Hàng trăm tàu khai thác cát trái phép mỗi đêm
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, thời gian qua, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, diễn biến phức tạp, hoạt động công khai, gây bức xúc trong nhân dân. Trong đó, có 2 dạng vi phạm phổ biến trong hoạt động khai thác cát, sỏi hiện nay được xác định bao gồm vi phạm trong hoạt động nạo vét đường thủy, tận thu sản phẩm và khai thác cát, sỏi trái phép hay còn gọi là “cát tặc”.
Trong hoạt động nạo vét đường thủy, tận thu sản phẩm thường có những sai phạm như nạo vét không đúng địa điểm, khai thác vượt số lượng đã được cấp phép khai thác, không thực hiện đầy đủ thủ tục về đánh giá tác động môi trường, không chú ý đến cải tạo, phục hồi môi trường, không giám sát môi trường xung quanh, không thực hiện phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với các dự án khơi thông luồng, rạch trên cả nước. Các đơn vị thực hiện các dự án này có dấu hiệu lợi dụng việc cấp phép để khai thác ngoài khu vực, vi phạm về độ sâu, thực hiện không đúng dự án nạo vét đã được Nhà nước phê duyệt, vi phạm về phương tiện khai thác sử dụng vượt quá số lượng phương tiện cho phép, kê khai không đầy đủ khoáng sản tận thu.
Ở dạng vi phạm thứ 2, Văn phòng Chính phủ cho hay, trên các sông Hồng, sông Lô, sông Cầu, sông Thái Bình, sông Chảy… ở phía Bắc; sông Mã, sông Chu, sông Trà Khúc… ở miền Trung và sông Sài Gòn đoạn chảy qua TP Hồ Chí Minh, Bình Dương; sông Đồng Nai… hàng đêm vẫn có hàng nghìn đối tượng sử dụng hàng trăm tàu để khai thác, vận chuyển, mua bán cát trái phép với số lượng lên đến hàng nghìn mét khối.
Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này là thường khai thác vào ban đêm, chủ phương tiện và người quản lý phương tiện thường xuyên vắng mặt và giao lại cho những người làm thuê. Những người này không có giấy tờ tùy thân, khi bị phát hiện xử lý thường khai không biết chủ phương tiện và không ký vào biên bản vi phạm. Hầu hết các phương tiện đều không có biển kiểm soát hoặc đã bị tẩy xóa, thay đổi.
Các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép cũng thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, thay đổi chủ phương tiện, thông báo cho nhau khi có lực lượng kiểm tra xử lý; sẵn sàng sử dụng bạo lực, đe dọa, tranh giành địa bàn nhân công và phương tiện để khai thác trái phép, dẫn đến phức tạp về an ninh, trật tự trên các tuyến sông.
Có hiện tượng bao che, bảo kê
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, cát sỏi là nguồn thiên nhiên có hạn và việc tái tạo cần nhiều năm nhưng với việc khai thác như hiện nay thì tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt, ngoài ra còn gây bức xúc cho người dân. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản tăng cường quản lý nhà nước, xử lý vi phạm pháp luật về khai thác cát sỏi trên sông. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chính quyền địa phương thời gian qua còn buông lỏng quản lý, việc xử lý vi phạm chưa quyết liệt, chưa nhất quán. “Chúng ta thấy thực tế có hoạt động vi phạm diễn ra công khai ban ngày, liên tục vẫn không xử lý; có tình trạng cơ quan chức năng địa phương, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, thậm chí bao che, bảo kê. Đằng sau hoạt động này của các đối tượng tội phạm có dấu hiệu tiêu cực cơ quan chức năng chính quyền địa phương” – Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
Bên cạnh đó, theo Văn phòng Chính phủ, việc công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong việc quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi thời gian qua còn chưa chặt chẽ, nhiều nơi chính quyền địa phương còn buông lỏng, có biểu hiện ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được quan tâm; hoạt động còn hình thức và chưa hiệu quả cũng là một phần nguyên nhân. Bên cạnh đó, “cát tặc” cũng có cơ hội lộng hành nhờ lợi dụng kẽ hở tại các văn bản pháp luật và trong công tác quản lý, nhiều doanh nghiệp chấp hành không đúng quy định như khai thác vượt sản lượng, ngoài phạm vi cho phép… Vấn đề quản lý hóa đơn đầu vào – đầu ra trong việc xuất chứng từ mua bán cát sỏi chưa chặt chẽ dẫn đến việc cát khai thác trái phép dễ dàng được thu mua.