Có ý kiến cho rằng việc làm này nhằm phục vụ nhu cầu đi lại bằng xe ô tô của một số cán bộ đang công tác tại huyện Phong Điền. Trong khi đó, người dân địa phương cho biết việc làm trên nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong xã, cũng như việc chuyển bệnh và lưu thông phương tiện, hàng hóa của người dân bằng xe cơ giới được thuận tiện. Để có thông tin hai chiều, ngày 1/8 phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam đã về xã Giai Xuân tìm hiểu sự việc.
Dân xin “nới rộng” lan can cầu
Theo tìm hiểu của phóng viên, tuyến đường Bông Vang - Hai Điều có chiều dài khoảng 4km nối liền ra thị trấn Phong Điền có lộ giới khoảng 3-4m, trong khi hầu hết các cầu bê tông trên tuyến này khá hẹp, chiều rộng khoảng 2m. Chính việc cầu đường “vênh” như thế khiến việc đi lại, đặc biệt là nhu cầu vận chuyển hàng hóa, sản xuất của người dân bằng các phương tiện xe cơ giới gặp rất nhiều khó khăn.
Trước đó, tại các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 11 HĐND xã Giai Xuân, nhiều cử tri hai ấp Thới Thạnh và Bình Thạnh đề nghị chính quyền địa phương sớm nới rộng các cây cầu bằng mặt lộ trên tuyến lộ Bông Vang - Hai Điều, bởi hiện trạng mặt cầu rộng 2m, lộ rộng 4m. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước bất cập trên, cuối tháng 3/2016 nhiều người dân trên tuyến đường này đồng loạt làm đơn kiến nghị chính quyền địa phương đề nghị UBND xã Giai Xuân “cho phép người dân chúng tôi được nới rộng lan can cầu để việc đi lại giao thông được an toàn”.
Trước những kiến nghị của tập thể người dân, ông Lê Văn Thuột - Bí thư ấp Thới Thạnh - cho biết, chính quyền ấp đã tiến hành họp dân lấy ý kiến của tập thể. Xét thấy kiến nghị của người dân là hợp lý nên chính quyền ấp đồng thuận. Ông Thuột cũng cho biết thời gian gần đây một số trường hợp người dân trong ấp bị bệnh tật có nhu cầu liên hệ xe cứu thương hoặc taxi để chuyển bệnh nhưng do các cầu trên tuyến quá chật hẹp nên các phương tiện trên không vào được. Đặc biệt, cách đây hơn 6 tháng trong ấp có người dân bị bệnh tai biến nặng, gia đình muốn gọi xe taxi để đưa người thân đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, tuy nhiên nhiều xe taxi từ chối vào nhận chuyển bệnh với lý do sợ va quẹt phương tiện vào các lan can và thành cầu trên tuyến. Điều này buộc lòng gia đình phải chuyển bệnh nhân bằng xe máy nên tình trạng bệnh càng thêm nặng.
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Đương Quan, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Giai Xuân, xác nhận nhu cầu và kiến nghị của người dân về việc xin nới lan can cầu là có thật, tuy nhiên Đảng ủy, UBND xã chưa có chủ trương cho “nới rộng” các lan can cầu mà chủ yếu do ấp và người dân tự quyết. Theo ông Quan, đây là tuyến đường thông ra thị trấn nên địa phương cũng đã có đề nghị UBND huyện nâng cấp mở rộng các cây cầu trên tuyến để việc lưu thông của người dân được dễ dàng. Tuy nhiên đến nay huyện vẫn chưa có chủ trương để xây mới hay nới rộng các cây cầu trong xã. Ông Quan khẳng định việc “nới rộng” một số lan can cầu trên tuyến Bông Vang - Hai Điều hoàn toàn nhằm phục vụ nhu cầu và nguyện vọng của người dân, hoàn toàn không phục vụ cho bất kỳ một cá nhân hay cán bộ nào khác.
“Đùn đẩy” trách nhiệm quản lý
Để tìm hiểu thêm thông tin, chúng tôi liên hệ Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Phong Điền. Trao đổi với phóng viên, ông Dương Quốc Trung - Phó trưởng phòng - cho biết hoàn toàn không nắm thông tin gì về thiết kế cũng như đơn vị quản lý các cây cầu trên tuyến. Ông Trung cũng cho hay, bản thân ông cũng từng đi qua khu vực và có thấy các lan can cầu bị bẻ cong. Tuy nhiên “tuyến này do xã tự làm, xã tự quản lý, huyện không biết, không quản lý”, đồng thời đề nghị phóng viên cần thêm thông tin gì thì trao đổi với Trưởng phòng hoặc xuống gặp Chủ tịch UBND xã.
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Thanh Vũ - Trưởng Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện - nói đang nghỉ phép nên không thể gặp trực tiếp. Qua điện thoại, ông Vũ cũng cho biết, tuyến đường trên là đường giao thông nông thôn, xã quản lý, có gì xuống xã hỏi sẽ rõ hơn. “Do cầu làm từ lâu nên tôi cũng không biết huyện có đầu tư hay không. Trước đây, huyện cũng có chủ trương lập dự án xin vốn từ thành phố đầu tư các cây cầu trên tuyến này nhưng thành phố không chấp thuận vì xã Giai Xuân mới đạt xã nông thôn mới. Cụ thể chủ trương xin bao nhiêu cây thì tôi cũng không biết, anh chị xuống xã nắm sẽ rõ hơn”, ông Vũ thông tin thêm. Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND xã Giai Xuân Huỳnh Đương Quan, các cây cầu trên đã có từ lúc Cần Thơ chưa tách tỉnh với Hậu Giang, vốn đầu tư của nhà nước. Sau khi chia tách tỉnh thì các tuyến đường này do huyện quản lý, xã không có thẩm quyền và chức năng quản lý.
Ông Nguyễn Văn Sử - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền - cho biết, hiện UBND huyện đã có chỉ đạo phòng Kinh tế hạ tầng phối hợp với chính quyền xã Giai Xuân tiến hành xác minh làm rõ vấn đề trên và sẽ nhanh chóng có câu trả lời cho báo chí.