Chết vì “viêm ruột hoại tử” sau ca mổ u nang buồng trứng

(PLO) - Sau khi được Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới phẫu thuật u nang buồng trứng, nạn nhân đã thêm một lần nữa phải lên bàn mổ bởi những cơn đau bụng dữ dội. cùng ngày, bệnh nhân tử vong bởi chứng hoại tử ruột.
Di ảnh nạn nhân
Di ảnh nạn nhân
Khoảng 2h sáng ngày 9/5/2014, thấy vợ đau bụng quằn quại, anh Lê Chiến Thắng (tổ dân phố 8, phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đưa vợ đi bệnh viện. Sau khi được chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện Việt Nam Cu Ba - Đồng Hới, vợ anh là chị Nguyễn Thị Như Mai (57 tuổi) được khoa Sản quyết định phẫu thuật cắt u nang buồng trứng. Hai ngày sau, chị Mai bị những cơn đau dữ dội hành hạ, mổ lần hai và tử vong chỉ sáu tiếng đồng hồ sau lần phẫu thuật này.
Bảy ngày, hai lần lên bàn mổ  
Nuốt nỗi nghẹn ngào, thống khổ vào trong, người chồng tâm sự, cả ngày hôm đó vợ anh vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng đến 2h sáng thì kêu đau bụng. Chở vợ qua trạm y tế khám, trạm vội cho chuyển ngay xuống Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới. Tại đây vợ anh được nội soi và chẩn đoán bị u nang buồng trứng, được giới thiệu chuyển lên tuyến trên để mổ. 
Chiều thứ sáu, mùng 9/5, tôi đưa vợ nhập viện tại Bệnh viện Việt Nam Cu Ba - Đồng Hới. Mãi đến chiều thứ hai, 12/5 vợ anh mới được đưa lên bàn mổ. Hai ngày sau, vợ anh có biểu hiện đau nhiều, nôn dữ dội. 
Anh kể lại: “Tôi biết tính vợ vốn là người chịu khó, ít kêu la. Nhưng thấy cô ấy lăn lộn trên giường bệnh là không ổn rồi. Phải đau đớn lắm mới như vậy. Khoa cho vợ tôi đi siêu âm lại. Tôi chỉ biết dán mắt qua cửa sổ để theo dõi. Một bác sĩ dùng xilanh chọc thẳng vào bụng vợ tôi rồi rút ra một xilanh dịch đục. Tinh thần hoảng loạn, tôi vẫn linh cảm chất dịch ấy không liên quan đến việc cái u nang, mà chỉ có thể là ruột bị thủng, dịch tràn ra ngoài. Ngay tức khắc, cô ấy được đưa liền vào phòng hồi sức cấp cứu”. 
Anh kể tiếp: “Các bác sĩ trong khoa được mời về hội chẩn và tôi được mời vào để đưa ra quyết định cuối cùng: Đồng ý mổ hay chuyển đi tuyến trên. Nói thật, đầu óc tôi lúc đó không biết chi nữa ngoài hai chữ "cứu vợ" . Tôi hỏi các bác sĩ, nếu chuyển vợ tôi đi thì liệu cô ấy có sống đến tận nơi không? 
Bệnh viện trả lời là không có gì đảm bảo được cả. Thời khắc ấy, tôi biết ký giấy cam đoan chấp nhận phẫu thuật lần hai là một tình thế bắt buộc, nhưng tôi đành lòng ký giấy, chứ không lẽ nhìn vợ mình chết?". 
Vợ được đưa vào phòng mổ, mấy người em vợ bảo anh tranh thủ về nhà thắp hương khói cho ông bà tổ tiên. Anh như một cái máy làm theo. Biết đâu lòng thành của anh giúp vợ qua được cái “đận” này. Anh đã ngồi trước bàn thờ tổ tiên không biết bao lâu, rồi sực tỉnh, lại vội vàng chạy về bệnh viện. Lúc này đã khoảng gần 12h trưa, các bác sĩ đã hoàn thành xong ca phẫu thuật. 
Nhìn vợ nằm bất tỉnh, phải thở bằng máy, anh đã có linh cảm không tốt. Nhưng bác sĩ động viên, bảo là tình hình bệnh nhân vẫn kiểm soát được. Song đến khoảng 18h cùng ngày, chị Mai trút hơi thở cuối cùng..
Anh Thắng thở hắt ra, cố ghìm nỗi đau như vừa mới xảy ra hôm qua đây: "Đau lắm. Thấy vợ mình nằm đó, ba hôm trước còn mạnh khỏe, mà giờ mắt đã nhắm nghiền, tim đã ngừng đập. Chỉ trong vòng 7 ngày, vợ tôi lên bàn mổ của bệnh viện hai lần và vĩnh viễn ra đi. Nuốt nỗi thống khổ, ôm xác vợ để về lo hậu sự, tôi đau đớn lắm. Không hiểu vợ tôi vì sao mà phải chết? Tôi thấy mình có lỗi với vợ quá!". 
Mòn mỏi đợi câu trả lời của bệnh viện
Nhìn đau đáu lên bàn thờ vợ, anh Thắng thẫn thờ giữa vương vít khói hương. Nói chuyện với khách, nhưng dường như anh đang nói với chị Mai vậy: "Vợ tôi chết rồi, nhưng tôi chắc chắn một điều vợ tôi chưa thỏa mãn. Người sống đau xót đã đành, người chết cũng ôm nỗi ấm ức xuống mồ thế này thì tội lắm. Mà tôi nghĩ người hiểu nhất nỗi ấm ức của vợ chồng tôi là ê kíp mổ hôm đó. 
