dục đòi hỏi sự kết hợp giữa – gia đình – nhà trường và xã hội. Nhưng một bộ phận cha mẹ hiện nay đang phó mặc trách nhiệm giáo dục cho nhà trường, ít quan tâm tới con cái. Điều này làm cho trẻ ngày càng có xu hướng hình thành các tư tưởng tiêu cực.
Việc này làm các cha mẹ phát hiện muộn các biểu hiện khác thường của trẻ bị bạo hành học đường, làm cho vấn đề bạo hành ngày càng xảy ra thường xuyên hơn.
Luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc công ty luật Dragon. |
- Theo ông, cần có cách quản lý các trường học tư nhân, công lập như thế nào?
Muốn quản lý tốt thì theo tôi ngay từ đầu, đối với nguồn giáo viên và cơ sở vật chất của các cơ sở tư thực phải được kiểm duyệt, đánh giá một cách thấu đáo trước khi cấp phép hoạt động.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động, chất lượng giáo dục tại các cơ sở này phải được thực hiện thường xuyên và quyết liệt.
Phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm, Hơn nữa, các chế tài xử phạt đặc biệt là đối với các cơ sở dân lập xảy ra bạo hành phải có sức răn đe, đa số các hình hiện nay là phạt hành chính và đình chỉ hoạt động một thời gian, thu hồi giấy phép là chưa mang tính giáo dục làm gương cao.
- Hầu hết các nhóm, lớp mầm non tư thục chưa cấp phép hoạt động đều nằm xen kẽ trong khu dân cư, rất khó quản lý. Vậy theo ông, làm thế nào để phát hiện được những cơ sở này?
Việc nằm trong các khu dân cư làm các cơ sở này khó bị phát hiện. Nhưng chúng ta có thể phát huy vai trò của Tổ trưởng dân phố, các tổ chức chính trị xã hội, công an khu vực trong việc giám sát kiểm tra, kết hợp với các cơ quan có thẩm quyền đối với các cơ sở có dấu hiệu bất thường.
Với những cơ quản chủ quản quản lý, cấp phép, các đoàn thanh tra nên công khai niêm yết về tổ chức hoạt động của Trường mầm non, yêu cầu báo cáo định kỳ hoặc có hòm thư, đường dây nóng tiếp nhận đơn thư phản ánh của nhân dân cũng như của các bậc phụ huynh.
- Theo ông, nếu tình trạng bạo lực học đường này diễn biến phức tạp hơn thì cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này?
Đối với các các cơ sở đào tạo mầm non, nhà trẻ, Thông tư 28/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ thẩm quyền cho phép thành lập và cho phép hoạt động giáo dục nhà trường, nhà trẻ tư thục.
Khi phát hiện nhà trường, nhà trẻ tư thục vi phạm, phòng giáo dục và đào tạo lập hồ sơ và thông báo cho nhà trường, nhà trẻ về hành vi vi phạm. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo cho nhà trường, nhà trẻ về việc phát hiện hành vi vi phạm, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo xem xét quyết định đình chỉ hay không đình chỉ hoạt động giáo dục của nhà trường, nhà trẻ tư thục.
Đây là các chế tài và quy trình xử lí ở mức cao nhất đối với các nhóm, trường nhà trẻ tư thục. Tuy nhiên, nếu việc bạo hành học đường vẫn xảy ra thì theo ý kiến của tôi Phòng Giáo dục quận, huyện là cơ quan phải chịu trách nhiệm.
Bởi vì, bản thân Phòng Giáo dục là đơn vị cấp phép hoạt động giáo dục cho các cơ sở này và có một đơn vị chuyên trách làm công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục tư thục.
Do đó, các vấn đề liên quan tới chất lượng và thực trạng hoạt động của các cơ sở nhà trẻ, trường mầm non tư thục thì Phòng Giáo dục phải là đơn vị trực tiếp nắm bắt và chịu trách nhiệm nếu để tình trạng bạo lực học đường xảy ra.
- Như vậy, có biện pháp nào để giải quyết tình trạng này thưa ông?
Theo tôi, để giải quyết tình trạng bạo hành học đường cần sự phối hợp của các cơ quan hữu quan, cũng như sự phối hợp giữa gia đình nhà trường và xã hội.
Cụ thể: nâng cao chất lượng của hệ thống các cơ sở đào tạo giáo dục; nâng cao chất lượng của giáo viên vừa có tâm, có đức vừa có tài; củng cố và đẩy mạnh các chế tài xử phạt nghiêm minh với hành vi bạo hành, đặc biệt là trẻ em.
Bản thân gia đình cũng phải thường xuyên quan tâm, theo sát các cháu để phát hiện các dấu hiệu bất thường.
- Vâng xin cảm ơn ông!