Cần có giải pháp huy động nguồn lực tài chính cho trợ giúp pháp lý

(PLO) - Để xây dựng, phát triển cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng của hệ thống TGPL, chất lượng cung cấp dịch vụ TGPL cho người dân thì rất cần có những giải pháp khắc phục các hạn chế, bất cập và một trong giải pháp “đầu tiên” chính là làm sao huy động nguồn lực tài chính dồi dào hơn.
Nâng cao nhận thức về quyền được TGPL
Báo cáo sơ kết 2 năm triển khai Chiến lược của Bộ Tư pháp cho thấy, công tác phổ biến, truyền thông về TGPL được tích cực thực hiện, qua đó nhận thức về vai trò, ý nghĩa của hoạt động TGPL và quyền được TGPL của người dân được nâng lên một bước. Thể chế, chính sách về TGPL tiếp tục được hoàn thiện với 1 Nghị định, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 3 Thông tư và Thông tư liên tịch được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện Chiến lược và Luật TGPL. Tổ chức bộ máy, cán bộ và năng lực của hệ thống TGPL nhà nước cũng tiếp tục được quan tâm kiện toàn, củng cố theo các chỉ tiêu đề ra trong Đề án Quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn đến năm 2015. 
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ảnh minh họa. Nguồn internet 
Không những thế, đội ngũ người thực hiện TGPL tăng về số lượng và chất lượng đã dần thể hiện vị trí của mình trong việc tham gia tranh tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Các cộng tác viên là luật sư, luật gia, chuyên gia pháp lý đã có đóng góp hiệu quả cho công tác TGPL. Tại một số tỉnh miền núi, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý đóng vai trò chủ chốt trong việc tham gia tố tụng, khắc phục tình trạng thiếu luật sư tại những địa bàn khó khăn này. Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong TGPL, đặc biệt là TGPL trong hoạt động tố tụng của cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát ngày càng đi vào nền nếp, góp phần tích cực trong việc bảo đảm quyền được đại diện, bào chữa miễn phí của người thuộc diện được TGPL… 
Tuy nhiên, công tác TGPL vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, đáng chú ý là vấn đề kinh phí được lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Bộ Tư pháp rất trăn trở. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ ra, ngân sách nhà nước cấp cho TGPL còn phân tán, nội dung phân bổ có điểm chưa hợp lý, một số địa phương, cơ sở lại sử dụng chưa hiệu quả… Còn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thẳng thắn cho rằng, kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác TGPL chưa tương xứng giữa các địa phương, nguồn lực đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung cho vụ việc TGPL, nhất là vụ việc tham gia tố tụng.
Tăng cường lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia
Trong bối cảnh nhu cầu TGPL lớn, nguồn lực của ngân sách còn hạn chế, việc tăng cường huy động các nguồn lực tài chính và hỗ trợ xã hội cho công tác TGPL là hết sức cần thiết, đòi hỏi phải chú trọng những giải pháp thiết thực huy động nguồn lực tài chính. Ngoài việc trông chờ sự hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cần phải tăng cường huy động các nguồn lực tài chính khác để đáp ứng đầy đủ yêu cầu được TGPL của các đối tượng, thực hiện bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL. 
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Nguyễn Trọng Nghĩa, cần tập trung vào các nguồn sau: thông qua Quỹ TGPL để huy động các nguồn tài chính do các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ; nghiên cứu cơ chế để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ trực tiếp cho các vụ việc, đối tượng được TGPL cụ thể; tiếp tục thực hiện lồng ghép hoạt động TGPL với các Chương trình mục tiêu quốc gia. 
Trên cơ sở đó, để tranh thủ các nguồn lực tài chính do các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ trực tiếp cho Quỹ TGPL thì phải sớm nghiên cứu định hướng mang tính chiến lược cho công tác TGPL đến năm 2020 và các kế hoạch vận động tài trợ trực tiếp thông qua Quỹ TGPL. Ngoài ra, cũng cần sớm có những đánh giá, tổng kết sơ bộ việc thực hiện lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo để rút ra những kinh nghiệm, tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác về dân số, việc làm; giáo dục đào tạo…
Về kinh phí cho hoạt động TGPL từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Lê Hùng Dũng chia sẻ, mặc dù thành phố đã có nhiều cố gắng, song cũng chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho việc thực hiện nhiệm vụ TGPL miễn phí. Cam kết UBND thành phố sẽ tăng cường hơn trong thời gian tới, ông Dũng đồng thời vẫn mong muốn được ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề luật sư cho cán bộ nguồn trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL. 
Đến từ địa phương có hoạt động hiệu quả nổi bật, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ung Thị Xuân Hương cho rằng phải có giải pháp bảo đảm các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác đánh giá chất lượng và quản lý chất lượng hoạt động TGPL. Theo đó, bà Hương đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính quy định chế độ đãi ngộ tương xứng cho cán bộ, viên chức làm công tác TGPL nhằm thu hút những cá nhân có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt bổ sung vào lực lượng cán bộ, viên chức trợ giúp viên pháp lý; kiến nghị Chính phủ về việc áp dụng chế độ phụ cấp công vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp không có thu, chủ yếu sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước như các Trung tâm TGPL nhà nước tại địa phương trên cả nước. 

Đọc thêm