Hành trình trở về
Một ngày cuối năm 2011, bà Phan Thị Hường (SN 1933, trú xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) bàng hoàng phát hiện cô con gái út Lê Thị Lới (SN 1980), cùng cháu ngoại mất tích. Vội tìm đến một quán ăn nơi con gái từng làm việc ở thị trấn Anh Sơn, bà nhận được tin chị Lới đã xin nghỉ mấy hôm.
Chủ quán cho biết, làm việc chừng hơn 1 tuần thì chị này xin nghỉ rồi dắt cô con gái 5 tuổi đi đâu không ai rõ. Linh tính mách bảo chuyện chẳng lành nên gia đình, anh em họ hàng vội tỏa đi nhiều nơi tìm kiếm nhưng vô ích.
Việc chị Lới cùng cô con gái mất tích bí ẩn cũng được gia đình này trình báo lên chính quyền địa phương.Chính quyền và gia đình đã nhiều lần kết hợp để tìm kiếm hai mẹ con chị Lới nhưng đều không có thông tin. Người mẹ vì thương nhớ, lo lắng cho con gái và cháu ngoại nên sức khỏe suy sụp.
Năm 2014, bà qua đời để lại lời trăn trối “bằng mọi giá phải tìm được mẹ con em Lới về” cho người thân. Để thực hiện nguyện vọng của mẹ, vợ chồng ông Lê Đình Đàn (SN 1964, anh trai chị Lới) đã bỏ công sức, tiền bạc tìm kiếm nhưng bất thành.
Bẵng đi thời gian 7 năm, ông Đàn bất ngờ nhận được thông tin “động trời” từ chính quyền xã nhà. Rằng có một người đàn ông quê Vĩnh Phúc báo tin đang cưu mang người phụ nữ mới chuộc về từ Trung Quốc. Do tâm tính chị này có vấn đề nên chỉ nhớ mình tên Lới, quê ở Nghệ An, còn địa chỉ cụ thể thì không biết.
Ngay sau đó, ông Đàn cùng một vài người trong dòng họ đã bắt xe ra bắc xác nhận thông tin trên. Tại căn nhà của anh Nguyễn Văn Hưng (SN 1977), mọi người mới được kể lại hành trình đưa chị Lới từ Trung Quốc trở về. Theo đó, vì làm nghề xây dựng nên anh Hưng thường qua lại giữa hai nước.
Trong một lần sang nước bạn, anh nghe thông tin về những người phụ nữ Việt Nam ngụ cư bất hợp pháp, bị truy quét và bắt về giam giữ tại đồn cảnh sát. Sau khi gặp gỡ, người đàn ông này quyết định bỏ ra 1.800 nhân dân tệ (tương đương 6 triệu Việt Nam đồng) để chuộc chị Lới.
Chị Lới nhiều lần bỏ nhà đi mong tìm con gái thất lạc ở Trung Quốc. |
Dù đã đưa được chị Lới về Việt Nam an toàn nhưng do tâm tính người phụ nữ này không được bình thường, lúc nhớ lúc quên nên anh Hưng đã lên mạng xã hội đăng ảnh, kèm địa chỉ nhờ cộng đồng chia sẻ. Chính quyền xã Đức Sơn sau khi nhận được tin đã xác nhận chị Lới là người địa phương, mất tích suốt 7 năm qua nên đã báo cho gia đình ông Đàn. Nhờ vậy, hai bên đã tìm được nhau sau thời gian dài biệt tích.
Hôm chị Lới được đưa về quê nhà, rất đông người dân đã đến chung niềm vui cùng gia đình. Ai nấy đều hạnh phúc khi chứng kiến cuộc trùng phùng đẫm nước mắt của gia đình ông Đàn. Hôm ấy, dù tâm tính không được bình thường nhưng khi nhìn lên bàn thờ thấy di ảnh mẹ, người phụ nữ ấy đã bật khóc. Chị Lới sau đó đã đến thắp nén hương lên bàn thờ người mẹ quá cố, tạ tội.
Tinh thần hoảng loạn, nên khó khăn lắm người thân mới dò hỏi được cuộc sống của chị trong những năm tháng làm dâu xứ người. Bà Đinh Thị Bình (SN 1964, chị dâu chị Lới) kể chuyện, sau khi trở về, chị Lới kể mình bị một người đàn ông lừa bán hai mẹ con sang Trung Quốc. Sau đó, hai mẹ con bị tách riêng ở hai nơi khác nhau.
Chị Lới bị bán cho một người đàn ông đã ngoài 50 tuổi, tên Ân. Suốt 7 năm làm vợ, công việc của chị chủ yếu là sinh con. Cũng vì vậy mà 3 đứa con lần lượt chào đời. Tuy nhiên, tên tuổi, năm sinh của ba đứa con với người chồng Trung Quốc chị Lới đều không nhớ.
Hỏi công việc của người chồng ở Trung Quốc, người phụ nữ này cũng không rõ, chỉ biết rằng thường đi khám chữa bệnh cho một số người trong làng. Vì không biết tiếng nên cuộc sống của chị Lới chủ yếu quanh quẩn trong nhà. Trong một lần ra ngoài, chị bị lạc rồi bị cơ quan chức năng nước sở tại bắt giữ. Sau đó, chị được anh Hưng biết chuyện, bỏ tiền ra chuộc về.
Bé gái lạc mẹ
Chị Lới là con út trong gia đình có 6 anh chị em. Năm 18 tuổi, chị bị một người đàn ông cùng làng bỏ rơi khi đang bụng mang dạ chửa. Quan niệm “không chồng mà chửa” nặng nề ở làng quê này khiến chị phải ôm đứa con gái mới sinh đi nơi khác làm thuê kiếm sống.
