Theo đề án, khu vực trung tâm (quận 1 và 3) và 5 quận nội thành hiện hữu có dân số giảm trong 10 năm gần đây (4, 5, 6, 11, Phú Nhuận) ưu tiên tăng các chỉ tiêu quy hoạch như dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng... cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước 1975; các dự án cải tạo, chỉnh trang nhà ở kênh rạch. TP sẽ hạn chế xây mới dự án cao tầng tại 7 quận này nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xã hội tương ứng.
Cần lưu ý, đề án trên được đưa ra trong thời gian Thanh tra Bộ Xây dựng đang thanh tra công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Tuyến đường với vị thế đắc địa dài hơn 3km, nối từ Quận 1 về quận Bình Thạnh được đưa vào sử dụng từ năm 2002, kỳ vọng giải quyết bài toán giao thông cho TP và góp phần chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào sử dụng, con đường này lại lọt vào danh sách các điểm ngập nặng, kẹt xe nghiêm trọng, có mật độ các dự án bất động sản đua nhau mọc lên khiến hạ tầng quá tải. Con đường chỉ dài hơn 3km mà phải gồng gánh 6 khu phức hợp cao cấp và hơn 17.000 căn hộ chung cư.
Hình ảnh nhà cao tầng chen chúc nhau cũng quen thuộc ở nhiều tuyến đường trung tâm TP như Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Tôn Đức Thắng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi... Không chỉ ở các khu “đất vàng”, mà dọc những tuyến đường khác, nhiều dự án nhà ở cao tầng cũng ồ ạt xây dựng. Nhiều công trình chưa xây xong, đường đã kẹt.
Tại nhiều phiên chất vấn của HĐND TP, các đại biểu đã yêu cầu Sở Xây dựng và UBND TP làm rõ việc cấp phép xây nhà cao tầng, đặc biệt là trung tâm thương mại tại nội đô, có hay không tính tới việc kẹt xe, ùn tắc.
Nhiều chuyên gia xây dựng cũng đã đánh giá thẳng thắn, việc cấp phép xây dựng cao ốc đã được thực hiện không khoa học, do Sở Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, GTVT phối hợp chưa tốt khi cấp phép theo quy hoạch hạ tầng tương lai chứ không phải theo hạ tầng hiện tại. Thay vì hạ tầng đi trước một bước thì lại phải chạy theo sau như một vòng luẩn quẩn, kẹt xe “mút mùa”.
Thế nhưng ở chiều ngược lại, vẫn có quan điểm phản bác nếu không xây cao ốc, thì lấy chỗ nào mà ở, lấy gì để phát triển kinh tế? Theo dự báo, với dân số năm 2025 khoảng 10,1 triệu người, nhu cầu nhà ở của TP HCM 5 năm tới hơn 81 triệu m2 sàn, 5 năm tiếp theo là 68 triệu m2 sàn. Nếu không có cao ốc chen chúc, giấc mơ có một nơi trú ngụ sẽ ngày càng xa vời với rất nhiều người.
Với đề án mới ban hành có nội dung hạn chế xây cao ốc tại 7 quận nội thành, có thể thấy cuộc tranh luận nêu trên đã khép lại. Nhưng cũng không thể “chốt” được câu trả lời cao ốc là cứu tinh hay tội đồ. Nhìn ra nước ngoài, có thể thấy Hongkong, Singapore đất chật người đông, buộc phải xây cao ốc san sát nhau, nhưng người dân đâu có kêu ca? Điều quan trọng là tầm nhìn, chuyên môn nghiệp vụ của những người làm quy hoạch.