Cần Thơ: “Mập mờ” khó hiểu ở phòng khám Thế Kỷ Mới

(PLO) - Chi phí khám chữa bệnh cao ngất ngưởng; lưu trú nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân theo hình thức khám chữa bệnh nội trú; bác sĩ khám chữa bệnh không đúng chức danh, không đeo bảng tên, chỉ xưng hô “bác sĩ miệng”... là những gì PLVN ghi nhận tại Phòng khám đa khoa Thế Kỷ Mới tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, TP Cần Thơ.
Giá khám chữa bệnh, thẩm quyền điều trị nội trú, trình độ chuyên môn của y bác sĩ người Việt và người Trung Quốc,... là những vấn đề mà dư luận quan tâm rất nhiều tại phòng khám Thế Kỷ Mới
Giá khám chữa bệnh, thẩm quyền điều trị nội trú, trình độ chuyên môn của y bác sĩ người Việt và người Trung Quốc,... là những vấn đề mà dư luận quan tâm rất nhiều tại phòng khám Thế Kỷ Mới

Suy đoán bệnh?

Qua phản ánh bạn đọc ở nhiều địa phương tại ĐBSCL, vào vai người “mắc bệnh sinh lý”, chúng tôi đến Phòng Khám Thế Kỷ Mới để khám bệnh thì phát hiện hoạt động của phòng khám có nhiều chuyện “mập mờ”, thiếu minh bạch đúng như dư luận phản ánh.

Chúng tôi được hướng dẫn vào phòng khám bệnh gặp bác sĩ. Điều đáng ngạc nhiên là bảng phía ngoài ghi tên một bác sĩ nam sẽ phụ trách khám, chữa bệnh nhưng khi vào bên trong thì chúng tôi được  2 – 3 cô gái không đeo bảng tên, không chức danh ra khám và chẩn đoán bệnh như bác sĩ. Một cô tự nhận là bác sĩ đến khám cho tôi. Nói là khám chứ thật sự chỉ hỏi và tôi trả lời.

Khi nghe tôi nói sơ về các triệu chứng mà bệnh nhân tự nhận thấy thì cô này liền suy đoán: “Như là bị viêm tuyến tiền liệt. Tình trạng hiện tại sẽ lấy dịch niệu đạo kiểm tra sau đó thì siêu âm tuyến tiền liệt coi có bị viêm hay không và mức độ như thế nào để tìm ra nguyên nhân bệnh. Có kết quả sẽ kiểm tra một lần nữa tình trạng thực tế để tư vấn hướng điều trị cụ thể”.

Thông thường khi đi khám chữa bệnh thì bác sĩ chuyên khoa sẽ chẩn đoán rồi hướng dẫn bệnh nhân đi siêu âm, xét nghiệm các thứ liên quan... nhưng đằng này bác sĩ chỉ hỏi sơ sơ, không khám, không chẩn đoán rồi bảo bệnh nhân đi siêu âm cái này, xét nghiệm cái kia. Cứ cho rằng lời bác sĩ là đúng, chúng tôi y theo lời bác sĩ hướng dẫn.

Người phụ nữ có hình xăm tay phải xưng là bác sĩ Hà chuẩn đoán bệnh cho bệnh nhân.

Người phụ nữ có hình xăm tay phải xưng là bác sĩ Hà chuẩn đoán bệnh cho bệnh nhân.

Vị bác sĩ này bảo tôi chỉ lấy dịch niệu đạo và siêu âm tuyến tiền liệt nhưng sau đó tôi lại được hướng dẫn đi xét nghiệm máu rồi thử nước tiểu đủ thứ làm chi phí phát sinh gần 1 triệu đồng. Trong phiếu thu tiền lại xuất hiện thêm khoản “phí kiểm tra” với giá 200.000đ. Chúng tôi chẳng hiểu phí kiểm tra gì trong khi các khoản khám, xét nghiệm, siêu âm chúng tôi đều đóng đủ. Đồng thời, trong phiếu thu tiền có thêm dòng chữ: “Bệnh nhân đã tìm hiểu kỹ bảng giá và đồng ý làm các dịch vụ trên”.

Tiếp đó, chúng tôi được hướng dẫn đến phòng siêu âm, cứ nghĩ là BS Nguyễn Thị Yên sẽ khám (theo như bảng tên treo trước phòng) nhưng khi vào trong thì có 2 người phụ nữ. Một người nói tiếng Việt (không đeo bảng tên nên chẳng biết có phải BS Yên không) một người khác nói tiếng Trung Quốc. Khi tôi hỏi: “Chị đó là người nước nào?” thì được chị kia trả lời: “Là người Đài Loan”. Sau đó, chị người Đài Loan thực hiện siêu âm cho tôi. Lúc đó tôi cũng không suy nghĩ nhiều, cứ nghĩ chắc phòng khám mời bác sĩ nước ngoài siêu âm, điều trị thì tay nghề sẽ cao hơn, người bệnh sẽ mau hết bệnh. Nhưng điều khiến tôi “ngã ngửa” là người siêu âm là một người Trung Quốc nhưng người ký tên trong kết quả siêu âm lại là BS Nguyễn Thị Yên. Tại sao lại có chuyện “mập mờ” lạ thường này? Vậy nếu có bất trắc xảy ra thì ai là người sẽ chịu trách nhiệm. Người siêu âm hay người ký tên? Điều “khó hiểu” này tạo nên sự lo lắng, bất an cho người bệnh.

Nghi ngờ bệnh?

