Năm 2012, anh Trung thành lập CLB Từ Thiện Thật. Anh cho rằng một số tổ chức từ thiện ngày càng mất uy tín, vướng tai tiếng từ vấn đề tài chính. Chẳng hạn lợi dụng từ thiện để trục lợi. Bởi vậy Trung quan điểm khi chưa minh bạch được tài chính sẽ không quyên góp tiền mặt hoặc nhận hỗ trợ bằng tiền.
Đó là lý do suốt 5 năm qua, Từ Thiện Thật từ chối nhận ủng hộ tiền mặt. Trên website cũng như qua truyền thông, chàng trai 8X luôn khẳng định thông điệp: “Nếu ai đó xưng danh Từ Thiện Thật đi quyên góp tiền đích thực giả mạo”.
Trung chia sẻ có lần nhà hảo tâm gọi gọi điện nói rằng bận việc quá muốn gửi tiền giúp đỡ người nghèo. Nghe xong anh đặt câu hỏi trở lại: “Nếu mười nhà hảo tâm đều bận và chuyển khoản thì người nhận có biết được tổng số tiền ủng hộ bao nhiêu không”. Vị khách nghe xong đồng ý giúp đỡ bằng hiện vật.
Tuy nhiên Trung cũng thừa nhận việc không nhận ủng hộ tiền mặt có nhiều bất tiện. Hiện anh đang xây dựng quy chế nhận ủng hộ tiền minh bạch trong tương lai. Dự kiến khi đó Từ Thiện Thật đóng vai trò cầu nối, toàn bộ tiền nhà hảo tâm đóng góp đều gửi về tài khoản do ngân hàng quản lý.
|
Làm bánh gây quỹ hoạt động CLB |
Sau đó ngân hàng sẽ chuyển tiền cho các hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động thu chi bắt buộc sao kê, công khai cho cả người cho và người nhận. Còn tổ chức từ thiện không có quyền rút tiền mà chỉ quan sát, theo dõi: “Chúng tôi không dính líu gì tới tiền nong cả. Theo tôi nếu minh bạch được tài chính thì cả người cho và người nhận mới cảm thấy thoải mái”, Trung nói.
Anh Trung cho biết thêm, kinh phí hoạt động của tổ chức được quyên góp từ 60 thùng từ thiện đặt tại các quán cà phê từ Bắc chí Nam. Ngoài ra vào các dịp lễ, CLB tổ chức làm bánh bán bổ sung kinh phí.
Gắn bó với từ thiện từ nhỏ, anh Trung hình hành cho mình quan điểm xuyên suốt “của cho không bằng cách cho”. CLB do anh đứng đầu không hỗ trợ một lần rồi “chia tay” mà theo sát mỗi hoàn cảnh đến khi họ vượt qua khó khăn. Hàng tháng, thành viên của Từ Thiện Thật đều đến tận nhà những hoàn cảnh thăm hỏi và cập nhật tình hình. Nếu hoàn cảnh đã hết khó khăn, phần quà hỗ trợ được chuyển sang người khác. Điều Thành Trung hướng tới không phải những phần quà mà là giá trị tinh thần. Anh mong muốn tạo cho những người khó khăn cảm giác được quan tâm.
Dẫn chứng về “cách cho” của CLB, Thành Trung nhớ mãi câu chuyện em Trương Anh Tú SN (2004, quê Bắc Giang) bị ung thư máu liệt hai chân. Tú ước mơ được cõng mẹ trên lưng trước khi chết.
Sau khi hoàn cảnh được báo chí đăng tải, rất nhiều mạnh thường quân đề nghị giúp đỡ nhưng theo Trung tiền bạc không cứu được em. Tại sao mọi người không thỏa ước mơ giản dị của Tú? Và tháng 12/2014, các thành viên Từ Thiện Thật đã tới Viện huyết học- Truyền máu Trung ương hiện tổ chức sinh nhật đầu tiên cho Tú. Chính Thành Trung hiện thực hóa giấc mơ của cậu bé ung thư máu: Anh cõng Tú lên lưng, sau lưng bé trai là người mẹ bám chặt bờ vai con, nước mắt giàn giụa.
|
Thành Trung quan niệm “của cho không bằng cách cho” |
Câu chuyện thứ hai là Trung dừng ô tô bán trứng giúp bà lão giữa trời mưa trên đường phố Hà Nội. Anh kể lúc bắt gặp bà lão định mua 30 quả trứng nhưng thiết nghĩ làm như thế chẳng khác nào bố thí. Trung bèn tặng bà 10 gói mì tôm nhưng bà tặng lại 10 quả trứng với lý do “chú tặng tôi mì, tôi tặng lại trứng, tôi không lấy của ai cả”. Thế là Trung dừng xe đứng bán trứng cùng bà lão. Từ hai câu chuyện trên, Thành Trung đúc rút cách cho quà quan trọng hơn cả giá trị món quà.
Đích hướng tới xa hơi của Từ Thiện Thật là gieo mầm thiện. Suốt 5 năm qua, Trung và các bạn tổ chức quyên góp hàng ngàn tấn gạo tại các trường tiểu học đến THPT. Trung nói rằng giá trị vật chất chỉ phần nhỏ, anh muốn ươm cho các em học sinh tinh thần giúp đỡ người khác bằng chính sự tiết kiệm của mình từ lúc ngồi trên ghế nhà trường. Anh gọi đây là cách làm “từ thiện kép”, tức người nghèo nhận được giúp đỡ vật chất còn người cho nhận lại giá trị sống.
Chia sẻ dự định sắp tới, Thành Trung bật mí đã ấp ủ hai năm nay mục tiêu tạo cho người nghèo cần câu cơm. Anh dự định mở các lớp dạy kỹ năng sống, dạy nghề như pha chế, nấu nướng cho các em nhỏ lang thang cơ nhỡ, Trung nói: “Thực tế nhiều bạn nhỏ có nghề nhưng mất tự tin, hạn chế giao tiếp là cản trở lớn vào đời”.