Chuyện ít biết về ba mối tình của tiến sĩ Hồ Phi Tích

(PLO) - Hồ Phi Tích (1665-1734) là một tiến sĩ quê xứ Nghệ, cuộc đời khoa cử và quan trường của ông có nhiều thăng trầm nhưng được triều đình tín nhiệm, dân chúng tôn kính là bậc danh nho, là trọng thần. Nói về ông, chúng ta cũng nên biết đến 3 mối tình đẹp của ông Nghè đa tài và đa tình này.
Tân khoa Tiến sĩ và cô gái đẹp dịu hiền. Hình minh họa.
Tân khoa Tiến sĩ và cô gái đẹp dịu hiền. Hình minh họa.

Hồ Phi Tích người làng Quỳnh Đôi, xã Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu xứ Nghệ An (này là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) xuất thân trong gia đình làm ruộng nhưng từ nhỏ ông đã rất thông minh, ham học, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để đèn sách, dùi mài kinh sử. Khoa thi năm Canh Thìn (1700) niên hiệu Chính Hòa thứ 21 đời vua Lê Hy Tông ông đỗ Đệ nhị giáp đệ nhất danh (Hoàng giáp), sau làm quan trải nhiều chức vụ, dần thăng đến chức Thượng thư bộ Công, Thượng thư Binh, Thượng thư bộ Hình; tước Quỳnh quận công. 

Ông từng được vào giảng sách cho vua, làm Chánh sứ tranh luận bảo vệ biên giới, bằng con đường ngoại giao đã giành lại khu vực mỏ đồng Tụ Long bị quân Thanh xâm lấn. Hồ Phi Tích còn là một tác gia, ông để lại một số tác phẩm nổi tiếng như: Thượng quốc quang ký, Gia huấn tập…

Khi đã gần 70 tuổi, ông xin cáo quan về quê. Vua Lê sai dân 6 tổng đón rước ông, lại cho thu thuế 2 xã làm bổng lộc dưỡng già; vua còn đặc ban cho ông 3 lá cờ thêu 3 câu đối, trong đó có câu:

Giúp rập ba triều tay trọng lão,

Vào ra một buổi bậc danh nho.

Về đời tư, không rõ Hồ Phi Tích có chính xác bao nhiêu thê thiếp nhưng dân gian đến nay vẫn lưu truyền giai thoại đẹp về 3 mối tình của ông.

Ơn tấm vải sồi

Thuở còn hàn vi, vì nhà nghèo nên Hồ Phi Tích phải đi gánh thuê để có tiền ăn học. Một hôm trên đường đi, vì trời nóng bức quá, khi ngang qua một ao ước trong mát ở làng Bào Hậu (tên Nôm là làng Bèo, nay thuộc xã Quỳnh Hậu), thấy xung quanh vắng vẻ ông liền cởi quần áo rồi lội xuống tắm; không ngờ trong lúc mải ngụp lặn, có kẻ đã lấy mất cả quần áo ông để trên bờ.

Khi tắm táp thỏa thuê, Hồ Phi Tích định lên thì không thấy quần áo đâu, ông đành phải ngâm mình dưới nước mà chưa biết cách nào thoát khỏi tình cảnh khó xử này.

Bấy giờ có một cô gái nhà ở gần đó mang đồ ra ao để giặt giũ, thấy Hồ Phi Tích đang tắm nên cô đành trở về, lần thứ hai đi ra vẫn thấy ông ở dưới ao nên cô lại phải quay vào. Đến lần thứ ba, trời đã về chiều mà vẫn thấy chàng trai kia ngâm mình dưới nước, nhìn quanh cô đoán được nguyên do vì sao. Cô gái liền quay về lấy một tấm vải sồi rồi như vô tình bỏ lại bên bờ ao.

Biết được thiện ý của cô gái, Hồ Phi Tích lấy tấm vải sồi ấy đóng khố rồi lên bờ về nhà. Câu chuyện ấy ông ghi nhớ mãi, sau này khi đã đỗ đạt thành danh, ông mang lễ vật tìm đến nhà cô gái năm xưa để hỏi cưới làm vợ.

