Cạnh tranh hàng không nhìn từ 3 hãng trên một đường bay

Bộ trưởng Đinh La Thăng nói hàng không tư nhân được cạnh tranh bình đẳng với hàng không nhà nước, nhưng liệu đó có phải chỉ là chủ trương khi thực tế, nhiều hãng hàng không tư nhân đã “gãy cánh” trước khi có được sự bình đẳng này?

Bộ trưởng Đinh La Thăng nói hàng không tư nhân được cạnh tranh bình đẳng với hàng không nhà nước, nhưng liệu đó có phải chỉ là chủ trương khi thực tế, nhiều hãng hàng không tư nhân đã “gãy cánh” trước khi có được sự bình đẳng này?

Hôm nay, 15/12, sân bay Phú Quốc (mới) chính thức mở cửa với 3 hãng hàng không cùng khai thác trên một đường bay. Trong đó có hai hãng cùng cắt băng khai trương dịp này.

"Anh cả" VNA cắt băng khai trương đường bay thẳng Hà Nội- Phú Quốc với 5 chuyến mỗi tuần từ Hà Nội đi Phú Quốc và ngược lại
"Anh cả" VNA cắt băng khai trương đường bay thẳng Hà Nội- Phú Quốc  với 5 chuyến mỗi tuần từ Hà Nội đi Phú Quốc và ngược lại

Đây là lần đầu tiên các hãng hàng không “so găng” trực diện trên cùng một đường bay, vốn không được xem là đường bay “chủ đạo”.

Trong đó Vietnam Airlines đã cất cánh bay Phú Quốc từ rất lâu ( chặng TP Hồ Chí Minh- Phú Quốc) còn  Air Mekong là hãng hàng không đầu tiên cất cánh bay thẳng Hà Nội- Phú Quốc cách đây hơn 1 năm ( 28/4/2011). Trên sân bay ngày 15/12, chỉ có VietJet Air thực sự là “tân binh”.

Hãng hàng không VietJet Air được hình thành bởi vốn góp của 30 cổ đông là các tổ chức, cá nhân người Việt Nam trong đó có 4 cổ đông sáng lập vào tháng 9/2007, với số vốn góp khoảng 500 tỷ đồng. VietJet Air bắt đầu khai thác thương mại từ tháng 12/2011.
 
Tại thời điểm hiện tại, VietJet Air có 20 cổ đông, là các tổ chức, cá nhân Việt Nam, với số vốn góp là 600 tỷ đồng, trong đó, các cổ đông có số vốn góp lớn nhất là: Công ty Cổ phần Sovico (42,512%, tương ứng 225,05 tỷ đồng), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (ứng với 30%, 180 tỷ đồng), ông Nguyễn Thanh Hùng (19%, 114 tỷ đồng), Ngân hàng HD Bank (5%, 30 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư Bắc Hà (1%, 6 tỷ đồng), bà Nguyễn Thanh Hà (0,5%, 3 tỷ đồng).

"Tân binh" VJA khai trương đường bay TP Hồ Chí Minh- Phú Quốc
"Tân binh" VJA khai trương đường bay TP Hồ Chí Minh- Phú Quốc

Hãng hàng không Mekong Air, được cấp giấy phép thành lập tháng 10/2008, bắt đầu khai thác vận tải hàng không từ tháng 10/2010. Xuất phát điểm ban đầu, Mekong Air do các tổ chức và cá nhân người Việt Nam góp vốn (Công ty đầu tư phát triển sản xuất Kiên Giang, Tập đoàn BIM và các cá nhân Việt Nam), vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ. Khi đi vào khai thác, vốn điều lệ của Mekong Air tăng lên 285,7 tỷ, trong đó Tập đoàn BIM góp 73,9%, các tổ chức, cá nhân Việt Nam góp vốn 8,5%, còn lại Hãng Sky West (Hoa Kỳ) góp 17,6%.

Và Air Mekong không còn
Và Air Mekong không còn "bá đạo" một mình một đường bay thẳng Hà Nội- Phú Quốc

Chỉ chiếm khoảng hơn 10% ( cho cả hai hãng hàng không tư nhân) cộng lại, người ta phải bật lên câu hỏi: liệu các hãng hàng không tư nhân có gặp khó khăn gì trong cạnh tranh với hàng không nhà nước (đang chiếm hơn 80% thị phần) trên cùng một đường bay?

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng nói rằng chủ trương của Chính phủ Việt Nam là khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ vận tải hàng không nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Các hãng hàng không tư nhân hoàn toàn được cạnh tranh bình đẳng với hãng hàng không Nhà nước, không gặp bất cứ khó khăn gì.
 
 Bộ trưởng cũng bác bỏ thông tin cho rằng Hãng hàng không VietJet Air là của gia đình một đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta. Ông nói thông tin đó là bịa đặt.
 
Bộ trưởng khẳng định :  Hiện tại, Bộ Tài Chính và Bộ Giao thông vận tải phối hợp quản lý giá dịch vụ tại cảng hàng không và giá cước vận tải, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không theo Luật hàng không Việt Nam.

Cùng với những phát biểu mạnh mẽ của người đứng đầu ngành GTVT, thông tin về việc Nghị định thay thế Nghị định 76 dự kiến sẽ được ban hành tháng 12/2012 củng cố thêm niềm tin vững chắc cho các hàng hàng không tư nhân về “cục diện” tươi sáng hơn cho một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực vốn bị nghĩ là “béo bở” này.

Trước mắt, hành khách là người được hưởng lợi đầu tiên bởi thay vì phải chi trả nhiều triệu đồng cho một tấm vé đến Phú Quốc, chỉ với 480 ngàn/ lượt, họ đã được bay với VietJetAir.

Air Mekong cũng "tung ra" chương trình khuyến mãi “Niềm vui cuối tuần” mừng Phú Quốc có sân bay mới. Theo chương trình này Air Mekong  dành cho hành khách ưu đãi đặc biệt : mức giá 888.000 đồng được áp dụng cho 15 chuyến bay đầu tiên từ Hà Nội đi Phú Quốc đến sân bay mới.Xuất phát tháng 12 /2012 có các ngày: 1, 6, 13, 15, 20, 22, 25; tháng 1 /2013 có các ngày: 1, 3 và 5, 10, 15. Mức giá 399.000 đồng được áp dụng cho đường bay TP HCM đi Phú Quốc và ngược lại trong giai đoạn từ 10/12/2012 đến 15/1/2013.

Tiên đoán của nhiều “người trong cuộc” cho thấy tới đây, để cạnh tranh với hãng hàng không mới này, “những người đi trước” sẽ phải lựa chọn giữa giảm giá và tăng chất lượng phục vụ, hoặc phải thực hiện cùng lúc cả hai.

Vì thế, thị trường hàng không nội địa thêm một lần nữa vô cùng sôi động.

Sau 4 năm xây dựng, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được khánh thành sáng nay, 15/12 tại xã Dương Tơ (huyện Phú Quốc). Cảng có tổng diện tích 1.000 ha, do Công ty Hàng không dân dụng miền Nam đầu tư gần 1 tỷ USD.Đến nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn một, với giá trị đầu tư trên 8.000 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: đường băng hạ - cất cánh dài 3.000 m, rộng 45 m, đảm bảo tiếp nhận máy bay Boeing 777, 747 - 400 và tương đương; công suất 2,5 - 3 triệu lượt khách và 14.300 tấn hàng hóa một năm; nhà ga, sân bãi, đài kiểm soát không lưu và các công trình phụ trợ khác.

Anh Phương


 

Đọc thêm