Cần có "quỹ bảo vệ người tố cáo"?

 Một trong những nội dung được tranh luận khá sôi nổi trong dự án Luật Tố cáo đó chính là quy định về bảo vệ người tố cáo. Trên thực tế, nhiều người vì tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà bị trả thù, bị trù dập, thậm chí bị sát hại dã man. Có cơ chế bảo vệ họ là điều tốt không gì bằng.
Một trong những nội dung được tranh luận khá sôi nổi trong dự án Luật Tố cáo đó chính là quy định về bảo vệ người tố cáo. Trên thực tế, nhiều người vì tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà bị trả thù, bị trù dập, thậm chí bị sát hại dã man. Có cơ chế bảo vệ họ là điều tốt không gì bằng.

Ảnh minh họa nguồn Internet

Tuy nhiên, quy định về bảo vệ người tố cáo làm sao cho khả thi? Trên thực tế, nguồn lực bảo đảm cũng như kinh nghiệm về bảo vệ người tố cáo ở nước ta còn hạn chế, việc thực hiện có hiệu quả công tác này đòi hỏi phải có sự tham gia phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành và vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nhưng, không thể để tình trạng “không có thì thiếu mà có thì…thừa”. Dự thảo Luật tố cáo mới đã có những quy định mang tính nguyên tắc, xác định khuôn khổ pháp lý cần thiết để bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên lại thiếu những quy định cụ thể, như về biện pháp bảo vệ, trình tự, thủ tục tiến hành, cơ chế, điều kiện bảo đảm… 

Rất nhiều ý kiến gợi mở cần quy định việc bảo vệ phải tiến hành trên nhiều phương diện, hình thức bảo vệ người tố cáo cần đa dạng hơn, quan trọng nhất là phải bảo vệ được tính mạng, sức khoẻ của người tố cáo và thân nhân. Cũng nên quy định bảo vệ người tố cáo bằng nhiều hình thức, mà không chỉ “khoán” cho cơ quan công an vì trên thực tế sẽ không thể thực hiện được; cần xác định rõ cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo. Đồng thời phải có quy định cụ thể để trừng trị nghiêm khắc đối với người lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, làm hại người khác hoặc trả thù người tố cáo.

Bên cạnh bảo vệ tốt người tố cáo, nhiều ý kiến đề xuất cần thành lập quỹ bảo vệ người tố cáo để có chính sách động viên kịp thời đối với người tố cáo.

Dự luật với quy định bảo vệ người tố cáo thực sự còn đang rất “ngổn ngang”. Cần thiết có quy định này là điều ai cũng phải thừa nhận nhưng quy định làm sao để nó không trở thành hình thức, không chỉ để cho “đẹp” thì đó cả là một vấn đề không đơn giản. Thiết nghĩ việc có quy định hay không và đến mức độ như thế nào cần phải tính toán đến khả năng thực tế. Bên cạnh đó là huy động nhiều cơ quan, tổ chức và nguồn lực khác để bảo đảm người tố cáo được hưởng đúng những quyền như luật đã quy định

P.V

Đọc thêm