Sau này khi đã làm quan to, Hồ Phi Tích đã bỏ tiền mở hai chợ lớn, một chợ ở quê ông gọi là chợ Nội (sau đọc chệch là chợ Nồi), chợ ở quê vợ tại làng Bèo gọi là chợ Ngoại (còn gọi là chợ Bèo). Ông còn đem 21 mẫu ruộng tặng cho hai làng, làng Quỳnh Đôi 11 mẫu, làng Bào Hậu (làng Bèo) 10 mẫu để người dân trồng cấy.

Trọ học nên duyên

Chuyện kể rằng vào năm triều đình mở khoa thi Hội, Hồ Phi Tích sắm sửa khăn gói trảy kinh ứng thí. Vì nghèo quá, không có nhiều tiền nên ông đi khắp các quán ở kinh đô xin trọ nhưng không quán nào nhận vì ông chỉ xin mua cơm không và trả tiền trọ còn thức ăn thì “tự túc” bằng rau, cà cho qua bữa. Trong khi đó 3 năm mới có khoa thi lớn, sĩ tử khắp miền đổ về, không ít người con nhà giàu sang, lắm của; đây chính là dịp để các quán hàng, nhà trọ có dịp kiếm lời, ai lại cho một anh đồ kiết xác đến trọ và mua cơm.

Trong khi không biết ăn ngủ ở đâu thì may thay có một bà chủ quán trọ nhìn thấy dung mạo của Hồ Phi Tích, đoán chừng đang gặp khó khăn, bà liền mời vào thết đãi cơm rượu tử tế. Trước việc tốt ấy, ông thấy e ngại liền từ chối cho biết mình không đủ tiền để ăn uống đầy đủ và ở nhà trọ sang trọng như vậy. Bà chủ quán cười bảo ông cứ an tâm ăn nghỉ và tập trung việc ôn luyện, thi cử, còn các khoản khác không phải lo. Từ đó ngày nào bà cũng đối đãi Hồ Phi Tích như vậy và cho cô con gái xinh đẹp của mình qua bưng cơm, rót nước phục vụ.

Bà chủ quán trọ ấy thực ra là vợ của một nhà gia thế họ Đàm ở xã Thanh Oai, huyện Thanh Oai, xứ Sơn Nam (nay thuộc quận Hà Đông, TP Hà Nội), nhân kỳ thi Hội, bà mở quán cơm cho các sĩ tử để kén rể chứ không phải nhằm kiếm lời như các quán hàng khác. Qủa là người có con mắt tinh đời, khi thấy chàng giám sinh xứ Nghệ, bà đoán rằng người này chắc chắn sẽ đỗ đạt thành danh, là người xứng với cô con gái đoan trang, xinh đẹp Đàm Thị Quỳnh của mình.

Đúng như dự đoán của bà chủ quán trọ, khoa thi năm ấy Hồ Phi Tích đỗ Tiến sĩ đứng thứ 2 trong bảng Đệ nhị giáp và là một trong ba người đỗ Hoàng giáp. Để đền đáp lại ơn nghĩa của bà chủ quán đã giúp đỡ mình lúc khó khăn, lại cảm mến con gái bà chủ, ngay sau khi nhận mũ áo vua ban, Hồ Phi Tích đã đến xin cưới cô tiểu thư họ Đàm. Thật là:

“Vinh quy cùng với vu quy một ngày”.

Phần phụ chép trong sách Quỳnh Đôi cổ kim sự tích hương biên có đoạn viết hơi khác về chuyện tình của Hồ Phi Tích với bà Đàm Thị Quỳnh như sau: “Bà Đàm Thị người xã Thanh Oai, huyện Thanh Oai, xứ Sơn Nam, là con gái một ông Giám sinh. Bà có học, giỏi nghề đoán chữ. Lúc hai ông Hồ Phi Tích và Hồ Sĩ Tông đi học, đều ở trọ nhà bà. Bà bảo mỗi người viết một chữ để đoán. Thấy ông Tích viết chữ “Sử”, ông Tông viết chữ “Dụng”, bà đoán ông viết chữ “Dụng” cũng tài ba hơn đời nhưng sự nghiệp thì thua ông viết chữ “Sử”. Bà bảo cha chu cấp phí tổn cho ông Tích tới Kinh học trường Giám. Khi Hồ Phi Tích thành đạt, cưới bà này làm vợ. Bà được phong Quận phu nhân”.

