Về thăm làng nghề thêu ren Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội) vào dịp cả nước đang trong những ngày lễ lớn, những gia đình làm nghề thêu, may cờ Tổ quốc tất bật chuẩn bị hoàn tất những đơn đặt hàng may, thêu cho kịp ngày giao chuyển.
Tuy nhiên, đặc trưng mỗi nhà chỉ có thể gia công một công đoạn. Duy nhất chỉ có gia đình anh Nguyễn Văn Phục là có đủ máy móc, nhân công để hoàn thành mọi bước từ đo, cắt, may, thêu đến hoàn thiện sản phẩm. Trải qua thời gian, anh Phục dần thay đổi cơ chế phục vụ để phù hợp với nhu cầu đến từ mỗi đơn đặt hàng.
Kế nghiệp cha ông…
Ngay từ bé, anh Phục đã theo cha học nghề may cờ Tổ quốc. Ngoài những kĩ năng, kĩ xảo được cha truyền dạy, anh còn tự góp nhặt kiến thức từ các thế hệ đi trước cộng với ý thức tiếp thu những tiến bộ khoa học kĩ thuật. Sau hơn 18 năm tách ra làm riêng, hiện anh trở thành chủ cơ sở may cờ Tổ quốc có tiếng ở Thủ đô.
Những ngày cuối tháng 8, gia đình anh Phục bận rộn gấp rút hoàn thành những đơn hàng cờ Tổ quốc để kịp phục vụ Ngày Quốc khánh 2/9 và ngày khai giảng năm học mới. “Nghề này chỉ dành cho những người bình tĩnh, tỉ mỉ chứ sốt ruột là sai, là hỏng hết. Từ cắt ngôi sao, chỉ may, logo, huy hiệu không được phép chênh lệch.
Để công việc được chuẩn xác nhất, gia đình tôi đã đầu tư máy cắt vải bằng laser. Công việc cắt, may chỉ tiến hành sau khi mọi thông số được xử lý qua máy tính” - anh Phục chia sẻ.
Để đảm bảo cho sản phẩm được hoàn thiện đạt đúng tiêu chuẩn, xưởng của anh chỉ lấy nguyên liệu may cờ là vải sa tanh mua từ làng La Khê - Hà Đông, các loại tua mua từ làng Triều Khúc - Hà Nội.
Về quy trình làm việc, gia đình anh Phục có đội ngũ người làm chuyên nghiệp ở mỗi công đoạn khác nhau. Anh phụ trách tính toán và xử lý các yêu cầu kĩ thuật qua máy tính, vợ là thợ may chính. Trong xưởng may cờ nhà anh Phục có một người đảm nhận vai trò chỉnh vị trí của sao vàng sao cho đúng với trung tâm của lá cờ để đạt tiêu chuẩn Nhà nước đề ra. Và để may ngôi sao cho chính xác, đẹp, phẳng, người thợ phụ trách khâu này phải có vài năm kinh nghiệm.
Ngoài nghề may cờ Tổ quốc, gia đình anh Phục còn may cờ Đoàn, cờ Đảng, những tấm băng rôn phục vụ các trường học, doanh nghiệp, những lá cờ lưu niệm, khen thưởng, cờ thi đua và may những lá cờ các nước khác nhau trên thế giới. Và đặc biệt, gia đình anh còn nhận phục chế lại các lá cờ trong bảo tàng nhằm lưu giữ lại những giá trị văn hóa, nhân văn của dân tộc.
Việc phục chế kỳ công, mất thời gian nhưng anh luôn cảm thấy hạnh phúc khi góp phần lưu giữ kỷ niệm cho nhiều người.
Gia đình anh Phục cùng may cờ tổ quốc. |
Tự hào tiếp nối
Xưa kia, Từ Vân là một làng nghề nổi tiếng về thêu dệt vì một số nguyên nhân mà nhiều người trong làng đã bỏ nghề nhưng gia đình anh Phục vẫn giữ được nghề và phát triển đến ngày nay. Gia đình anh từng vinh dự được may những lá cờ đầu tiên ở Hà Nội để có mặt trong rừng cờ trước Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945 lịch sử.
Trò chuyện với phóng viên, ánh mắt anh ánh lên niềm tự hào vì được tiếp nối các thế hệ đi trước trong gia đình mình để may những lá cờ tung bay khắp mọi miền Tổ quốc. “Lá cờ lớn nhất tôi làm có diện tích 54m2, treo ở đỉnh Lũng Cú, Hà Giang. Từng đường kim, mũi chỉ dù là cờ to hay cờ bé tôi đều trau chuốt thật chuẩn chỉ, nghiêm trang có cả sự tận tâm, trách nhiệm xen lẫn tự hào” – anh tâm sự.
Đối với anh Phục, nghề nào cũng có những vất vả riêng. Và nghề của anh cũng vậy, nhưng trải qua thăng trầm của nghề, gia đình anh vẫn “giữ lửa ” được đến ngày hôm này. Anh khẳng định: “Nghề may cờ được truyền từ đời các cụ, đến nay dòng họ của tôi đã có 68 gia đình theo nghiệp, vì vậy thế hệ chúng tôi nhất định sẽ giữ gìn, truyền dạy cho các thế hệ sau và nhất định sẽ làm tốt hơn nữa trong tương lai”.
Mỗi người trong gia đình anh Phục từ vợ, con đến những nhân công đều luôn ý thức được công việc nhỏ bé nhưng thiêng liêng của mình. Mỗi người tự nhắc nhau để từng đường kim, mũi chỉ đều tỉ mỉ và khéo léo, tạo ra những lá cờ đẹp đẽ, thiêng liêng.
…Rời nhà anh Phục trong buổi chiều đầy nắng, nhìn những lá cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh trong nắng, trong gió đón mừng Ngày Quốc khánh mới thấu hiểu hơn niềm tự hào của anh Nguyễn Văn Phục, dù nghề may cờ vất vả là thế nhưng anh luôn tâm niệm mình đang góp phần công sức để mang hồn dân tộc đến mọi miền Tổ quốc, từ đỉnh cao biên giới tới hải đảo xa xôi.