Cần tiếp tục khẳng định vị trí của LLVT trong Hiến pháp sửa đổi

Hôm qua (21/2), Học việc Cảnh sát nhân dân đã tổ chức tọa đàm khoa học “Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992” nhằm tiếp thu những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài ngành Công an về các lĩnh vực bảo vệ tổ quốc, an ninh, quốc phòng, từ đó tập hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và Ủy ban sửa đổi Hiến pháp.

Hôm qua (21/2), Học việc Cảnh sát nhân dân đã tổ chức tọa đàm khoa học “Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992” nhằm tiếp thu những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài ngành Công an về các lĩnh vực bảo vệ tổ quốc, an ninh, quốc phòng, từ đó tập hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và Ủy ban sửa đổi Hiến pháp.

 

Đề xuất quy định Cơ quan điều tra là Cơ quan tư pháp

Trong Hiến pháp 1992, các quy định có liên quan đến tổ chức và hoạt động của CAND, đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội được quy định tại Chương IV về Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

CAND với tính chất vừa là lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, vừa là cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, vừa có tính chất của cơ quan tư pháp, nên không chỉ có các quy định tại Chương IV liên quan đến tổ chức và hoạt động của CAND mà còn có rất nhiều quy định tại các chương khác trong Hiến pháp 1992 có liên quan đến tổ chức và hoạt động của lực lượng này. 

Khẳng định tầm quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 tới tổ chức và hoạt động của lực lượng CAND, GS.TS, Thiếu tướng Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhận định: “Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này nhằm hoàn thiện thêm một bước cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, trong đó có tổ chức và hoạt động CAND, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội”.

Theo đó, GS.TS Vũ Ngọc Anh đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều 104 Hiến pháp 1992 về thành lập Hội đồng an ninh quốc gia theo hướng “xác định rõ vị trí, vai trò của Hội đồng an ninh quốc gia là cơ quan chỉ đạo tối cao có thể bao quát hết lĩnh vực bảo đảm an ninh và bảo đảm sự chỉ huy, chỉ đạo tập trung thống nhất, có hiệu quả đối với các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới của đất nước” chứ không chỉ dừng lại ở việc quy định chủ yếu là để bảo vệ Tổ quốc trong trường hợp chiến tranh như tại Hiến pháp hiện hành.

GS.TS Vũ Ngọc Anh cũng đề nghị cụ thể hóa khái niệm “bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”; làm rõ khái niệm “các lực lượng vũ trang” quy định tại Điều 45; bổ sung quy định về công dân phục vụ có thời hạn trong CAND; vấn đề thống nhất thẩm quyền phong hàm, cấp trong lực lượng vũ trang; vấn đề thống lĩnh lực lượng vũ trang…

Riêng vấn đề xác định cơ quan tư pháp trong mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước ta, GS.TS Vũ Ngọc Anh đề nghị bổ sung quy định cơ quan điều tra là cơ quan tư pháp.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS, Thiếu tướng Nguyễn Thủ Thanh, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân cho rằng, tuy chưa được quy định nhưng Hiến pháp 1992 là cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra. Bởi vậy, trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 này, GS.TS Nguyễn Thủ Thanh đề nghị giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ của cơ quan điều tra như hiện nay đồng thời bổ sung quy định Cơ quan điều tra là một trong những cơ quan tư pháp, tạo cơ sở cho việc xây dựng lực lượng CAND vững mạnh, toàn diện hơn, đảm bảo tốt hơn các điều kiện cần thiết cho CAND hoạt động.

GS.TS Nguyễn Thủ Thanh: “Đề nghị bổ sung quy định Cơ quan điều tra là cơ quan tư pháp”

Bổ sung các quy định cho phù hợp tình hình mới

GS.TS, Thiếu tướng Nguyễn Huy Thuật, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết: Lực lượng CAND với tư cách là lực lượng vũ trang, cùng với Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN được Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992 giao nhiệm vụ nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện các nội dung liên quan đến chính sách quốc phòng, an ninh, đề xuất các sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp, nhằm thể chế tư duy mới của Đảng về quốc phòng, an ninh thể hiện trong cương lĩnh 2011 và đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc và An ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Tọa đàm tập trung trao đổi, làm rõ các vấn đề liên quan đến 3 nội dung cơ bản là: Các quy định của Hiến pháp về bảo vệ Tổ quốc XHCN; Các quy định của Hiến pháp về lực lượng vũ trang và lực lượng CAND; Các quy định của Hiến pháp về thiết chế tổ chức Nhà nước Việt Nam.

Các ý kiến tham luận tại tọa đàm đều nhất trí cho rằng, thực hiện các quy định của Hiến pháp 1992 và các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, trong những năm qua, sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trước những diễn biến mới, nhiều yếu tố khó lường của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, những quy định về tổ chức và hoạt động của lực lượng CAND cũng cần được Hiến pháp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Hồng Thúy

Đọc thêm