Cấp thiết bảo vệ trẻ em trước khi qua muộn

(PLO) - Là chuyên gia có nhiều năm gắn bó với công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Th.S, BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), hiện là Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) luôn trăn trở, bức xúc trước tình trạng trẻ em bị bạo hành, lạm dụng...
Đừng để mọi chuyện xảy ra khi đã quá muộn.
Đừng để mọi chuyện xảy ra khi đã quá muộn.

70% số vụ xâm hại, lạm dụng tình dục

Là một đồng hành với công tác bảo vệ trẻ em, xin ông cho biết đâu là nguyên nhân tình trạng bạo lực và đặc biệt lạm dụng trẻ em ngày càng gia tăng?

- Qua số liệu thống kê từ năm 2012 đến nay cho thấy, con số này không ngừng gia tăng. Nếu như năm 2012 có gần 2.000 trường hợp bạo lực và xâm hại trẻ em thì năm 2013, con số này là 4.000 trường hợp và năm 2014 là 4.500 vụ xâm hại và bạo lực trẻ em trong đó 70% số vụ là lạm dụng và xâm hại tình dục.

Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc các vụ bạo lực, lạm dụng trẻ em ngày càng gia tăng đó là do vấn đề giáo dục trong gia đình của chúng ta hiện nay còn yếu và chưa được quan tâm. Trước đây, chúng ta có một đội ngũ cộng tác viên bảo vệ và chăm sóc trẻ em (BVCSTE) đến từng nhà để tuyên truyền, tư vấn cộng đồng về BVCSTE và phát hiện sớm, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em.

Vào năm 2007, cả nước có tới 162.000 cộng tác viên (CTV) làm công việc này, tuy nhiên sau khi giải thể Ủy ban Dân số-Gia đình-Trẻ em thì không còn tồn tại lực lượng này nữa, do vậy hầu hết các vụ bạo lực và xâm hại trẻ đều do các cơ quan báo chí phát hiện, thông tin sau khi đã xảy ra.

Có thể nói, công tác truyền thông, giáo dục và tư vấn tại cộng đồng là một việc làm hết sức cần thiết, bởi các CTV làm việc tại cộng đồng, mỗi người phụ trách khoảng 60 - 80 hộ gia đình, họ là người sống trực tiếp tại khu vực nên họ biết rõ thực trạng cuộc sống của từng hộ gia đình, nắm rõ được những gia đình nào có nguy cơ bạo hành với con để từ đó có những biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời. 

Nguyên nhân thứ hai, ở nước ta kinh tế xã hội chuyển biến rất nhanh khiến cho số lượng trẻ em theo gia đình di cư từ nông thôn ra thành thị rất lớn. Nhiều trẻ nhỏ gia đình không có điều kiện trông nom trong khi bố mẹ phải lo kiếm sống nên phải gửi con vào những nhà trẻ tư, những nhóm trẻ gia đình, thậm chí gửi nhầm cho hàng xóm là “yêu râu xanh”… vì vậy, các em cũng dễ có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

Nguyên nhân thứ ba là do hệ thống giám sát, phát hiện các hành vi bạo lực ở ta còn kém. Trước kia với mạng lưới CTV rộng, nếu các em có vấn đề gì là sẽ được CTV phát hiện, còn bây giờ chủ yếu là do báo chí phát hiện đưa lên thì mọi người mới biết và thực tế khi báo chí phát hiện ra đều đã muộn. Số liệu 4.500 vụ xảy ra trong năm 2014, thực ra mới chỉ là mảng nổi của “tảng băng chìm” mà thôi, còn rất nhiều vụ không được báo cáo thì chúng ta cũng không biết.

Nguyên nhân thứ tư là hệ thống luật pháp, chính sách và khung pháp lý để bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đầy đủ.... đồng thời người thực thi pháp luật trong nhiều vụ việc cũng chưa nghiêm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em ngày càng gia tăng.

Nguyên nhân thứ năm đó là hiện nay hệ thống văn hóa phẩm của chúng ta không được quản lý chặt chẽ. Rất nhiều sản phẩm phi văn hóa, đồi trụy, dâm ô, các đồ chơi bạo lực như súng, kiếm… không được quản lý chặt chẽ do đó cả người lớn và trẻ em dễ bị tiêm nhiễm các thói hư, tật xấu dẫn đến sự lệch lạc về tâm hồn và đạo đức. 

Và nguyên nhân cuối cùng theo tôi đó là việc hỗ trợ kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em còn chưa tốt.

Theo ông, các hành vi bạo lực đó ảnh hưởng gì tới sức khỏe và tương lai của các em sau này? 

- Tôi xin nhắc lại định nghĩa về bạo lực/bạo hành như sau: “Việc cố ý sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực hoặc quyền lực đối với bản thân, người khác, hoặc một nhóm người, cộng đồng, dẫn đến chấn thương, tử vong, tổn hại về tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát triển hoặc gây ra các tổn thương khác”.

Bạo hành về thân thể và tinh thần trẻ em: “Dùng tay, chân hoặc các vật dụng (gậy, roi, thắt lưng, thước kẻ, tập sách...) đánh đập, đấm đá, cấu véo, giật tóc… bắt trẻ phải làm các bài tập thể lực quá mức, bắt quỳ hoặc đứng trong tư thế  khó chịu, quát mắng sỉ nhục, nhạo báng trẻ hoặc cô lập, sao nhãng không quan tâm đoái hoài đến trẻ...”. 

