Cần tăng ngân sách cho hoạt động trợ giúp pháp lý

(PLO) - Ngày 30/3, tại TP.Đà Nẵng, Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã tổ chức Hội nghị Trợ giúp pháp lý – Kinh nghiệm của một số Quốc gia Châu âu, những vấn đề cần đổi mới, hoàn thiện tại Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị

Đến dự Hội nghị có bà Lê Thị Thu Ba, Phó Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, ông Jacob Gammelgaard, Cố vấn trưởng Chương trình đối tác tư pháp cùng các đại biểu đến từ Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Sở Tư pháp các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Kon Tum.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Tư pháp (JPP) trên cơ sở phối hợp với Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương (CJRSC) và Bộ Tư pháp.

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có những nổ lực vượt bậc trong việc đổi mới chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL). Bộ Tư pháp đã tiến hành một đợt tổng kết sâu rộng việc thực hiện chính sách và đã có một kế hoạch sửa đổi nhằm thực hiện hoạt động TGPL trên cả nước.

Hoạt động TGPL không chỉ là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế khác mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo lập và củng cố ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Thị Thu Ba, Phó Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp TƯ nhấn mạnh: TGPL là một chính sách lớn trong tổng thể các chính sách xã hội của Nhà nước, mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, là phương tiện cần thiết để người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý. 
TGPL được xem là một biện pháp “xóa đói, giảm nghèo về pháp luật” cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Từ khi hệ thống tổ chức TGPL Nhà nước được thành lập (năm 1997) đến nay, thực tế đã khẳng định công tác này là một chính sách hợp lòng dân nên nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, bà Lê Thị Thu Ba cũng cho rằng tổ chức và hoạt động TGPL trước yêu cầu phát triển của xã hội hiện đang bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục, kiện toàn như nhận thức về vai trò, ý nghĩa của TGPL chưa sâu rộng, đối tượng thuộc diện TGPL chưa được biết nhiều về hoạt động này. Hoạt động TGPL cũng chưa đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm còn dàn trải quá nhiều hình thức TGPL.

Mạng lưới tổ chức TGPL (Trung tâm và Chi nhánh) chưa thật hợp lý. Sự tham gia của luật sư trong hoạt động TGPL còn hạn chế, chưa huy động được luật sư giỏi, có nhiều kinh nghiệm tham gia. Các luật sư đôi khi có biểu hiện thiếu nhiệt tình, trách nhiệm không cao. Trình độ, năng lực của trợ giúp viên pháp lý còn chưa cao, kỹ năng tranh tụng còn yếu, chưa chuyên nghiệp, đồng thời kinh nghiệm và thực tiễn hoạt động còn ít…

TS Phạm Quý Tỵ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, kinh phí hàng năm của Nhà nước bảo đảm cho công tác TGPL còn thấp, không thường xuyên và phân bổ các khoản chi không hợp lý dẫn đến kết quả thực hiện TGPL trong thời gian qua chưa cao. Vì vậy, theo TS Tỵ. thời gian tới Nhà nước cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho hoạt động TGPL.

Đọc thêm