TP Hồ Chí Minh đã có lệnh ngưng các hoạt động ăn uống hè phố từ ngày 21/5. Sau đợt dịch, có lẽ cần nhìn lại việc quản lý các dịch vụ hàng quán lề đường để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Các chủ quán ăn hè phố tại quận 3 và Gò Vấp, TP HCM sau khi nhiễm Covid-19 đã lây cho người thân cùng hàng loạt F1, F2 khác do lịch sử tiếp xúc nhiều. Trong thời điểm dịch bùng phát, các hàng, quán lề đường luôn tiềm ẩn không ít rủi ro cho công tác phòng chống dịch.
Trong cuộc họp giao ban của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ngày 21/5, ngay sau khi phát hiện 4 ca bệnh liên quan đến 2 quán ăn trên, đại diện nhiều địa phương trên địa bàn TP HCM đã chia sẻ “cái khó” trong việc quản lý các quán ăn hè phố. Ông Võ Văn Đức, Chủ tịch UBND Q.3 (TP HCM) cho biết, lực lượng chức năng phải đối mặt với các “chiêu trò” của người bán hàng hè phố. Khi lực lượng chức năng đi kiểm tra, các hàng quán này tạm thời đóng cửa hoặc giải tán khách. Sau khi đoàn rời đi, quán ăn lại đông đúc trở lại. Có nhiều trường hợp ở các quận, huyện phản ánh, người bán và khách hàng thấy đoàn kiểm tra đến từ xa thì vội vàng đeo khẩu trang, sau đó lại tháo ra “cho mát”.
Trên thực tế, thời gian qua, mặc dù chính quyền tích cực đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện 5K và lực lượng kiểm tra thường xuyên kiểm tra, xử phạt, nhưng tại các quán ăn hè phố, cafe lề đường vẫn còn tình trạng người bán hàng và khách hàng không mang khẩu trang. Nhiều người khi được nhắc nhở thì có đeo nhưng đeo ở cằm, nghĩa là đeo đối phó, không che mũi, miệng, không có tác dụng gì trong việc phòng, chống dịch.
Chị Nguyễn Thị Thu Ngân, 38 tuổi, giáo viên ngụ tại khu vực đường Tô Ngọc Vân, TP Thủ Đức chia sẻ: “Thời gian trước có xem báo, đài nói về việc bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, nhưng tôi đến khu vực trước chợ vẫn thấy người bán hàng lề đường không hề đeo khẩu trang, thậm chí vừa bán hàng vừa nói chuyện với âm lượng không nhỏ. Khách hàng tiếp xúc rất gần, cũng có người không đeo khẩu trang. Tôi có nhắc nhưng họ vẫn thờ ơ, thậm chí còn nhìn mình bằng ánh mắt khó chịu. Đến nay thì các hàng quán lề đường khu vực này đã tạm ngưng hoạt động”.
Không chỉ đến thời điểm dịch bùng phát, có lẽ cơ quan quản lý đã “thả nổi” cho dịch vụ thực phẩm hè phố phát triển tự do một thời gian dài. Nhiều hàng, quán lề đường không được cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng vẫn hoạt động bình thường, trong đó không ít quán nhập thực phẩm nguồn gốc không rõ ràng, chế biến thiếu vệ sinh, bán ngoài hè phố nhưng không có hình thức đảm bảo vệ sinh...
Nhiều hàng quán bán “dã chiến”, chỉ có mỗi xô nước dùng để rửa không biết bao nhiêu chén bát. Khi khách ăn xong, chủ quán chỉ nhúng chén đũa vào xô rồi lại bán cho khách khác. Không ít người bán hàng không đeo găng tay vẫn trực tiếp chế biến thức ăn... Đây là một trong những nguy cơ lớn lây lan Covid-19 và nhiều loại bệnh khác như dịch tả, ngộ độc...
Trải qua một đợt bùng phát dịch, có thể thấy “lỗ hổng” quản lý thực phẩm hè phố càng lộ rõ. Dẫu biết rằng các hàng buôn bán nhỏ ấy là miếng cơm, manh áo của nhiều người và quán ăn hè phố là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực Việt, nhưng cần thiết siết lại việc quản lý hàng quán vỉa hè để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.