Hậu Giang: Kết luận giám định có nói lên tất cả?

(PLO) -Một vụ tại nạn giao thông gây chết người xảy ra ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang khiến cơ quan điều tra lúng túng vì sau thời gian dài không xác định được người điều khiển phương tiện gây tai nạn. Nhưng khi vụ án được phục hồi điều tra, hai nhân chứng trực tiếp nhìn thấy người điều khiển phương tiện gây tai nạn lại không được cơ quan tiến hành tố tụng “quan tâm”? 

Tường trình của hai người dân “tố” bị ĐTV  hù dọa, mớm cung.
Tường trình của hai người dân “tố” bị ĐTV hù dọa, mớm cung.
Ai là người điều khiển phương tiện!?
Chiều 28/7/2013, ông Lê Minh Đảo (SN 1969, ngụ ấp Phương Quới A, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) điều khiển xe máy BSK 83H4 -3332 từ hướng Long Mỹ về xã Long Trị A thì xảy ra va chạm với xe mô tô BKS 95DB - 00500 đi chiều ngược lại, trên xe có La Phúc Thành (SN 1996, ngụ ấp 4, xã Long Trị A, huyện Long Mỹ) và Trần Chí Trung (SN 1993, ngụ thị xã Long Mỹ). Vụ tai nạn khiến ông Đảo bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu, Thành và Trung bị thương. 
Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an huyện Long Mỹ đã khởi tố vụ án vì cho rằng vụ tai nạn giao thông (TNGT) có dấu hiệu tội phạm, lỗi thuộc về người điều kiển xe mô tô 95DB – 00500 nhưng không làm rõ được Thành hay Trung là người điều khiển phương tiện. 
11 tháng sau, ngày 17/3/2015, CQĐT có quyết định phục hồi điều tra và chuyển vụ án về CQĐT Công an tỉnh Hậu Giang. Ngày 4/6/2015, CQĐT Công an tỉnh Hậu Giang ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với La Phúc Thành về tội “Vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. 
Theo Cáo trạng, ngày 28/7/2013, Thành chở Trần Chí Trung và rủ thêm một số bạn bè đến nhà Đào Thái Bình tổ chức ăn nhậu. Đến 14 giờ cùng ngày, Thành, Trung, Bình và Duy tiếp tục đến nhà Lê Minh Luân (ở ấp 7, xã Long Trị A) nhậu đến 16 giờ cùng ngày thì Trung say nên đi ngủ. Những người còn lại tiếp tục rủ nhau đi hát karaoke và uống bia. Một lúc sau, Thành lấy xe 95DB-00500 về trước và ghé nhà Luân chở Trung về thị trấn Long Mỹ. Khi về đến ấp 4, xã Long Trị A thì gây tai nạn khiến ông  Đảo tử vong. 
Tuy nhiên, Thành một mực kêu oan và cho rằng: khi về thì mình điều khiển xe chở Trung nhưng khi vào đổ xăng thì Thành có tin nhắn của bạn gái nên Trung dành điều khiển xe, chạy một đoạn thì gây TNGT. 
Hù dọa nhận chứng?
 Trong quá trình điều tra, CQĐT Công an Hậu Giang có quyết định trưng cầu giám định, gửi hồ sơ photo và bản ảnh đến Phân viện Khoa học Hình sự (KHHS) tại TP.HCM. Ngày 29/5/2015, Phân viện KHHS có kết luận: “Tại thời điểm xảy ra TNGT, La Phúc Thành là người điều khiển xe mô tô  BS 95DB-00500. Như vậy, sau 2 năm, chỉ qua hồ sơ photo và bản ảnh hiện trường là cơ quan giám định biết được người cầm lái?! 
Ngoài kết luận giám định trên thì cơ quan tố tụng còn có lời khai hai nhân chứng là ông Nguyễn Văn Hiệp và bà Võ Thị Đỗ (cùng 94 tuổi) khẳng định Trần Chí Trung không chở La Phúc Thành vì Trung xỉn rượu nên Thành chở về. 
Trong khi đó, người trực tiếp thấy Trung là người điều khiển xe chở Thành, tuy đã được Điều tra viên (ĐTV) mời làm việc nhiều lần nhưng không được đưa vào tham gia tố tụng với tư cách nhân chứng
