Trẻ em bị bạo hành: Không lẽ bó tay?

(PLO) - Trong khi chuyện trẻ nhỏ bốc rác ăn khi bị cô giáo nhốt ngoài cửa ở Lạng Sơn chưa kịp lắng xuống thì dư luận đã phải sốc trước việc một trẻ nhỏ bị cô giáo trói tay, chân tại Quảng Bình. Kèm theo bức xúc, phẫn nộ là câu hỏi chẳng lẽ xã hội bó tay trước thực trạng này?
Cháu bé bị trói chân, tay ở Quảng Bình
Cháu bé bị trói chân, tay ở Quảng Bình 
Bất nhẫn, dã man
Sáng 3/10, cộng đồng mạng phẫn nộ khi xem clip với tiêu đề: “Cô giáo huyện Văn Quan để trẻ ở ngoài cửa khiến cháu bé mở thùng rác ăn”. Theo đó, một bé quấy khóc giữa buổi trưa khiến cô giáo bực tức bế ra sân rồi chốt cửa lại. Sau đó, cháu bé nhặt rác ăn và gào khóc. Khi thấy cháu không nín, cô mở cửa bế ra bể nước dọa thả xuống. 
Ban đầu, nhà trường báo cáo trẻ nhặt rác ăn là con của cô giáo trong trường. Tuy nhiên, sau đó một phụ nữ tên Nga cho biết, đó là con chị.
Chị Nga cho hay, hiện tại sức khỏe của cháu ổn định. Khi xem clip thấy con mình bốc rác ăn và bị cô giáo nhấc vào bể, chị rất bức xúc, cả ngày không ăn uống gì. Theo người mẹ này, hai giáo viên đã đến thăm hỏi và xin lỗi gia đình, nhưng không hiểu sao sau đó lại có tin con chị là con cô giáo trong trường.
Trong khi sự việc chưa kịp lắng xuống thì dư luận lại rúng động khi chứng kiến cảnh một cháu bé chưa đầy 2 tuổi bị cô giáo Cơ sở Mầm non Sơn Ca, đường Hữu Nghị, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình trói ngược tay, chân. Theo chia sẻ của chị Hằng (mẹ cháu bé), con trai chị đang theo học tại Cơ sở này. Những ngày đầu cháu bé đi học về thường có dấu hiệu lạ, sợ tắm, trên người xuất hiện vết bầm, đêm ngủ khóc bật dậy, trong khi bé rất ngoan khi chưa tới lớp. 
Sau nhiều ngày quan sát con và sau khi mở camera theo dõi trong lớp học của con, chị Hằng không tin vào mắt mình khi con trai chị đang bị hai giáo viên có tên Linh và Hà ngược đãi, đánh đập và có những hành động bạo lực hung ác như véo tai con vì con không chịu ăn, lôi con vào góc lấy thìa inox đánh liên tục vào hai tay bé. 
Để tận mắt chứng kiến, chị và chồng đã đến lớp học trong giờ ngủ trưa thì bắt gặp cảnh cô giáo tên Anh cùng hai giáo viên Linh và Hà đang trói con mình đè xuống sàn và nhét giẻ vào miệng bé. Chồng chị đã yêu cầu hiệu trưởng lên làm việc, ghi lại những hình ảnh này. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an phường Nam Lý đã vào cuộc điều tra, ba giáo viên đã thừa nhận hành vi của mình.
“Thật tàn nhẫn, dã man. Không thể tin nổi giáo viên có thể làm thế, nếu như không có những bức ảnh phanh phui” là phần lớn ý kiến được chia sẻ trên mạng. 
Quyền trẻ em đang bị đe dọa và vi phạm nghiêm trọng!
Đáng nói, thực trạng đau lòng và đáng lên án này không phải bây giờ mới xuất hiện mà trước đó đã có rất nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra và được xem là một vụ điển hình về bạo hành trẻ em đó là  vụ một cô bé bị bạo hành như nô lệ suốt 13 năm ở một quán phở ở Thanh Xuân, Hà Nội.  Lúc đó, không ít người đã đặt câu hỏi: “Tại sao  Bình bị hành hạ ở một quán phở giữa Thủ đô, không phải trong một ốc đảo trong một thời gian dài mà không ai hay cơ quan nào biết? Trách nhiệm của chính quyền ở đâu?”.
