“Cát tặc” sắp hết thời?

(PLO) - Dự kiến vào tháng 7, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường - TN&MT) sẽ thành lập đoàn kiểm tra tại các tỉnh, thành phố và đặc biệt là ở các vùng giáp ranh, đề xuất cách quản lý chặt chẽ, không để “cát tặc” lộng hành như hiện nay.
Ảnh minh họa

Chính quyền bất lực?

Sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu… ở miền Bắc, sông Ngàn Sâu, sông Thạch Hãn ở miền Trung cho đến sông Đồng Nai, sông Sài Gòn ở miền Nam - nơi đâu cũng đều có bóng dáng của “cát tặc”. Đáng chú ý, việc hút cát đã gây đảo lộn đời sống của người dân, ảnh hưởng tới dòng chảy của các con sông.

Theo ghi nhận, trên địa bàn TP Hà Nội có tới gần 20 khu vực khai thác cát, trong đó 2/3 là không phép, sai phép. Cùng với các điểm khai thác cát, ven các dòng sông hiện cũng có khoảng 200 bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng thuộc địa bàn 16 quận, huyện, thị xã. Qua kiểm tra, Sở TN&MT Hà Nội đã phát hiện trên 160 bãi đang hoạt động trái phép do lấn chiếm, vi phạm về chuyển mục đích sử dụng đất...

Hầu hết các địa điểm này cũng chính là nơi tập kết số cát “ăn trộm” của Nhà nước, điều đó không chỉ gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách mà còn gây bức xúc trong nhân dân khi cùng với nó là tình trạng xe quá khổ, quá tải tàn phá các tuyến đường, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ tai nạn giao thông.

Còn tại miền Trung, sông Chu – phụ lưu lớn nhất của sông Mã đang bị “cát tặc” hoành hành. Chung tình cảnh này, sông Đồng Nai cũng bị “rút ruột” cạn kiệt bởi nạn khai thác cát. Ngoài đoạn sông chảy qua trung tâm TP Biên Hòa, vấn nạn này cũng diễn ra ngang nhiên ở các huyện Định Quán, Tân Phú, Long Thành, Nhơn Trạch… Nhiều khu vực sông ở 2 huyện Định Quán, Tân Phú, hai bên bờ bị “cát tặc” cạp nham nhở; đất đai, hoa màu trôi xuống sông nhưng người dân chẳng có cách nào ngăn chặn.

Việc hút cát luôn có phương tiện lớn đi kèm, nhưng hầu hết các lãnh đạo địa phương có tình trạng “ cát tặc” diễn ra thường xuyên thường cho là không biết hay không xử lý được?.

Siết chặt quản lý

Theo đại diện lãnh đạo Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc (Bộ TN&MT), để ngăn chặn nạn “cát tặc”, Bộ TN&MT đã giao cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xây dựng kế hoạch và dự kiến tháng 7 tới sẽ thành lập đoàn kiểm tra tại các tỉnh, thành phố và đặc biệt là ở các vùng giáp ranh.

Để chấn chỉnh hoạt động khai thác cát tràn lan, các tỉnh cần tăng cường kiểm tra các vùng giáp ranh, xây dựng quy chế phối hợp liên vùng; siết chặt việc cấp phép... Ngoài ra, cần xem xét kỹ các dự án nạo vét. Theo đó, doanh nghiệp phải đăng ký cụ thể kế hoạch, thời gian, khối lượng nạo vét; thường xuyên kiểm tra việc chấp hành của các doanh nghiệp.

Nhằm xử lý tình trạng giấy phép do các địa phương cấp nhưng lại không kiểm tra nên doanh nghiệp lợi dụng địa bàn giáp ranh để khai thác trái phép, tới đây các địa phương sẽ tập trung dẹp bỏ các bến bãi trái phép và kiểm tra việc cấp phép của địa phương xem cấp có đúng về tọa độ, diện tích, ranh giới để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng khai thác vượt ra bên ngoài.

Thời gian tới, đại diện của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản sẽ làm việc kỹ với từng địa phương để xem xét những khó khăn, vướng mắc, nhất là về địa bàn giáp ranh, quy chế phối hợp xử lý vi phạm... Từ đó, Tổng cục sẽ đề xuất với các địa phương giải pháp quản lý chặt chẽ hơn.

Đọc thêm