Họ có trình độ chuyên môn, và có lẽ bây giờ họ hiểu được nguyên nhân gây tử vong cho vợ tôi. Nhưng cái tôi chờ đợi nhất ở họ là câu trả lời rõ ràng về nguyên nhân gây tử vong, thì họ lại không nói. Tôi nhớ khi vợ tôi đã tắt thở, bác sĩ trong khoa Sản bảo, về mặt chuyên môn, ngoài u nang buồng trứng ra bệnh nhân còn bị viêm ruột hoại tử. 
Người chồng đau đớn sau cái chết của vợ
 Người chồng đau đớn sau cái chết của vợ
Tôi là cán bộ hưu trí, tuy không có chuyên môn về y khoa nhưng tôi nghĩ một cái mụn nhọt bình thường, muốn mưng mủ cũng có thời gian sưng tấy, đau buốt vài ba ngày. Đằng này bệnh viện vừa cho khám, siêu âm, nội soi rồi kết luận chỉ bị u nang buồng trứng. Thế mà đùng một cái lại bảo là thêm bệnh viêm ruột hoại tử”. 
Anh nói tiếp: “Cách giải thích này theo tôi không thuyết phục chút nào. Phải chăng quá trình mổ u nang cho bệnh nhân bác sĩ đã để xảy ra sự cố, khiến vợ tôi bị thủng ruột, để “dẫn đến” cái gọi là "viêm ruột hoại tử"?”. 
Theo lời của một bác sĩ, triệu chứng của viêm ruột hoại tử là bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau bụng, đi ngoài ra máu, nôn và chướng bụng. Tuy nhiên ruột cũng phải có một thời gian sưng, thối. Còn trường hợp bị thủng ruột, bị viêm phúc giác mạc, bệnh nhân có triệu chứng cứng bụng, các dịch ruột sẽ làm cho ổ bụng bị nhiễm khuẩn”. 
Người chồng lắc đầu chua chát: “Khi tôi mới đưa vợ vào viện, chính người của bệnh viện liến thoắng, nào là bác không có gì phải lo hết, chỉ là u nang thường, cũng không phải u nang xoắn, cần thiết Khoa sẽ mổ cấp cứu ngay. Thế mà cái đêm 15/5, nhìn vợ lăn lộn trên giường vì đau đớn, tôi biết tình hình đã quá khẩn cấp. Tôi hoảng hốt chạy đến gọi bác sĩ trực nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời: “Đau quá thì gắng mà chịu, chứ thuốc giảm đau đã dùng quá liều rồi". 
Giờ thì vợ tôi đã chết. Tôi giả dụ, nếu đền thì làm sao có thể đền được vợ cho tôi, đền được mẹ cho con tôi? Đem vợ về lo mai táng, nhưng tôi hy vọng khi mọi việc ổn đâu vào đấy sẽ nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía bệnh viện nhưng rốt cuộc đến nay vẫn chưa thấy”.
Anh Thắng cho biết trong lúc lo đám tang cho vợ, phía bệnh viện cũng cử Phó giám đốc bệnh viện và Chủ tịch công đoàn đến thăm hỏi, phúng viếng. Sau khi hoàn tất việc ma chay xong, gia đình anh cũng được bệnh viện mời đến và thông báo sẽ thành lập một Hội đồng y khoa có câu trả lời rõ ràng về sự việc. Về phía khoa Sản B, các bác sĩ cũng đã đến chia buồn, thăm hỏi gia đình và có đặt vấn đề sẽ hỗ trợ khoảng 15 - 20 triệu, là số tiền trích từ quỹ lương của các thành viên trong khoa. 
Anh Thắng quả quyết: “Cái tôi cần ở đây là trắng đen rõ ràng. Nếu có sai phạm thì bệnh viện có trách nhiệm trước cái sai đó ở mức độ nào? Xử lý cái sai đó ra sao? Vợ tôi chết rồi cũng được thanh thản, hơn nữa còn tránh cho những bệnh nhân sau này không phải bị thiệt mạng oan ức".
Người đàn ông đau khổ lọt thỏm trong cô quạnh, giữa gian nhà đầy hương khói. Vợ chồng chỉ có duy nhất một con gái đang học năm thứ nhất Cao đẳng Sư phạm ở Huế. Ba người sống nhờ vào 4 triệu đồng lương hưu của anh, chị Mai đã không quản mệt nhọc, sớm khuya tảo tần nuôi thêm lợn, gà, để cải thiện cuộc sống. 
Một ngày hai vợ chồng chị phải lên rừng lấy củi, sang hàng xóm xin nước gạo về lo cho đàn lợn, đàn gà. Hàng xóm láng giềng ai cũng bảo, khi chị Mai còn sống, anh Thắng làm hai, thì giờ phải làm bằng bốn, thậm chí còn hơn bốn nữa để có tiền lo cho đứa con gái duy nhất ăn học, để vợ yên lòng nơi chín suối. 
Người chồng kết thúc câu chuyện: “Đến giờ này tôi chỉ mới gửi một đơn đến Ban giám đốc bệnh viện. Vài hôm nữa là đến 49 ngày của vợ tôi. Nếu xong việc mà Bệnh viện vẫn không có câu trả lời, chắc tôi phải nhờ cơ quan pháp luật vào cuộc”./.

Đọc thêm