Những ý kiến của các chuyên gia pháp lý đều nhất trí cho rằng đó là hành vi phạm pháp. Song, cường điệu nó lên thành hành vi khủng bố thì hơi quá. Đó là trò vừa tinh nghịch, vừa dại dột của các bạn trẻ, vả lại, đây chỉ là hành vi bắt chước những “kịch bản” nước ngoài, họ làm ra để làm trò cười, ai xem cũng biết đây là giả.
Tuy nhiên, hệ lụy của nó làm phương hại đến trật tự, an toàn xã hội, có vẻ như khích lệ khủng bố, thích thú trước sự hoảng sợ của con người. Vì thế, cần có những hình phạt thích đáng để ngăn chặn các trò tương tự.
Một sự kiện khác, đáng phê phán hơn nhiều, đó là dùng Facebook để công kích, bôi xấu, làm nhọ nhem hình ảnh của MC Phan Anh. Người ta dùng đủ cách để hạ thấp việc làm từ thiện, lẽ ra phải được cổ vũ của anh.
Trong đó, phải kể đến một thủ đoạn “bẩn” là lập tài khoản giả lấy tên anh rồi “sáng tác” ra những câu trả lời của anh khiến mọi người có thể nhầm và nghi ngờ về nhân cách thật của anh. Đây chính xác là một hành vi phạm pháp, mạo danh nhằm mục đích xấu, có thể xếp vào loại tội vu khống, xâm phạm đời tư của người khác.
Hiện tại, vẫn tiếp tục các trò lừa đảo trên Facebook, đủ cả, từ lừa tình đến lừa tiền. Dù đã quá phổ biến và mọi người cảnh giác với chiêu trò này, tuy nhiên, vẫn không ít người ngây thơ, cả tin bị sập bẫy. Đáng nói là có trường hợp một thanh niên bị lừa trên Facebook 5 triệu đồng, anh ta cay cú liền áp dụng ngay cái chiêu trò đó để lừa đảo người khác, thu được hàng chục triệu đồng.
Sự việc bị phát giác, anh ta bị bắt và phải đối diện với tội danh lừa đảo. Từ nạn nhân trở thành thủ phạm, con đường thật ngắn, đầy trớ trêu trên mạng ảo dẫn đến nhà tù thật ngoài đời.
Có rất nhiều trường hợp dùng Facebook làm công cụ, phương tiện phạm tội. Đó là tung hình ảnh, thậm chí cả số đo 3 vòng của gái mại dâm cùng những chỉ dẫn đến nơi hành lạc. Có trường hợp còn liều lĩnh hơn là rao bán ma túy và những thứ hàng cấm trên Fcebook. Các trường hợp này nhanh chóng bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Cũng đã không ít các trường hợp “tai nạn” trên Fcebook. Mới đây nhất thuộc về một người viết chuyên nghiệp, ông ta lấy ảnh của nước ngoài gán vào một sự kiện đang gây tai tiếng trong nước. Hậu quả là ngoài việc phải đối mặt với cáo buộc vu khống, ông ta đã phải xin lỗi và đóng cửa vĩnh viễn tài khoản của mình.
Có những hành vi trên Facebook rất gần với việc phạm pháp. Đó là lập nhiều tài khoản khác nhau, kết bạn với bạn bè trên “Phây” của đối tượng mà mình nhắm tới, để tìm hiểu, soi mói đời tư của người khác nhằm thỏa mãn mục đích của mình. Họ liên tục quấy rối những người đó bằng những câu hỏi moi móc, bằng sự giận dỗi hoặc chê trách, hoặc van xin,... ở bất kể lúc nào, ngay cả lúc đêm hôm khuya khắt hay trong giờ làm việc. Đó thực sự là một sự quấy rối, rát khó chịu trong cộng đồng mạng.
Những hành vi phạm pháp trên Facebook phần lớn được phát hiện và xử lý kịp thời, tuy nhiên, nhiều thủ đoạn khác lại xuất hiện và cũng có những hành vi mà pháp luật không thể xử lý nhưng gây tác hại về tinh thần không nhỏ cho người dùng Facebook. Vì vậy, cần xây dựng một thứ văn hóa Facebook lành mạnh và không ai khác, điều đó phải được thực hiện từ chính những người yêu thích mạng xã hội này!