Mọi chuyện không dừng lại ở đó. Khi có kết quả, chúng tôi vào phòng và được một phụ nữ khác tự xưng là bác sĩ tên Hà thông báo kết quả (chúng tôi biết được cô bác sĩ này tên Hà là do chúng tôi hỏi chứ cô này không đeo bất kỳ bảng tên nào). Nhìn sang các cô mặc áo blouse trắng tự xưng là bác sĩ hay trợ lý của bác sĩ chẳng thấy cô nào đeo bảng tên. Chỉ có những cô mặc váy tím hướng dẫn người bệnh là đeo bảng tên. Nhưng một điều trùng hợp là bảng tên của các cô này đều xoay vào bên trong cho nên đeo cũng như không. Thực sự như thế chúng tôi không thể biết được ai là bác sĩ chính điều trị cho mình, các bác sĩ tự xưng khác giữ vai trò gì, chức năng, nhiệm vụ của họ trong phòng khám này là gì chúng tôi hoàn toàn mù tịt. Điều đáng nói nữa là bác sĩ điều trị đó có chuyên môn hay không và chuyên môn đó có phù hợp với bệnh tình của bệnh nhân hay không thì chỉ có người của phòng khám này biết?!

 Cô bác sĩ tên Hà xem các kết quả xét nghiệm, siêu âm và kết luận tôi bị “viêm tuyến tiền liệt”. Trong kết quả siêu âm cũng đề cập rằng, “Tuyến tiền liệt hơi tăng lớn nghi ngờ bị viêm (kiến nghị tái khám)”. Tôi không kịp hoàn hồn khi phát hiện 2 chữ “nghi ngờ” trong kết luận. Sau đó cô bác sĩ tên Hà cũng không chẩn đoán hay khám gì thêm mà đưa ra cho tôi cả liệu trình điều trị với mức chi phí gần 6 triệu đồng. Vậy nếu “nghi ngờ” đó là sai thì sao? Trình độ chuyên môn, phương tiện kỹ thuật, máy móc như thế nào mà lại chỉ “nghi ngờ” lại đưa ra phương pháp điều trị? Kết quả đó khiến tôi khá bất ngờ khi sự suy đoán ban đầu của cô bác sĩ trùng khớp với kết quả khám bệnh trong khi những triệu chứng tôi nói với cô lúc đầu chỉ là “bịa". 

Bệnh nhân và người nhà được lưu trú thoải mái tại phòng khám mà các cơ quan chức năng không hay biết!
Bệnh nhân và người nhà được lưu trú thoải mái tại phòng khám mà các cơ quan chức năng không hay biết!

Khi được hỏi về vấn đề lưu trú lại tại phòng khám thì được nhân viên tư vấn và bác sĩ bảo rằng được phép, tuy nhiên phải nói với bác sĩ điều trị để bác sĩ sắp xếp phòng. Nhưng theo quy định thì các phòng Khám không được phép cho bệnh nhân lưu trú lại qua đêm. Nếu vậy, phòng khám này có làm đúng quy định hay không? Tìm hiểu kỹ về vấn đề này, chúng tôi lên lầu 4 của phòng khám. Bước vào một căn phòng thì có 5 – 6 bệnh nhân và người nhà đang lưu trú. Khi hỏi thì được biết không phải chỉ lưu trú một vài ngày mà có người lưu trú 7-8 ngày.

Một người nhà bệnh nhân quê ở Cà Mau chia sẻ: “Cô và chồng được lưu trú ở đây hơn 7 ngày, chi phí khám chữa bệnh ở đây rất cao, trung bình bệnh nhẹ thì cũng 1,5 triệu đến 2 triệu đồng. Riêng trường hợp mổ trĩ thì chi phí tại đây lên đến 40 triệu đồng, cắt bao quy đầu thì từ 4 triệu đến 8 triệu đồng”.  Trường hợp tương tự là một bệnh nhân bị bệnh rò hậu môn cho biết, mới nằm viện ở đây có 7 ngày mà đã tiêu tốn hơn 70 triệu đồng. Một ngày tiền thuốc gần 3 triệu đồng. Chú này cho biết thêm, quy trình điều trị mỗi ngày tại đây “đa phần là truyền nước chi phí một chai là 1,3 triệu đồng; phun sương, hồng quan trong vòng 1 giờ đồng hồ là 1,2 triệu,...”. Một người nhà bệnh nhân khác tiếp lời, không nghe rõ tư vấn ban đầu là sẽ tốn rất nhiều tiền, “thoáng một cái là vô vòng liền”. Đa phần mọi người cho rằng “lỡ mổ” tại đây nên bắt buộc phải nằm lại mặc dù được ở miễn phí nhưng lại chịu chi phí chữa bệnh và thuốc men rất cao.

Trước những phản ánh liên quan đến việc khám chữa bệnh nội trú tại các phòng khám đa khoa. Cụ thể, ngày 26/1/2018, Bộ Y tế cho biết cơ quan này đã gửi công văn cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, y tế các bộ ngành về việc khám chữa bệnh tại phòng khám đa khoa khu vực, Bộ Y tế yêu cầu rà soát và dừng hoạt động điều trị nội trú tại các cơ sở này. Theo tìm hiểu của báo PLVN, phòng khám đa khoa Thế Kỷ Mới không có thẩm quyền điều trị nội trú. Điều đáng nói là giá điều trị dịch vụ tại phòng khám này đa phần do phòng khám tự điều chỉnh chứ không thông qua niêm yết tại Sở Y tế Cần Thơ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này.

Đọc thêm