Cần nhiều 'cánh tay' nâng đỡ phụ nữ di cư hồi hương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo kết quả khảo sát từ 189 phụ nữ di cư trở về của 5 tỉnh/thành, có tới 27% người về mang theo con cái; cứ 10 người thì có 3 người chưa hoàn tất ly hôn.  Con cái họ gặp khó khăn trong việc làm giấy khai sinh, tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục… Nhiều người thất bại “kép” cả về hôn nhân và kinh tế, cuộc sống càng khốn khó. 
Từ khi Văn phòng OSSO Hà Nội đi vào hoạt động, tư vấn viên Ngô Thị Thùy Dương đã tiếp cận khoảng 60 phụ nữ di cư hồi hương trên địa bàn.
Từ khi Văn phòng OSSO Hà Nội đi vào hoạt động, tư vấn viên Ngô Thị Thùy Dương đã tiếp cận khoảng 60 phụ nữ di cư hồi hương trên địa bàn.

Khó tiếp cận vấn đề pháp lý, việc làm

Cuối năm 2020, Văn phòng Dịch vụ một điểm đến OSSO Hà Nội đã tổ chức một buổi gặp gỡ “Lắng nghe để kết nối” với những phụ nữ di cư hồi hương. Trong các trường hợp hồi hương ở buổi gặp mặt đó, chị N. ở Hải Dương là lớn tuổi nhất và là một phụ nữ nông thôn chân lấm tay bùn. Đã ly hôn và có 3 đứa con, trong đó 2 đứa bại liệt, cuộc sống của chị rơi vào hoàn cảnh bi đát. Năm 2007, khi chị đang đi gặt ngoài đồng thì có người hỏi: “Cô có đi lấy chồng Hàn Quốc không? Mỗi tháng được 600 đô la”. Chị N. gật đầu. 

Để được sang Hàn lấy chồng, chị đã phải vay ngân hàng 30 triệu đồng chi phí ban đầu. Khi sang tới Hàn Quốc, gia đình nhà chồng cũng tốt nên tạo điều kiện cho chị đi học tiếng, giao tiếp với cộng đồng người Việt ở đó. “Nhưng tôi già rồi, học dốt, học mãi mà không được gì. Ở nhà thì còn 3 đứa con. Ngôn ngữ bất đồng, cuối cùng tôi phải bỏ về quê”, chị N. kể lại.

Giờ lay lắt ở quê nghèo, vừa phải trả nợ cũ, vừa phải nuôi con, cuộc sống của chị N. khó khăn chồng chất. Mặt khác, chị chưa ly hôn với người chồng Hàn Quốc nhưng giờ chị không biết thủ tục phải làm như thế nào, trong khi đi đâu, làm thủ tục gì cũng hỏi đến tình trạng hôn nhân. Nếu bảo đã ly hôn thì giấy tờ đâu...

Tháng 3/2020, thống kê của Bộ Công an cho thấy, từ năm 2008 đến nay, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 18.000 công dân kết hôn với người nước ngoài. Trong đó, 72% là nữ và chủ yếu kết hôn với người Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc… 

Kết quả nghiên cứu về phụ nữ di cư hồi hương trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư trở về và gia đình của họ” cho thấy phụ nữ di cư phải chịu phân biệt gấp 2 lần và là đối tượng dễ bị tổn thương hơn. 86,8% phụ nữ di cư hồi hương kết hôn vì mục đích kinh tế dẫn đến thất bại kép (thất bại hôn nhân và thất bại kinh tế); 86,1% gặp khó khăn khi giao tiếp và hòa nhập văn hóa tại nước của chồng; 61% bị gia đình chồng kiểm soát tài chính; 45,5% bị quát mắng, đánh đập… có nhiều cuộc hôn nhân “4 không”: không biết văn hóa, ngôn ngữ, pháp luật của nước đến; không biết nhân thân người định kết hôn; không biết hoàn cảnh gia đình người định kết hôn; không tình yêu.

Khi về nước, phụ nữ di cư hồi hương đối mặt với rất nhiều khó khăn để tái hòa nhập cộng đồng như khó tiếp cận vấn đề pháp lý, việc làm. Cụ thể, 30% phụ nữ được khảo sát chưa ly hôn, 44% đã ly hôn nhưng không mang theo giấy tờ xác nhận tình trạng ly hôn về nước, 23,5% đã ly hôn nhưng vẫn tiếp tục phải xử lý các thủ tục liên quan đến ly hôn; 18% trẻ em từ các cuộc hôn nhân quốc tế chưa có giấy khai sinh; hơn 70% phụ nữ di cư hồi hương có nhu cầu hỗ trợ về tâm lý...

Cần sự phối hợp nhiều bên 

Dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư trở về và gia đình của họ” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, IOM hỗ trợ kỹ thuật, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp thực hiện, được triển khai từ tháng 3/2020 nhằm hỗ trợ tái hòa nhập kinh tế - xã hội bền vững và giải quyết những khó khăn mà phụ nữ di cư hồi hương gặp phải thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ của Văn phòng OSSO tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Hậu Giang, Hải Phòng, Hải Dương.

Ông Brett Dickson – Giám đốc chương trình IOM Việt Nam cho biết, theo thống kê, Việt Nam đang là nước có số phụ nữ có tỷ lệ kết hôn với người nước ngoài cao. Tỷ lệ ly hôn trung bình cũng lên tới 30%, cô dâu Việt Nam cũng có tỷ lệ cao thứ 2 trong việc nộp đơn ly hôn. Điều này tác động đến cuộc sống của hơn 400 trẻ em được sinh ra từ các cuộc hôn nhân đa quốc gia mỗi năm. 

Kể từ khi hoạt động tới nay, chuỗi Văn phòng OSSO trên toàn quốc đã tư vấn cho 55 phụ nữ di cư hồi hương với 86 cuộc tư vấn, trong đó 47% tư vấn về vấn đề pháp lý, 18% về tâm lý; 10% về việc làm và 25% về các dịch vụ chung của OSSO. Thực tế cho thấy, hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ là một công việc phức tạp, rất cần có sự chung tay phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ban, ngành chức năng và các tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ phụ nữ và trẻ em; qua đó, họ có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ một cách hiệu quả nhất.

“Để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương cần sự tham gia của các cơ quan, bộ, sở, ngành liên quan đề xuất giải quyết những vấn đề đặt ra; hỗ trợ tái hòa nhập bền vững; giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan tới tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, hoàn thiện các thủ tục pháp lý về hôn nhân, các vấn đề liên quan tới trẻ em, tư vấn tâm lý… Ngoài ra, đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, trong đó, có hoạt động của Văn phòng Dịch vụ một điểm đến (OSSO). Trên cơ sở đó đưa ra các chính sách mang tính dài hơi nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ” - bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh.

Đọc thêm