Sau đó không lâu, thương hoàn cảnh của Lới, người đàn ông từng trải qua một lần đò đã ngỏ ý hỏi cưới chị. Không đăng ký kết hôn, không tổ chức đám cưới, họ chỉ làm vài mâm cơm ra mắt hai gia đình.
Nào ngờ, được một thời gian ngắn, người đàn ông này “trả” hai mẹ con về cho gia đình mà không nói lý do. Sau lần đó, chị Lới càng có nhiều thay đổi về tâm tính, tuy nhiên gia đình vì điều kiện khó khăn cũng không đưa đi thăm khám.
Sau khi bị phụ tình, hai mẹ con Lới sống với mẹ đẻ, ai thuê gì làm nấy. Năm 2010, chị đưa cô con gái tên Mai (lúc đó 5 tuổi) ra thị trấn Anh Sơn làm thuê. Nhưng làm việc được thời gian ngắn thì mất tích để rồi hơn 7 năm sau, chị mới được đoàn tụ cùng gia đình.
Người thân cho hay, từ khi trở về từ xứ người chị Lới bị trầm cảm nặng. Nhiều lúc người phụ nữ này còn không làm chủ được hành vi của mình, điên dại, ngờ nghệch. Do vậy, người thân phải thường xuyên ở bên, động viên tinh thần. Bên cạnh đó, mọi người khéo léo gợi lại những kỷ niệm vui của gia đình để giúp chị thay đổi theo chiều hướng tích cực. Sau gần 1 năm sinh sống tại quê nhà, tâm tính Lới đã có chút biến chuyển.
Được hỏi về con gái, chị Lới chỉ lắc đầu, nói không biết. Kể câu được câu mất, người phụ nữ này cho biết hai mẹ con thất lạc nhau sau khi sang xứ người. Mong muốn lớn nhất hiện nay của chị là sớm tìm được đứa con nhỏ. Bé gái nay đã 13 tuổi, không biết còn sống hay đã mất, đang lưu lạc phương nào.
Cũng vì thương nhớ con mà từ khi trở về Việt Nam đã nhiều lần chị Lới bỏ nhà đi. Có lần chị đi lạc xuống thị trấn Anh Sơn, gia đình khó khăn lắm mới tìm được em ấy về. Mọi người hỏi đi đâu, chị liên tục nói đi tìm con gái. Gia đình cũng không biết bắt đầu tìm kiếm từ đâu, chỉ biết mong chờ vào phép màu. Hy vọng một ngày nào đó có người tốt bụng sẽ đưa được cháu bé về đoàn tụ cùng gia đình.
Chia sẻ về hoàn cảnh đặc biệt này, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Đức Sơn (Anh Sơn) cho hay, từ ngày từ Trung Quốc trở về, do không có nhà cửa nên chị Lê Thị Lới đang sống cùng gia đình anh trai. Trước hoàn cảnh khó khăn của chị Lới, Hội phụ nữ xã đã chu cấp khoảng 20kg gạo/thángđến hết năm nay. Còn về vấn đề trợ cấp xã hội, do chị Lới chưa có giấy tờ giám định của bệnh viện chứng nhận thuộc diện người tàn tật hay bệnh tâm thần nên chưa được hưởng quyền lợi đó.
Khoảng 75% nạn nhân mua bán người ở Việt Nam bị đưa sang Trung Quốc, đa số là phụ nữ và trẻ em.
Ngày 23/8, Uỷ ban Tư pháp tổ chức phiên giải trình về tình hình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2015.
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, đa số nạn nhân mua bán người ở Việt Nam bị đưa sang Trung Quốc (chiếm 75%); các lĩnh vực dễ bị lợi dụng để mua bán người là nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài, để thuê, hiến tạng...
Cũng theo lãnh đạo Ủy ban Tư pháp, ở vùng biên, nhiều kẻ tinh vi hơn khi mặc trang phục bộ đội biên phòng, công an Việt Nam, Trung Quốc để lừa kiểm tra giấy tờ phụ nữ, trẻ em gái rồi cưỡng ép hoặc bắt cóc.
Thậm chí, nhiều người ban đầu là nạn nhân nhưng sau đó tham gia đường dây mua bán, dụ dỗ người khác.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Công an thông tin, trong năm 5 gần đây, các địa phương tiếp nhận hơn 1.000 tin báo tố giác tội phạm liên quan đến mua bán người. Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố hơn 1.000 vụ, 2.000 bị can. Hơn 3.000 nạn nhân bị mua bán và nghi bị mua bán. Trong đó trên 2.500 nạn nhân đã trở về (1.334 người được giải cứu; 1237 người tự trở về). Hiện còn trên 500 người chưa trở về.
Theo ông, đa số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, vùng nông thôn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ít kỹ năng hoặc các cô gái trẻ muốn lấy chồng nước ngoài giàu có. Các nạn nhân phụ nữ sau đó bị cưỡng ép kết hôn với người bản địa hoặc bị bóc lột tình dục.
“Số người chưa trở về chủ yếu đang ở Trung Quốc, nhưng không rõ địa chỉ. Chúng ta không thể đưa lực lượng sang giải cứu”, ông Vương trả lời các chất vấn tại phiên họp.
Thượng tướng Lê Quý Vương tiếp lời, sự khác nhau giữa pháp luật hai nước dẫn đến có vụ việc Việt Nam xác định là mua bán người, nhưng Trung Quốc lại cho rằng hợp pháp.
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài, tránh việc lợi dụng hoạt động này để mua bán người.
Đối với những vụ mua bán người tuy chưa giải cứu được nạn nhân nhưng đã rõ đối tượng phạm tội, có đủ chứng cứ, một số ý kiến đề nghị các cơ quan tố tụng có văn bản hướng dẫn địa phương tiến hành xử lý để tránh bỏ lọt tội phạm.