Câu chuyện của những lá cờ

(PLO) - Tình yêu Tổ quốc, yêu lá cờ đỏ thắm sao vàng như dòng suối nguồn mạnh mẽ chảy trong huyết mạch của từng con người Việt Nam. Như lời dạy bao đời nay của các bà mẹ Việt: “Đạo hiếu là đạo làm người, nhưng chỉ hiếu với mẹ cha chưa đủ mà phải hiếu lễ với đất nước, với nguồn cội - bởi đó là đạo nhà của người Việt Nam”. 
Lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do cựu binh Mỹ Patrick McMakin trao vẫn còn nguyên những vết đạn và máu của người lính giải phóng
Lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do cựu binh Mỹ Patrick McMakin trao vẫn còn nguyên những vết đạn và máu của người lính giải phóng

Thấm sâu lời dạy của mẹ, mỗi đứa con Việt dù nơi nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn luôn hướng về Tổ quốc và trân quý lá cờ đỏ thắm sao vàng... 

Những lá cờ mang lại niềm tin ngời sáng 

Ai đã từng đến thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hẳn sẽ nhớ ở đó có một lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) nhỏ bằng bàn tay, màu sắc vẫn còn rất sáng. Lá cờ đó đã được ông Nguyễn Văn Thắm – Bí thư Chi bộ nhà tù Phú Quốc tự tay làm ra trong tù và nhiều lần nuốt vào bụng để qua mắt kẻ thù trong những năm 1972-1973.

Chuyện kể rằng, năm 1967, ông Nguyễn Văn Thắm bị bắt khi đang là Bí thư Chi bộ một xã ở Phú Yên và bị chuyển về nhà tù Phú Quốc nơi mà sự tàn bạo, dã man hơn hẳn các nhà tù khác. Nhà tù Phú Quốc đã từng giam giữ hơn 40.000 tù binh, ngoài tra tấn bằng nhiều loại hình tàn khốc nhất, địch còn lập ra trung tâm sinh hoạt thực chất là khu chiêu hồi với âm mưu hủy hoại tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng của các tù binh.

Tại nhà tù Phú Quốc, ông Thắm bị địch tra tấn đủ loại hình tàn khốc nhất. Không chỉ tra tấn cơ thể, địch còn tra tấn tinh thần các tù nhân cách mạng nhằm hủy hoại tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng của những người tù. Trước tình hình này, ông Nguyễn Văn Thắm và đồng đội xác định phải thắng cuộc tra tấn tinh thần của địch, để bảo vệ phẩm chất người cán bộ, đảng viên, bảo toàn sự tin tưởng của quần chúng vào lý tưởng của Đảng. Suy nghĩ nhiều đêm, ông Thắm đã đưa ra ý kiến may một lá cờ để sự có mặt của lá cờ sẽ mang lại niềm tin cho đồng đội trong tù. 

Trước khi may lá cờ, ông Nguyễn Văn Thắm đã nghĩ đến cách cất giấu lá cờ như thế nào khi bị địch lục soát. Nhớ lại ngày bé đau bụng được mẹ cho nuốt chửng nguyên cả cái mật heo, ông Thắm tính đến chuyện nuốt lá cờ vào bụng khi có nguy hiểm. Nhưng nuốt chửng một vật cứng đâu có dễ, nên hàng ngày ông Thắm lấy cơm nén lại thành viên, gói giấy bóng, lấy dây chỉ buộc lại và tập nuốt. Nuốt vào không khó nhưng khi kéo ra đau đớn vô cùng. Vượt qua khó khăn, ngày ngày tập luyện, ông Thắm đã nuốt được vật to bằng ngón chân cái…

Lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhỏ bằng bàn tay do ông Nguyễn Văn Thắm làm ra và đã nhiều lần nuốt vào bụng.
Lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhỏ bằng bàn tay do ông Nguyễn Văn Thắm làm ra và đã nhiều lần nuốt vào bụng.

Ngày 18/12/1972, lá cờ MTDTGPMNVN nhỏ bằng bàn tay được ra mắt chi bộ Đảng trong nhà tù nhân kỷ niệm 12 năm Ngày thành lập MTDTGPMNVN 20/12. Nhìn thấy lá cờ, có người đã khóc, rồi sờ tay lên lá cờ, gương mặt ngời sáng niềm tin. Từ đó trở đi, lá cờ được sử dụng trong các buổi sinh hoạt chi bộ, các buổi học tập, ngày tết, hoặc ngày lễ lớn.

Đặc biệt, lá cờ này được dùng để kết nạp 3 đảng viên mới. Thấy tù nhân tinh thần phấn khởi hẳn lên, địch nghi ngờ lục soát liên tục, vì thế ông Thắm cũng phải nuốt cờ thường xuyên hơn. Nuốt vào kéo ra nhiều lần, đường tiêu hóa của ông bị nhiễm khuẩn khiến ông mắc chứng kiết lị nặng nhưng không vì thế mà đảng viên Nguyễn Văn Thắm đánh mất lá cờ.

Ngày 24/3/1973, khi được trao trả cùng với hàng trăm tù nhân khác tại bờ sông Thạch Hãn, Quảng Trị, lá cờ của ông Thắm đã chính thức ở lại chứ không còn bị nuốt vào bụng nữa. Tại Sầm Sơn - Thanh Hóa ông Thắm đã trao lá cờ cho  cán bộ Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự). 

