Thời gian gần đây cộng đồng mạng kháo nhau về một đơn thuốc được cho rằng là của một bệnh nhân đang điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) kèm theo những nội dung làm theo là khỏi bệnh, không khỏi bệnh cũng nâng cao sức khỏe, phòng được bệnh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã phân tích những nguy hiểm tiềm ẩn trong đơn thuốc trên. Chẳng hạn như Tavanic 500mg là thuốc kháng sinh, được chỉ định để điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn như: viêm xoang cấp, viêm phế quản, viêm phổi mắc phải trong cộng đồng, nhiễm khuẩn đường tiểu có biến chứng, kể cả viêm thận, bể thận, nhiễm khuẩn ở da và phần mềm…
Như các thuốc khác, Tavanic có thể gây ra một số tác dụng phụ như: buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt, mệt mỏi, men gan tăng… Hoặc những phản ứng ít gặp nhưng cũng không kém nghiêm trọng là mẩn ngứa, phát ban, mẩn đỏ; chán ăn, rối loạn tiêu hóa, khó tiêu.
Bên cạnh đó Tavanic 500mg chống chỉ định cho các trường hợp bệnh nhân có tiền sử dị ứng với bất kì thành phần khác trong thuốc hoặc nhóm thuốc quinolon. Không sử dụng thuốc này cho phụ nữ đang mang thai và người đang cho con bú.
Không sử dụng ở bệnh nhân dưới 18 tuổi, bệnh nhân có tiền sử động kinh, rối loạn thần kinh cơ, viêm gân. Bởi vậy rất nguy hiểm nếu người dân tự sử dụng không tuân theo các phác đồ điều trị của y, bác sĩ.
Hay như Telfast 180mg chứa fexofenadine hydrochloride, chất kháng histamine. Được sử dụng ở người lớn và trẻ vị thành niên từ 12 tuổi trở lên để giảm các triệu chứng xảy ra do sốt cỏ khô (một bệnh viêm mũi dị ứng theo mùa) như hắt hơi, ngứa, chảy nước mắt hoặc bị tắc mũi.
Phản ứng phụ thường gặp như: đau đầu, buồn ngủ, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, buồn ngủ… Và đặc biệt Telfast 180mg cũng dùng theo chỉ định của bác sĩ… Tóm lại những loại thuốc trong “đơn” cần sử dụng theo chỉ định, nếu quá liều hoặc lạm dụng có thể dẫn tới nguy hiểm.
Mới đây, một số người dân cũng phản ảnh về việc một số người lên các trang, nhóm của mạng xã hội để quảng cáo về một số đơn thuốc đông y giúp phòng, chữa bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19.
Theo phản ánh, một số người đã đăng hình ảnh thang thuốc cùng với văn bản của Trung ương Hội Đông y Việt Nam gửi cho các vị Ủy viên Ban Chấp hành Hội, các Hội trực thuộc của Trung ương, tỉnh, thành phố về việc chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona.
Trong văn bản này, ngoài đưa ra tình hình của bệnh Covid-19 trên thế giới, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Hội Đông y Việt Nam cũng đưa ra các giải pháp để phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Trong văn bản này, Hội Đông y Việt Nam cũng đưa ra các bài thuốc nhằm nâng cao chính khí để hạn chế lây nhiễm như: Ngọc bình phong tán, Bảo nguyên thang. Tiếp đó là các bài thuốc để chữa bệnh như: Ngân kiều tán gia giảm (khi đang mắc bệnh); Thập toàn đại bổ thang (sau khi đã khỏi bệnh).
Trả lời báo chí, ông Trần Văn Bản - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, văn bản trên dựa trên các tài liệu về Đông y, qua đó Hội đã chọn những bài thuốc tăng cường chính khí để hạn chế lây nhiễm, chứ không hề nói các bài thuốc dùng để phòng bệnh.
“Khi dùng các bài thuốc này, có người có thể hạn chế được nhưng cũng có người không hạn chế được, hạn chế bệnh ở mức độ nhất định chứ không phải là phòng hẳn” - Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam khẳng định.
Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khẳng định, những bài thuốc chỉ đưa ra trong nội bộ của ngành để các thầy thuốc nghiên cứu chứ không đăng tải lên mạng xã hội hay chỉ định cho đơn vị nào bán ngoài thị trường cả.
Trên thực tế, một số người đã sử dụng văn bản này để đăng tải lên mạng xã hội với mục đích quảng cáo các bài thuốc, đồng thời cho biết giá thang thuốc phòng bệnh là 60 ngàn đồng/thang và chỉ mua giúp chứ không hề nhận rằng mình bán các thang thuốc này.