Phạm vi khái niệm về động sản ở Việt Nam khá rộng. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015: “Động sản là những tài sản không phải là bất động sản” và bao gồm “tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Bộ luật này xác định phạm vi đăng ký động sản là không đăng ký quyền sở hữu và quyền khác, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác.
Hoạt động đăng ký tài sản ở Việt Nam được quy định tại nhiều văn bản, bao gồm Hiến pháp, luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các văn bản pháp luật hiện hành hiện nay chủ yếu liên quan đến hoạt động đăng ký bất động sản, quyền sở hữu trí tuệ và phương tiện giao thông cơ giới như ô tô, xe máy, tàu thủy và tàu bay. Nhiều quy định đã có từ lâu và đã hình thành một hệ thống cơ quan, thủ tục hành chính và giấy chứng nhận như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đăng ký mô tô, ô tô… Còn các quy định pháp luật về đăng ký động sản vẫn còn rất nhiều vấn đề cần hoàn thiện.
Các quy định về đăng ký động sản nêu trên chủ yếu là đăng ký bắt buộc, còn thiếu vắng cơ chế pháp lý đăng ký tự nguyện theo yêu cầu đối với trường hợp đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản là động sản như nhà lưới, nhà điều hành, xưởng sản xuất… Hoặc đối với những tài sản là động sản có giá trị kinh tế lớn, người dân có nhu cầu được đăng ký để công khai hóa quyền sở hữu, bảo vệ sự an toàn của chủ sở hữu và sự an toàn của chính các giao dịch liên quan đến khối tài sản này cũng chưa có cơ chế đăng ký tự nguyện. Do đó, để sử dụng khối tài sản này với tư cách là tài sản bảo đảm để tiếp cận vốn vay, cả người đi vay và bên cho vay đều gặp khó khăn do có khoảng trống pháp luật về cơ chế đăng ký và xác định thẩm quyền đăng ký.
Mặt khác, việc quy định rải rác tại các văn bản luật và văn bản hướng dẫn thi hành dẫn tới rủi ro về khả năng đồng bộ của hệ thống pháp luật về đăng ký tài sản, gây khó khăn trong việc xác định đối tượng tài sản phải đăng ký. Cơ sở dữ liệu thông tin về tài sản là động sản còn thiếu hụt hoặc chưa được công khai nên gây ra một số khó khăn trong hoạt động kinh doanh, tín dụng của doanh nghiệp, trong hoạt động xét xử của tòa án và trong công tác thi hành án.
Như vậy, pháp luật hiện hành chưa thể xác định những tài sản nào bắt buộc phải đăng ký, những tài sản nào thuộc diện đăng ký tự nguyện, mục đích của việc đăng ký tài sản là xác lập quyền, có giá trị đối kháng với bên thứ ba hay phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước… Cùng với những bất cập khác, đòi hỏi hệ thống pháp luật cần có quy định độc lập về đăng ký tài sản là động sản hoặc cần củng cố các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan đến tài sản cụ thể đó để giải quyết các vướng mắc thực tiễn. Nếu hoàn thiện các quy định về đăng ký động sản được đăng ký thì khả năng tiếp cận các nguồn vốn đầu tư sẽ được mở rộng, đồng thời khả năng quản lý nhà nước về tài sản và khả năng giải quyết tranh chấp về tài sản có thể được tăng cường.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, nếu xây dựng một luật riêng về đăng ký động sản sẽ là một thách thức lớn vì phạm vi điều chỉnh quá rộng, tác động đến nhiều quy định pháp luật khác nhau và nhiều khía cạnh của đời sống xã hội. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia không xây dựng một quy định pháp luật đơn lẻ cho vấn đề bảo vệ quyền tài sản nói chung hay đăng ký tài sản là động sản nói riêng mà tiếp cận theo hướng củng cố toàn bộ hệ thống pháp luật và cơ chế làm việc của các cơ quan nhà nước để bảo vệ quyền tài sản của người dân.