“Cầu cứu” chấp hành viên khi xác minh tài sản

 Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự (THADS), trong đơn yêu cầu gửi đến cơ quan  THA phải có thông tin về tài sản hoặc điều kiện THA của người phải THA. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác minh tài sản chủ yếu vẫn do chấp hành viên làm ...đỡ đương sự.

Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự (THADS), trong đơn yêu cầu gửi đến cơ quan  THA phải có thông tin về tài sản hoặc điều kiện THA của người phải THA. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác minh tài sản chủ yếu vẫn do chấp hành viên làm ...đỡ đương sự.

Một buổi THADS. Ảnh minh họa

Chưa thể từ chối...

Thông tin về tài sản, điều kiện THA của người phải THA là một trong những nội dung bắt buộc trong đơn yêu cầu THA theo Điều 31 Luật THADS. Đây là quy định hoàn toàn mới so với pháp luật về THA trước đây. Đưa vào quy định này, những nhà làm luật không ngoài mong muốn đương sự “chia sẻ” một phần khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc xác minh điều kiện của người phải THA. Những thông tin thể hiện trong đơn, có thể dù không đầy đủ cũng giúp chấp hành viên có định hướng hoặc “khoanh vùng” phạm vi xác minh về tài sản của người phải THA.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Xuân Đoài, Phó Cục trưởng Cục THADS - Bộ Quốc phòng thì “dù đương sự không cung cấp được thông tin về tài sản của người phải THA thì cơ quan THA vẫn nhận đơn”. Lý giải về điều này, ông Đoài dẫn chứng: Người được THA là bộ đội, vào Nam, ra Bắc, nay đây mai đó, làm sao họ có thể tự đi xác minh tài sản? Trong nhiều trường hợp, tiền chi phí đi lại có khi còn nhiều hơn cả số tiền bản án tuyên cho họ. “Thực tế đương sự chưa xác minh thì chúng tôi cũng vẫn nhận đơn” - ông Đoài cho biết.

Đây là thực tế không chỉ trong các cơ quan THA quân đội mà rất phổ biến. Nhiều cơ quan THADS phản ánh: một mặt họ vẫn phải tuân thủ quy định tại Điều 31 Luật THA về việc người được THA phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin điều kiện THA khi có yêu cầu. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Điều 34 luật này lại không quy định về việc từ chối nhận đơn nếu người được THA không cung cấp điều kiện THA nên mặt khác cơ quan THA vẫn nhận đơn yêu cầu của người được THA.

Đương sự tự xác minh: khó!

Cũng giống như trong tố tụng dân sự, việc người dân tự đi xác minh tài sản là việc làm hết sức khó khăn, nhiều trường hợp là không thể. Bởi lẽ, việc xác minh không chỉ liên quan đến quyền lợi của bên đối lập mà các thông tin này nhiều khi do các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội …nắm giữ. Với tư cách cá nhân, người dân không thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức đó cung cấp, trong khi chưa có chế tài xử lý với những trường hợp cố tình không cung cấp thông tin.

“Chấp hành viên đi xác minh điều kiện THA trong tay có đầy đủ tư cách pháp lý, giấy tờ, quyền năng…còn khó, huống hồ người dân” - một chấp hành viên nói. Thực tế, trong xác minh THA, chấp hành viên phải có sợ hỗ trợ tốt của các cơ quan liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương.

Với những khó khăn như vậy, phần lớn việc xác minh điều kiện THA vẫn do cơ quan THA thực hiện. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật “Nếu người được THA đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được ... thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh”

Tuy nhiên, hiện nay do khối lượng việc THA vẫn đang “quá tải” ở nhiều cơ quan THA thì việc đương sự tự xác minh tài sản vẫn là cơ chế tốt cần được khuyến khích. Các cơ quan THA cũng cần hướng dẫn cụ thể đương sự về nghĩa vụ này để họ thực hiện. Bên cạnh đó, các cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng cần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về THA tạo điều kiện cung cấp thông tin của người phải THA để việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án được thực hiện nghiêm minh.

Nam Hòa

Đọc thêm