Cũng tại nhà tù Phú Quốc, một lá cờ Đảng vẽ bằng máu đã ra đời. Tác giả của lá cờ Đảng vẽ bằng máu là ông Nguyễn Thế Nghĩa quê tại Bắc Giang. Kể lại với báo chí câu chuyện vẽ lá cờ Đảng của mình, ông Nghĩa cho biết, ông đã tự đưa cổ tay trái mình cứa vào miếng tôn ở chiếc bàn trong nhà tù. Máu ở tay ông tuôn ra xối xả. Ông dùng tay phải nắm chặt lại, chạy ra ngoài vào phòng quân cảnh gọi y tá trại, dùng gạc băng chỗ bị chảy máu.

Lát sau, ông quay trở lại với bàn tay đã được quấn băng gạc cẩn thận. Ông nặn cho máu chảy ra thật nhiều đủ thấm đỏ cho miếng gạc trắng và lá cờ Đảng dần được hình thành. Khi đem lá cờ đi phơi, thấy vẫn còn chỗ trắng, nhiều đồng chí tiếp tục đưa ngón tay lên miệng cắn, rồi để máu nhỏ xuống mảnh gạc. Riêng hình búa liềm ở giữa lá cờ, ông lấy viên thuốc polivitamin đã giấu trước đó giã nát trộn với nước cơm. Lá cờ Đảng  vẽ bằng máu đã ra đời như thế.  

Liên quan đến câu chuyện những lá cờ bên bờ sông Thạch Hãn, trong ký ức của nhà báo -  nghệ sĩ Chu Chí Thành, nguyên Trưởng ban ảnh Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam vẫn vẹn nguyên hình ảnh rưng rưng xúc động. Đứng bên bờ Bắc, ông Chu Chí Thành đã tận mắt chứng kiến từ phía bờ Nam, các chiến sĩ cách mạng khi ra đến bờ sông nhìn thấy đồng đội đang đón chờ phía bên kia dòng sông, thì biểu ngữ, cờ cách mạng mà các anh đã cất giữ, chuẩn bị lâu nay cho ngày gặp mặt được giương ra rất khí thế với những dòng chữ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”; “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam muôn năm!”… “Tưởng như không có niềm vui nào bằng, không có hạnh phúc nào hơn. Ngục tù đã mở ra không chỉ từ chữ ký tại Pari mà còn là máu và nước mắt của cả một dân tộc đã phải ra trận” – ông Chu Chí Thành đã nói với phóng viên như vậy...  

Lá cờ Đảng do cựu binh Mỹ Thomas Smith trao lại.
Lá cờ Đảng do cựu binh Mỹ Thomas Smith trao lại.

Lá cờ vẫn còn nguyên những vết đạn và máu

Cuối tháng 4 vừa qua, để chào mừng một loạt các ngày lễ lớn như kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 62 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã có buổi triển lãm với chủ đề: “Ký ức chiến tranh” trưng bày những hiện vật đã được Bảo tàng sưu tầm, tiếp nhận từ năm 2010 đến năm 2015. Nổi bật trong những hiện vật này là lá cờ MTDTGPMNVN do một cựu binh Mỹ là Patrick McMakin từng tham chiến ở Việt Nam từ năm 1969 đến năm 1970 trao lại thông qua Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. 

Patrick McMakin nguyên là pháo thủ thuộc Tiểu đoàn 2, Đơn vị Bộ binh số 47, Lữ đoàn 3, Sư đoàn Bộ binh 9 Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Mùa mưa năm 1969, khi đơn vị của Patrick McMakin tràn qua một doanh trại của quân giải phóng, McMakin đã lấy được lá cờ bên thi thể của một người lính đã hy sinh. Trở về Mỹ với “chiến lợi phẩm” này, McMakin luôn bị ám ảnh về những ngày tháng ở Việt Nam, nhất là mỗi khi nhìn lá cờ.

Vì vậy, trong một lần gặp Đại tướng Phạm Văn Trà, McMakin đã trao lại cho ông. Sau hơn 40 năm, lá cờ vẫn còn nguyên những vết đạn và máu của người lính giải phóng - người đã quyết giữ lá cờ. Trong thư gửi Đại tướng Phạm Văn Trà, Patrick Mc Makin viết: “Tôi rất vui được gửi trả nó về Việt Nam cho bảo tàng của ngài vì tôi biết nó sẽ được công chúng chiêm ngưỡng và qua đó thấy được những gian khổ của cuộc chiến… Tôi hy vọng, một ngày nào đó, tôi có thể chiêm ngưỡng nó trong bảo tàng”.

Cũng trong buổi triển lãm còn có một lá cờ Đảng do cựu chiến binh Mỹ Thomas Smith trao lại. Tháng 8/2001, Thomas Smith là cựu chiến binh Mỹ đầu tiên trao tặng kỷ vật cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, đó chính là lá cờ Đảng này. Khi trao lại kỷ vật, Thomas Smith nói rằng: “Người lính Việt Nam không sợ chết và dường như không nghĩ đến cái chết... Tôi nghĩ anh ấy đã về nhà... Tôi trở thành người tốt hơn nhờ anh ấy, anh thực sự là người bạn vô hình của tôi”.

Kết

Chuyện kể rằng, cách đây hơn 40 năm, khi chuẩn bị hành trang cho chuyến tàu đầu tiên của tự do, của thống nhất đất nước từ đất liền ra Côn Đảo đã được giải phóng, hỏi Côn Đảo cần gì. Rằng, Côn Đảo cần một tấm ảnh Bác Hồ. 

Hôm nay, khi có dịp đặt chân đến Côn Đảo, Phú Quốc, trò chuyện với những công dân trẻ ở hai mảnh đất máu thịt của Tổ quốc, trong tôi rưng rưng một nỗi niềm xúc cảm vô bờ  khi biết về điều mong muốn nhất của những người trẻ này: Mong một lần về thăm lăng Bác, mong một lần được đứng nghiêm chào lá cờ Tổ quốc tung bay trên Quảng trường Ba Đình lộng gió…

Đọc thêm