Can Lộc (Hà Tĩnh): Dấu hiệu oan sai của một vụ án

(PLO) - Ngày 1/7/2014, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt tù các bị cáo. Tuy nhiên, việc tuyên phạt Nguyễn Văn Hưng (SN 1981, là em vợ của bị hại) 8 năm tù về tội “Giết người” lại có nhiều dấu hiệu oan sai. Ngày 28/12/2015, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy một phần án sơ thẩm (phần liên quan đến bị cáo Hưng) để điều tra, xét xử lại…
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.
Vụ “giết người” và “hủy hoại tài sản”
Ngày 8/1/2013, tại xã Phú Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, anh Nguyễn Sĩ Lam đã bị nhóm côn đồ bắn chết, chặt gần đứt 02 cổ tay cùng nhiều nhát chém khác trên người. Các đối tượng sau đó đã bị khởi tố, bắt tạm giam, trong đó có Nguyễn Văn Hưng (SN 1981) là em vợ của anh Lam bị khởi tố về tội “Giết người” vì Cơ quan điều tra (CQĐT) cho rằng Hưng đã sử dụng súng thể thao, bắn nhầm đối tượng và đã làm chết anh Lam…
Ngày 1/7/2014, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt tù các bị cáo về tội “giết người” và “cố ý hủy hoại tài sản”, trong đó Hưng bị cho là “quân ta bắn quân mình”, bị phạt 8 năm tù.
Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư bào chữa cho Hưng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hà Tĩnh, nhưng đã không được Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm xem xét, như: Tòa án có công văn tới CQĐT yêu cầu điều tra bổ sung, nhưng không thông qua Viện kiểm sát; sau khi điều tra bổ sung, CQĐT không có kết luận điều tra bổ sung theo đúng quy định và những tài liệu điều tra bổ sung đều không được đánh số bút lục…
Ngay tại phiên tòa, bị cáo Hưng khai, trong quá trình điều tra bổ sung, điều tra viên (ĐTV) lấy lời khai ba lần, nhưng trong hồ sơ gửi sang tòa án không thấy tài liệu này? Do đó, luật sư cho rằng có dấu hiệu của việc làm sai lệch hồ sơ vụ án. Ngay cả việc ĐTV làm việc với luật sư khi thực hiện điều tra bổ sung, có lập biên bản nhưng tài liệu này cũng không thấy đâu, liệu các chứng cứ khác thì sẽ như thế nào? Còn về nội dung, luật sư cho rằng có nhiều mâu thuẫn bởi kết luận giám định không khẳng định viên đạn trong người nạn nhân là do từ khẩu súng bị cáo Hưng cầm bắn ra, trong khi tại hiện trường còn có nhiều khẩu súng khác do phía đối thủ của bị cáo Hưng cầm; còn mâu thuẫn trong việc xác định vị trí nạn nhân và các bị cáo trong vụ ẩu đả. Nếu theo mô tả trong cáo trạng thì Hưng không thể gây ra vết bắn như thực tế trên người nạn nhân được… 
Tại phiên tòa, các bị cáo tiếp tục cho rằng ĐTV Đậu Duy Hưng, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã mớm cung, cố ý làm sai lệch hồ sơ của vụ án. Bị cáo Hưng kêu oan vì không nổ súng, vì trước khi đưa súng cho Hưng đeo lên vai, Nguyễn Sĩ Sơn (con anh Lam) đã kéo quy lát kiểm tra thì súng không có đạn và các bị cáo đều khẳng định không nghe tiếng súng nổ…
Dấu hiệu oan sai
Cuối năm 2015, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm do có đơn kháng cáo kêu oan của Hưng. Tại phiên tòa, căn cứ hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi, đại diện VKSND Cấp cao đã đề nghị: Đến thời điểm hiện tại, chưa xác định rõ được Hưng có nổ súng hay không, việc kết tội Hưng chỉ căn cứ vào một số lời khai của Hưng. Ngoài ra, không có bất cứ một lời khai hoặc chứng cứ nào khác thể hiện việc Hưng nổ súng, không ai thấy Hưng nổ súng... 
Vụ án xảy ra gần 4 tháng, CQĐT mới thu hồi được súng mà Hưng đã cầm ở hiện trường nhưng không tiến hành thực nghiệm điều tra xem súng đó có bắn được hay không? Bởi lẽ, tại phiên tòa Sơn khai trước khi đưa súng cho Hưng, Sơn đã  kiểm tra súng không có đạn, cũng như chưa có cơ sở nào để xác định đạn trong người anh Lam là do khẩu súng Hưng cầm bắn ra…Vì vậy, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm (liên quan đến bị cáo Hưng), trả hồ sơ điều tra, truy tố, xét xử lại từ đầu./.

Đọc thêm