Câu chuyện mùa giãn cách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có thể nói, bước sang đợt dịch thứ 4 này, chúng ta bước vào mùa giãn cách lớn nhất tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt phía Nam. Với người dân Hà Nội, người dân đã bình tĩnh hơn trước các chỉ thị giãn cách, không còn cảnh “vét sạch” siêu thị hay nháo nhào chợ búa! Ai cũng có trách nhiệm với chính bản thân mình - “ở nhà” hạn chế tiếp xúc, đi lại giữ cho mình và cho mọi người an toàn trước dịch bệnh….
Người dân xuất trình “tem phiếu” để được vào chợ.
Người dân xuất trình “tem phiếu” để được vào chợ.

Nhật ký những ngày giãn cách xã hội

Thế rồi, chúng ta đã trải qua bốn đợt dịch lớn trên cả nước và hiện tại tình hình dịch ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội,… vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp. Nhiều nơi đã thực hiện giãn cách xã hội, như TP Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 06h00 ngày 24/7 trên phạm vi toàn thành phố.

Những ngày giãn cách xã hội, TP Hà Nội thưa vắng hơn hẳn so với ngày thường. Nhiều cửa hàng trên phố đã đóng cửa, chỉ còn lác đác một vài cửa hàng bán thực phẩm, tạp hóa hay siêu thị là còn sáng đèn. Trên mỗi tuyến đường, đều thấy những chiến sĩ công an, các cán bộ lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ, trực tại nhiều chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19.

Trên đường chỉ còn lác đác vài người, người vẫn đi làm, người giao hàng, người đi chợ,… Từ những con phố lúc nào cũng nhộn nhịp, giờ đây gần như không còn tiếng còi xe, không còn ồn ào của quán xá, không gian phố thị trở nên vắng vẻ đến lạ thường. Khi trời vào đêm không gian lại càng vắng lặng hơn nữa, nhiều con phố trung tâm chỉ cần đến 21h30 là chỉ còn ánh đèn và sự tĩnh lặng.

Đường phố là vậy, còn tâm trạng người dân khi giãn cách xã hội thì sao? “Từ khi thành phố áp dụng Chỉ thị 17 đến nay, đời sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình tôi cũng bình thường. Bởi đây là lần giãn cách thứ hai nên mọi thứ nhẹ nhàng hơn lần một. Đợt dịch trước tôi lo nhất khoản thực phẩm cho cả gia đình. Nhưng lần này tôi không còn chạy đôn chạy đáo trong đêm ra siêu thị vơ vét, tích trữ nữa. Giờ tôi cứ mua đủ ăn, hết rồi lại cầm phiếu đi chợ, vừa đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch mà đồ ăn vừa tươi ngon”, chị B.L.H (40 tuổi) tâm sự.

Có thể thấy tâm trạng của chị B.L.H cũng giống như hầu hết người dân Thủ đô khác. Sau ba đợt dịch, dường như mọi người cũng đã quen với việc giãn cách xã hội, họ không còn những trạng thái bỡ ngỡ, lo lắng nữa. Điển hình như việc, nếu năm ngoái trước hôm giãn cách xã hội, người dân còn đổ xô ra siêu thị để tích trữ đồ ăn, các siêu thị hết hàng ngay trong đêm. Thì giờ, khi nhận Chỉ thị mọi người vẫn ung dung mua bán như ngày thường, siêu thị thì vẫn đầy đồ, chỉ có số ít siêu thị vẫn bị “càn quét”.

Dường như giờ đây người dân chuyển từ trạng thái hoang mang những đợt dịch đầu sang tâm thế mỗi người dân tuân thủ lệnh giãn cách là đang góp sức cùng chống dịch. Nhiều người khi biết tin thành phố giãn cách xã hội phản ứng của họ đều đồng thuận, tin tưởng chính quyền, Nhà nước. Họ tuân thủ hoàn toàn chỉ thị, chỉ ra ngoài khi có trường hợp thật sự cần thiết, đi chợ theo ngày giờ trên phiếu, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp ở nơi công cộng,… Thế là từ người này nhắc nhở người kia, nhà này nhắc nhở nhà kia… dần dần ý thức của người dân về phòng chống dịch ngày một nâng cao.

“Ngày trước xóm mình kiểu thân ai nấy lo nhưng từ ngày dịch bệnh cả xóm gắn bó thân thiết với nhau hơn. Từ lúc giãn cách xã hội, cả xóm luôn dặn dò nhau nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, một người vì mọi người, cổ vũ nhau vượt qua dịch bệnh. Ai thiếu cái này, cái kia đều được mọi người giúp đỡ bảo dùng trước đi, hạn chế ra ngoài mua càng ít càng tốt. Chính những lúc khó khăn như này mới thấy được tinh thần đoàn kết cả xóm” – câu chuyện xóm nhỏ của chị P.H (Hà Nội) chia sẻ.

Với nhiều người khoảng thời gian giãn cách xã hội này không quá khó khăn như họ tưởng. Đợt giãn cách đầu tiên, lên Facebook còn thấy nhiều bài viết than thở ở nhà 24/24h khiến đời sống vốn đang sôi động của họ trở nên bí bách, khó chịu, khá nhiều bài viết tiêu cực về chủ đề trên. Thì giờ đây, với đợt giãn cách này, nhiều người đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho ngày tháng ở nhà. Không còn những bài viết tiêu cực nữa mà thay vào đó là những hình ảnh tích cực trong cuộc sống.

Sau những ngày bận rộn với công việc, nhân dịp giãn cách nhiều người đã dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, quây quần bên mâm cơm cả ba bữa, điều mà trước đây rất khó. Họ có thời gian cho chính mình, hiểu bản thân mình muốn gì và cần gì. Tập luyện những thói quen tốt như tập thể dục tại nhà, ăn uống lành mạnh, sinh hoạt điều độ và phát triển bản thân.

Và đương nhiên các bạn trẻ cũng không ngoại lệ: “Nếu như trước đây mình không thích khoảng thời gian giãn cách xã hội vì không được ra ngoài, gặp gỡ bạn bè,… Thì với lần giãn cách này mình lại tận dụng những ngày này cho gia đình và cho chính bản thân mình. Mình đã hoàn thành việc học đàn piano mà trước giờ vẫn dang dở. Cảm thấy mình thật may mắn khi dịch vẫn có nhà để ở, cơm để ăn và việc để làm. Mọi người hãy tích cực lên, chúng ta chỉ đang sống một cuộc sống khác hơn ngày thường chút thôi. Vả lại, cứ nhìn TP HCM và các tỉnh phía Nam, các bác sỹ, mọi người dân đều đang chạy đua cùng dịch bệnh. Rồi bao người dân lao động vất vả đường trường về quê vì thất nghiệp, là thấy chút “dừng lại” của mình chẳng có gì đáng phàn nàn” – bạn T.V (23 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.

Không chỉ vậy, còn có nhiều bạn trẻ đã xung phong đi làm tình nguyện viên, trực tiếp tham gia vào công cuộc phòng, chống dịch. Các bạn trẻ đã không quản khó khăn, vất vả để tham gia cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết của mình cho đất nước.

Vậy là, ở đợt dịch thứ tư này, đối với việc giãn cách xã hội người dân đã có những chuyển biến tích cực cả về tinh thần, trách nhiệm và ý thức của mỗi người. Dù ai ở nhà nấy nhưng mọi người vẫn thăm hỏi, động viên, quan tâm, giúp đỡ nhau theo những cách mới, tuy có phần lạ lẫm nhưng chất chứa ân tình.

Ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống Covid.

Ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống Covid.

Ý thức của người dân - “lá chắn” trong phòng, chống dịch

Trong các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19, sự vào cuộc của người dân trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này luôn được coi trọng. Mỗi người dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế, trong đó thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” và các chỉ thị của Chính phủ ở mỗi vùng. Đây là biện pháp dễ thực hiện, không tốn kém và được coi là “lá chắn” với ý thức tự giác của người dân trong phòng, chống dịch COVID-19.

Nhìn chung, trong đợt dịch này mọi người đã nghiêm chỉnh chấp hành các quy định phòng, chống dịch. Ông N.V.C (Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi rất tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, các cấp, các ngành. Hằng ngày, chúng tôi được tuyên truyền trên loa truyền thanh về tình hình dịch bệnh, bản thân nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh nên nêu cao ý thức, tinh thần yêu nước. Chúng tôi chỉ biết chia sẻ khó khăn với các lực lượng phòng, chống dịch bằng việc tự giác hạn chế ra ngoài, tự bảo vệ bản thân, gia đình, góp phần vào bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những người không có ý thức trước cộng đồng và xã hội. Nhớ lại những ngày đầu tiên khi TP Hà Nội tạm dừng hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời. Dù bị cấm nhưng trong công viên, vườn hoa, quanh hồ Gươm, hồ Tây vẫn nhộn nhịp người tập thể dục. Thậm chí mọi người ra khỏi nhà vào lúc nửa đêm vì nghĩ rằng giờ đó vắng vẻ, không gặp ai, “an toàn tập thể thao, hít thở khí trời”…

“Chúng tôi phải túc trực từ 03h00, sử dụng loa để tuyên truyền cũng như trực tiếp yêu cầu người tập thể dục trở về. Trước kia, khi chưa có lệnh cấm hoạt động thể dục ngoài trời, người dân không đi sớm như này. Nhưng từ khi có quy định cấm, khi trời chưa sáng họ đã đi tập thể dục”, một cán bộ Công an quận Hoàn Kiếm cho biết.

Dù số người vi phạm chỉ là con số không đáng kể, nhưng vẫn thật đáng buồn. Bên cạnh việc xử phạt hành chính, các cấp chính quyền, ban ngành cần tuyên truyền thêm, kêu gọi ý thức cộng đồng là rất cần thiết trong giai đoạn này. Nhiều ý kiến cho rằng, truyền thông có thể đưa thêm nhiều tin, bài nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân. Tuy nhiên, nội dung nên được biên soạn kĩ, tránh trường hợp như nội dung Điểm tuần của VTV24 so sánh không chuẩn mực về ý thức người dân, gây tranh cãi không đáng có.

Rõ ràng, chúng ta không thể chiến thắng đại dịch COVID-19 nếu chính quyền đầy quyết tâm còn người dân thì hờ hững, đứng ngoài cuộc. Vì vậy, mỗi người dân hãy thực sự là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch bằng việc nhận thức đúng, tuân thủ nghiêm các quy tắc phòng, chống dịch COVID-19.

Đọc thêm