Quân đội Mỹ đã không kích vào một số mục tiêu ở trên lãnh thổ của Syria, nhằm vào lực lượng vũ trang và kho vũ khí của một số nhóm phái vũ trang Hồi giáo mà phía Mỹ cho là được Iran hậu thuẫn và trong thời gian qua đã tiến hành một số cuộc tấn công quân sự nhằm vào quân đội Mỹ và đồng minh ở Iraq.
Những thông tin không chính thức đầu tiên cho biết có 17 thành viên của các nhóm phái kia đã bị thiệt mạng và nhiều khí tài của lực lượng này bị phá hủy. So với hoạt động quân sự đầu tiên của Mỹ mà người tiền nhiệm đã quyết định thực hiện sau khi nhậm chức tổng thống thì ông Biden không những chỉ hành động sớm hơn rất nhiều (ông Trump phải đến giữa tháng 4/2017 mới quyết định không kích vào Syria) mà còn với quy mô và mức độ khiêm nhường hơn rất nhiều.
Cộng sự của ông Biden thậm chí còn công khai mức độ và quy mô hạn chế của cuộc không kích ấy và biện giải chúng bằng lập luận cho rằng mục đích cuộc không kích chỉ là thể hiện quyết chí của ông Biden sẵn sàng hành động quân sự khi quân đội Mỹ và đồng minh ở khu vực này bị tấn công hay đe dọa và để giảm căng thẳng.
Tấn công để giảm căng thẳng - nghe qua thật nghịch lý nhưng trên thực tế thì đúng là như vậy thật bởi ông Biden buộc phải hành động quân sự sau khi các cơ sở của Mỹ ở Iraq bị tấn công 3 lần liền trong khoảng thời gian ngắn. Thiệt hại không nhiều nhặn gì đối với Mỹ về người và của, nhưng tác động về chính trị, tâm lý và dư luận của những cuộc tấn công này lại rất lớn đối với Mỹ và rất tai hại đối với cá nhân ông Biden. Vì nhu cầu đối nội trước hết mà ông Biden phải nhanh chóng có hành động quân sự như vừa rồi.
Vấn đề khó xử lý hơn là mức độ và quy mô tấn công quân sự. Mỹ sa lầy về chính trị an ninh và quân sự ở khu vực vùng Vịnh từ năm 2003. Cho đến nay, phía Mỹ đã có được quá nhiều kinh nghiệm và bài học đắt giá để biết rằng không thể giải quyết được ổn thỏa và lâu bền vấn đề lợi ích chiến lược lâu dài của Mỹ ở khu vực này nói chung, ở Iraq và Syria nói riêng bằng biện pháp quân sự. Hiện tại, Mỹ trả đũa càng quyết liệt bằng quân sự thì số lượng các cuộc tấn công quân sự nhằm vào Mỹ ở vùng này sẽ càng gia tăng và Mỹ càng thêm khó thoát được ra khỏi các cuộc chiến tranh ở nơi này trong thế thắng và chủ động.
Sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo bị tiêu diệt ở Iraq và Syria, Mỹ không có lý do hay khẩu hiệu nào thích hợp nữa để tập hợp lực lượng trong khu vực thành liên minh hay liên kết với Mỹ và do Mỹ đứng đầu. Lâu nay, Mỹ rất muốn có cả liên minh, liên kết hay liên thủ rộng khắp trong cả khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh nhưng đâu đã thành công như ý. Ông Biden phải chủ ý giảm leo thang căng thẳng và đối đầu để tránh kích hoạt vòng xoáy mới về ăn miếng trả miếng lẫn nhau ở nơi này.
Đồng thời với nhu cầu đối nội, ông Biden tiến hành hoạt động quân sự vừa rồi ở Syria còn nhằm để cảnh báo và răn đe Iran. Thông điệp của phía Mỹ là Iran không được đối địch Mỹ bằng cách hậu thuẫn những lực lượng và tổ chức Hồi giáo vũ trang theo dòng Shiite ở trong khu vực. Ông Biden từ sau khi lên cầm quyền ở Mỹ đã bộc lộ nhiều dấu hiệu về ý định sắp xếp lại quan hệ với các đối tác trong khu vực, trong đó có cả đối với Iran và một số địch thủ của Iran như Israel và Ả-rập Xê-út.
Ông Biden đã cho thấy không hữu hảo hàng đầu và nuông chiều hai nước kia như người tiền nhiện, đã ngừng sự hậu thuẫn của Mỹ cho cuộc chiến tranh mà Ả rập Xê út và một số đồng minh tiến hành ở Yemen. Ông Biden còn phát đi không ít tín hiệu về sự sẵn sàng xử lý lại các vấn đề trắc trở trong quan hệ của Mỹ với Iran.
Để làm cho sự khởi đầu lại hay sự khởi đầu mới này không bị mất đi tính khả thi, phía Mỹ không thể không kiềm chế trong các hành động quân sự ở khu vực. Cho nên ở cuộc không kích vừa rồi của Mỹ vào Syria, Mỹ cần và coi trọng việc ý nghĩa chính trị của nó hơn là hiệu quả quân sự của nó.