Ở Quỳnh Đôi, bà Đàm Thị được coi là người có công đưa nghề dệt ở Thanh Oai về dạy cho dân Quỳnh Đôi quê chồng nên sau này dân chúng địa phương đã tôn bà làm Tổ sư nghề dệt lụa làng Quỳnh.

Người vợ nghĩa liệt

Người vợ thứ ba của Hồ Phi Tích tên là Chân Thị Phát, sách Quỳnh Đôi cổ kim sự tích hương biên thì ghi bà họ Châu và cho biết như sau: “Cha bà giàu có, từng xuất 3.000 quan tiền làm cầu Tiên Lý cho thiên hạ đi, tiếng đồn đến tai vua. Thượng thư Hồ Phi Tích nghe tiếng bà hiền hậu, hỏi làm vợ lẽ. Khi ông mất, bà còn trẻ, bọn giặc muốn dụ dỗ nhưng bà không chịu”.

Chân Thị Phát khi nhỏ có tên là Bát, người sách Quy Lai, xã Yên Lạc, huyện Đông Thành (nay là xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), cha bà do có công nên được phong làm Kiệt tiết tướng quân, chỉ huy thiêm sự, tước Quế lộc hầu. Bà là người xinh đẹp, thông minh, lấy chồng được một mấy năm thì Hồ Phi Tích qua đời, khi đó bà còn trẻ nhưng thủ tiết thờ chồng.

Bấy giờ khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, trong đó có lực lượng của “Quận He” Nguyễn Hữu Cầu. Khi còn hoạt động ở Nghệ An, Nguyễn Hữu Cầu nghe tiếng Chân Thị Phát trẻ đẹp, có tài bèn đến cưỡng ép làm vợ. Bà vờ nhận lời nhưng xin đến nhà thờ để lạy từ tạ người chồng quá cố rồi mới đi được. Tại nhà thờ, sau khi khóc và làm lễ xong, bà rút con dao giấu sẵn trong người tự đâm mà chết. 

Người dân Quỳnh Đôi thương tiếc bà, sau này đã lập đền thờ. Hai tiến sĩ triều Nguyễn đều là người xứ Nghệ tên là Hồ Sĩ Tuần và Văn Đức Giai đã cùng viết văn bia ca ngợi bà. Tại triều đình, vua Tự Đức biết chuyện đã gọi Chân Thị Phát là tiết phụ, vua còn làm bài thơ vịnh như sau:

Nhất tiếu khuynh thành túy đắc tâm,

Ứng cơ thiên đãi thục năng xâm.

Phu từ bái biệt tương an thích,

Tư hữu long tuyền dĩ tại khâm.

Nghĩa là:

Một cười nghiêng nước giặc say lòng,

Xử cảnh khéo tùy ai dễ mong.

Bái biệt vong linh chồng đã chết,

Gươm thiêng giấu sẵn áo bên trong.

Trong văn bia của hai Tiến sĩ Hồ Sĩ Tuần và Văn Đức Giai cho biết bà Chân Thị Phát sinh cho Hồ Phi Tích được 2 con trai; còn sách Quỳnh Đôi cổ kim sự tích hương biên cho biết Hồ Phi Tích “có 7 người con, đều hiển đạt”, như vậy 5 người con còn lại chắc do bà vợ cả và bà vợ hai họ Đàm sinh ra. Những người con của Hồ Phi Tích là Hồ Phi Thừa, Hồ Phi Nhạ, Hồ Phi Thích, Hồ Phi Dịch, Hồ Phi Lại, Hồ Phi Thông và Hồ Phi Tấn…

Đọc thêm