Toàn bộ các hành động trên không chỉ gây thương tích trên cơ thể, tàn tật về thể xác, mà còn gây sang chấn rất nặng nề về tinh thần của các em, thậm chí những tổn thương này đeo đẳng các em suốt cuộc đời. Nhiều em đã bị rối loạn tâm thần, trầm cảm, kích động và tự tử... Nghiên cứu ở các nước trên thế giới đã chỉ ra, bạo hành trẻ em là một trong những nguyên nhân gây ra những vấn đề bạo lực học đường, rối loạn xã hội nghiêm trọng (nghiện chất gây nghiện, phạm pháp, bạo loạn, giết người,) sau này.

Chuyên gia, bác sỹ Nguyễn Trọng An cho rằng, những tổn thương về bạo lực, xâm hại ám ảnh các em suốt đời.

Chuyên gia, bác sỹ Nguyễn Trọng An cho rằng, những tổn thương về bạo lực, xâm hại ám ảnh các em suốt đời.

Vậy để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị bạo lực, bị xâm hại, chúng ta cần có những giải pháp gì?

Để thực hiện được điều này, trước hết, trong từng gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về bảo vệ chăm sóc trẻ em, nêu cao lòng nhân ái và tình thương đối với con trẻ. Trong đó, giáo dục gia đình là quan trọng hàng đầu, tăng cường mạng lưới cộng tác viên cộng đồng để tuyên truyền và ngăn chặn các hành vi bạo lực trẻ em. Quản lý chặt chẽ văn hóa phẩm đồng thời hướng dẫn các bậc phụ huynh cũng như các em kỹ năng phòng chống bạo lực.Cuối cùng là sự đảm bảo thực thi luật pháp nghiêm minh và bình đẳng, bất kể ai có hành vi bạo lực, lạm dụng trẻ em, vi phạm pháp luật đều phải nghiêm trị.

Hàng ngàn trẻ đuối nước mỗi năm

Mùa hè đến luôn đi kèm với tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước, xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này. Và để giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ em, ông có lời khuyên gì cho các bậc phụ huynh? 

- Có thể nói, tai nạn thương tích cướp đi rất nhiều sinh mạng trẻ em. Qua nghiên cứu số liệu từ năm 2007 đến 2011 cho thấy trung bình mỗi năm có trên 7000 em bị tử vong do tai nạn thương tích, gấp 3 lần số đó bị thương tật, thậm chí thương tật suốt đời. Trong đó, cao nhất vẫn là đuối nước. Hà Nội, Nghệ An và Thanh Hóa là 3 địa phương có số trẻ em tai nạn đuối nước nhiều nhất. Từ năm 2009 đến năm 2011, mỗi năm 3 địa phương này có từ 105 đến 150 trẻ bị chết do đuối nước. Tiếp đến là tai nạn giao thông, rồi đến ngộ độc, hóc, nghẹn, bỏng…

Nhiều năm qua, hoạt động phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em không nhận được sự đầu tư của nhà nước. Từ năm 2013, chúng ta bắt đầu có Chương trình Quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nhưng không có kinh phí. Tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương, địa phương nào được lãnh đạo quan tâm và có kinh phí thì tự bỏ ra để thực hiện. Mặc dù số liệu về tai nạn thương tích ở trẻ em trong đó có tai nạn đuối nước đã có giảm trong những năm gần đây, tuy nhiên chúng ta cũng không thể chấp nhận hàng năm có hơn hai nghìn trẻ em bị cướp đi sinh mạng vì tai nạn thương tích. 

Để có được giải pháp toàn diện phòng chống tai nạn thương tích, trước tiên chúng ta phải tìm hiểu các nguyên nhân gây ra mà nguyên nhân đầu tiên đó là ý thức chăm sóc của người lớn, của các bậc cha mẹ đối với trẻ em còn kém. Bên cạnh đó, môi trường trong gia đình, môi trường xung quanh còn mất an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em. Thiếu vắng đội ngũ tuyên truyền viên để tư vấn, hướng dẫn các kỹ năng phòng chống cho trẻ bởi vậy lời khuyên đầu tiên của tôi là cần phải xây dựng các cuốn cẩm nang, tài liệu tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích và phòng chống đuối nước trẻ em, tăng cường hướng dẫn kỹ năng cho các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo là phải luôn luôn có ý thức bảo vệ an toàn, để mắt tới con trẻ mọi lúc, mọi nơi từ việc ăn, ngủ đến vui chơi.

Tiếp đó phải tạo một môi trường an toàn từ trong gia đình, cộng đồng, trường học và nơi vui chơi giải trí của trẻ. Ngay trong nhà mình, cần phát hiện, loại bỏ tất các các yếu tố không an toàn, có nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ ở trong gia đình để có một ngôi nhà an toàn cho trẻ vui chơi, sinh hoạt. Xây dựng được một cộng đồng, trường học an toàn, loại bỏ tất cả các yếu tố nguy cơ để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ.

Và cuối cùng, các bậc phụ huynh nên tạo mọi điều kiện cho các bé tập bơi. Bởi từ 6 tuổi trở lên, các em biết bơi sẽ phát triển cơ thể khỏe mạnh và có khả năng sống sót khi bị rơi xuống nước, góp phần hạn chế rất nhiều tai nạn về đuối nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm