Giúp người không lấy công
Năm ấy, làng tôi bị mất mùa, bà con đã khổ bây giờ lại càng khổ thêm. Thanh niên trong làng rủ nhau tứ tán khắp nơi tìm kế sinh nhai. Gia đình nào cũng chỉ còn nheo nhóc phụ nữ, người già và trẻ con
Ông tôi sống bằng cái nghề thầy pháp, trừ tà bắt ma, bốc thuốc kiếm sống qua ngày. Thoạt nghe có vẻ oai lắm nhưng vất vả vô cùng. Hằng ngày, mọi người đến bốc thuốc trị bệnh, số đông vẫn là người già, trẻ nhỏ. Ông không bao giờ lấy tiền của họ. Ông bảo: “Họ già cả rồi, sống bao lâu nữa đâu mà lấy tiền, với lại con cháu họ đi làm ăn xa lâu lâu mới gửi tiền về một lần, tiền không đủ chi phí sinh hoạt, thì lấy tiền đâu mà uống thuốc”. Dân làng quý ông tôi lắm!
Dù nghèo khó nhưng như ông bà ta thường nói “đã là cái nghiệp” nên ông không bỏ được, âu cũng là cái thử thách trần đời. Trước nhà có một phòng thờ nhỏ, ông bảo thờ âm binh ở đây để tiện cho việc giữ nhà và chống không cho âm binh của người khác vào nhà. Âm binh của ông chỉ sử dụng để làm việc giúp người chứ không hại người. Ông nghiêm lắm nên binh của ông không bao giờ dám phá phách hù dọa ai.
Độ tờ mờ sáng một ngày kia, có hai bác ở xóm trên chở một người thanh niên đang nằm trên chiếc xe ba gác qua nhà ông tôi. Cậu thanh niên tầm 17 tuổi, nước da trắng bệch, bụng trương lên như cái trống, đang mang cái áo màu đỏ dính đầy bùn đất. Ông hỏi thì bác kia kể: “Con tôi hôm qua nó đi xem bóng với mấy đứa bạn ở làng bên, trên đường về cả đám tấp vào lề đường đi tiểu. Lúc đó nó vừa tiểu vừa chửi vì bị thua tiền, thì bỗng nhiên nó ngã ngửa ra đằng sau ôm bụng quằn quại. Nó bị tối qua đến giờ mà uống thuốc không hết nhờ thầy xem giúp”.
Nói rồi hai bác khiêng cậu thanh niên đặt xuống hiên nhà. Ông tôi lại kéo áo cậu thanh niên lên nhìn một lúc rồi chỉ tay vào 2 vết bầm tím cứng ngắc trên bụng và nói: “Nó bị ma trâu, ma bò húc rồi. Mau về chuẩn bị 1 con gà trống, 1 cân thịt một bó rau muống tất cả đều phải luộc chín, gạo muối hoa quả rượu rồi mang đến đây gấp” (làng bên là làng mổ trâu nên ma trâu nhiều lắm, tôi sẽ kể trong câu chuyện tiếp theo).
Đúng 7 giờ, đồ lễ đã chuẩn bị xong, ông tôi lập đàn làm phép ngay tại nhà. Ông cho “âm binh” đi bắt hồn con ma trâu về tra hỏi. Ông cho ma trâu nhập vào cậu thanh niên rồi nói: “Nó làm gì mà mi húc gãy cả sừng trong bụng nó vậy, mau lấy ra không thôi tao đánh”.
Nói rồi ông vung roi dâu lên dọa. Con trâu bỗng khóc to lên rồi nói: “Tụi con ở chỗ đó lâu rồi không ai dám qua lại, hôm qua tụi nó đứng đó vừa chửi vừa tiểu lên người tụi con. Thằng này lại mang áo đỏ, con ghét màu đỏ nên con húc cho bỏ ghét, lỡ mạnh quá gãy luôn cặp sừng”.
Vừa nói con ma trâu vừa làm động tác như rút cái gì đó ra từ bụng. Ông bảo: “Thôi ăn xong rồi về đi bữa sau tao ra cầu siêu cho tụi mày”.
Nói rồi con ma trâu đứng dậy tiến về phía bàn lễ ăn sạch mọi thứ. Ăn xong nó lạy cúi đầu: “Con lạy ông con đi về”. Dứt câu, cậu thanh niên ngã xuống đất, ông đưa cho cậu ta chén trà nóng để uống.
Ông bảo: “Thôi về đi xong rồi đó, bữa sau đừng tiểu bậy nữa nghe con, đi đêm đừng mang đồ đỏ kẻo ma nó trêu”.
Trước khi về, bác kia có móc trong túi ra vài chục nghìn đưa cho ông tôi. Nhìn vẻ mặt nhăn nheo âu sầu vì cả đêm mất ngủ ông không lấy tiền bảo về đi. Để tỏ lòng biết ơn, bác xin được vào trong nhà thắp nhang bàn thờ tổ rồi đi về.
(Hình minh họa về phép thuật của pháp sư). |
Mượn đồ chợ khao binh
Xong việc đã 10 giờ sáng. Ông vào trong nhà khoác thêm cái áo thật rộng, mang nón bước ra cổng. Tôi hỏi ông là vì sao xong việc mà lại không khao binh. Ông cười: “Nhà gạo cũng gần hết rồi chứ có gì đâu mà làm lễ hả con”. Nói rồi ông đi tít hướng chợ làng.
Đến chợ, ông dừng lại tại đấy một lúc, tay cho vào túi nhưng vẫn bắt ấn. Mọi người xì xào thấy hôm nay ông lạ lắm, có khi nào bà tôi để ông đi chợ đâu. Trời lại đang nắng mà ông lại mặc 3, 4 cái áo như sốt rét. Ông lại một quầy thịt, chỉ vào từng miếng thịt hỏi thịt gì, giá bao nhiêu rồi ông lại đi. Ông cứ đi từng quầy, từng quầy một, lặp đi lặp lại những câu hỏi cũ trong khi tay vẫn cho vào túi mà bắt ấn.
Chiều hôm đó, những cô nào bán không hết thì thịt bị hư ngay như đã để dăm ngày. Họ cũng thầm biết ông làm gì. Họ giận ông tôi lắm nhưng cũng không dám nói vì ông đã giúp họ quá nhiều từ trước đến giờ rồi. Hôm sau thì mọi thứ lại khác, mới gần trưa thì họ đã bán hết, lợn lại được mổ thêm cho đủ bán. Coi như là ông đã trả nợ họ việc hôm trước trên tinh thần có qua có lại.
Qua hôm sau, tôi mới hỏi ông chuyện hôm đó là gì. Ông bảo: “Ông dẫn binh ra chợ, mượn thịt cá ngoài chợ để khao binh cho phải lễ, chứ trong nhà còn gì để cúng đâu con”. Lúc đó, tôi mới hiểu ra.
Ông luôn là ông, luôn vui vẻ, giúp người mà không bao giờ kể công, không vì tiền và đôi khi là không cho họ biết.
(Đón đọc kỳ tới: Giải vong quỷ cho cô đồng)