 Chị Đặng Thị Hồng Nhung (SN 1997, ngụ tại Ấp 4 xã Long Trị A, huyện Long Mỹ) cho biết, “Tôi thấy hai người thanh niên chạy xe qua mặt tôi. Người thanh niên ốm chở người thanh niên mập”. Khi tai nạn xảy ra, chị Nhung có tới hiện trường và cho biết: “Người thanh niên mập lúc đầu mặt hướng về Long Mỹ, tôi nghe la lên là con ông Tư Nghệ, kế đó tôi mới nhận ra Thành con ông Tư Nghệ”. 
Còn bà Nguyễn Thị Ví (SN 1958, ngụ ấp 4, xã Long Trị A, Long Mỹ) khai với ĐTV “Khi đến cầu Kinh Ông Cả, tôi thấy một chiếc xe mô tô màu đỏ chạy từ Cây xăng Bé Ngân ra, đi trên xe là hai thanh niên. Tôi xác định người điều khiển xe là thanh niên tướng người nhỏ con điều khiển, còn phía sau là thanh niên lớn người, gục đầu vào lưng người điều khiển, hai tay bấm điện thoại gì đó. Lúc xe mô tô chạy từ cây xăng ra đường thì người thanh niên ngồi sau gục đầu vào lưng người điều khiển nên tôi không biết là ai nhưng khi xe chạy lên dốc cầu, vừa ngang qua xe tôi thì người ngồi sau ngước mặt lên nên tôi mới biết là Thành con ông Tư Nghệ ở gần nhà”.
Theo tường trình, thì ngày 2/2/2015, chị Nhung được mời lên làm việc với ĐTV Lê Quốc Hội và Tuân. Tại đây, hai người này có dấu hiệu hù dọa: “nếu khai không đúng, tội sẽ nặng bằng người gây tai nạn. Làm chứng không sợ thằng Trung trả  thù sao? Nếu khai thằng ốm (Trung) chạy. Sau này Công an sẽ đem xe qua trường bắt và công bố các nơi em sẽ không xin được việc làm ở đâu hết, rồi tương lai em sẽ ra sao?”. 
Tương tự, bà Nguyễn Thị Ví cũng có tờ trường trình “tố” ĐTV. Theo đó, bà được ĐTV mời lên “làm việc” từ 13giờ 30 phút đến 20 giờ 20 phút ngày 2/2/2015. Trong 7 giờ chờ đợi và được “làm việc”, ĐTV yêu cầu nhân chứng sửa lời khai chỉ với một nội dung duy nhất “phải khai thằng mập (tức Thành) chạy”. 
“Chú Hội nói là vợ của người chết (nạn nhân Đảo) đi cầu hồn nói là Thành chạy. Rồi nói tới nói lui thì Hội cứ kêu tôi suy nghĩ và sửa đổi lời khai và khi ra Tòa sẽ giữ bí mật là không cho biết tôi là nhân chứng. Tôi trả lời là tôi thấy sao tôi nói vậy, dù có đi tới đâu tôi cũng không sửa lời khai, tôi không làm được”, bà Ví cho biết thêm.
Luật sư Huỳnh Quốc Nam, Công ty Luật Đông Nam Á, Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ: Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án cho thấy, hai nhân chứng trực tiếp nhìn thấy người điều khiển phương tiện gây ra vụ TNGT đã có lời khai trước CQĐT. Những lời khai này là chứng cứ rất quan trọng để làm rõ vụ án, làm rõ người điều khiển phương tiện gây ra tai nạn nhưng không được đưa vào làm chứng cứ là thiếu khách quan và không thuyết phục, làm sai lệch vụ án, dễ dẫn đến oan sai cho người vô tội. Trong khi đó, Kết luận giám định lại dựa trên hồ sơ mà CQĐT cung cấp là những hồ sơ photo và bản ảnh hiện trường tai nạn không đầy đủ, thời gian giám định lại sau gần hai năm khi xảy ra tai nạn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả giám định, dễ dẫn đến sai sót. Ngoài ra, hai nhân chứng có bản tường trình cho rằng mình bị ĐTV hù dọa, mớm cung nhưng cơ quan tố tụng không xem xét, làm rõ. 

Đọc thêm