Nói về vấn đề này, bác sỹ Nguyễn Trọng An – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) cho biết, thực tế trên cho thấy quyền sống và quyền được bảo vệ của trẻ em đang bị đe dọa và vi phạm nghiêm trọng. Việc giải quyết các vụ việc trên của chúng ta vẫn chưa nghiêm minh dẫn đến nhờn, coi thường pháp luật. Cùng với đó là những khoảng trống về thể chế trong việc giải quyết vấn đề vi phạm quyền của các em. Khi sự việc xảy ra, quyền trẻ em bị vi phạm nhưng không có cá nhân, cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết. 
Từ thực tế trên, đại diện Trung tâm RTCCD đề xuất cần phải có một thiết chế riêng giám sát độc lập việc thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam. Tổ chức này sẽ được cấp ngân sách nhà nước hoạt động. Họ cũng có vai trò và gây ảnh hưởng tới các cá nhân, cơ quan ra quyết định, được tiếp cận với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước để tham vấn, bảo vệ quyền trẻ em và thúc đẩy lợi ích tốt nhất của trẻ em.  Bên cạnh đó, cần thiết phải huy động sự ủng hộ của các nhà khoa học, các tổ chức xã hội, bản thân trẻ em, giới học thuật, cộng đồng quốc tế… 
“Chắc chắn phải có một cơ chế giám sát độc lập, thành phần tham gia căn cứ theo yêu cầu của thực tế. Chúng ta cứ mạnh dạn đề xuất, nếu làm được chúng ta sẽ có một cơ hội tốt để đảm bảo thực thi quyền trẻ em” – ông Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Phát triển con người nhấn mạnh.
Đề cập đến vai trò, trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, cơ quan, tổ chức… trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phạm Ý Nhi, để bảo vệ trẻ em, đầu tiên chúng ta nên quy định gia đình phải chịu trách nhiệm đầu tiên về vấn đề này; thứ hai, phải phát huy vai trò của toàn xã hội, nghĩa là cả xã hội phải có trách nhiệm báo cáo với tổ chức có trách nhiệm; tiếp đó mới đến các cơ quan chịu trách nhiệm chính. Nếu không sẽ vẫn tồn tại tình trạng vụ việc tiếp tục bị “chìm xuồng”… 
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Không có lý do gì để biện bạch khi sự việc đáng tiếc xảy ra
Việc bạo hành trẻ em, nhất là trẻ em mầm non đã từng xảy ra tại nhiều địa phương và dư luận rất bức xúc. Sau mỗi lần xảy ra sự việc, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng mới vào cuộc kiểm tra, đánh giá và xử lý. Tôi cho rằng đây là việc làm cần thiết nhưng chưa đủ, lẽ ra các cơ quan này phải có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn để những sai phạm trên không có điều kiện phát sinh.
Qua những vụ bạo hành diễn ra ở Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh và gần đây là ở Lạng Sơn, Quảng Bình, có thể thấy không phải là người ta không biết những quy định của pháp luật liên quan tới việc nhận trông giữ trẻ, nhưng vì lợi nhuận nên họ vẫn cố tình vi phạm (như hoạt động không phép, tuyển những người không có bằng cấp, chuyên môn để trông trẻ…). Nhưng, điều quan trọng là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong những vụ việc này. Theo tôi, không có lý do gì để biện bạch khi để xảy ra sự việc đáng tiếc trên địa bàn mình quản lý. Ngoài việc làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng cần quy trách nhiệm đến các ngành liên quan như giáo dục, y tế… trong từng vụ việc.
Về giải pháp căn cơ hơn, tôi cho rằng Nhà nước phải nghiên cứu lại chính sách giáo dục mầm non. Hiện chúng ta đang phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, thời gian tới nên chăng chúng ta phổ cập đến lứa tuổi nhỏ hơn (có thể từ 3-4 tuổi) để  đảm bảo cho các cháu nhỏ tuổi được vui chơi trong môi trường giáo dục an toàn.