Nhưng trên thực tế, tất cả các hình phạt đó đều ảnh hưởng đến trẻ. Việc sử dụng các hình phạt về tinh thần như quát mắng trẻ là thể hiện sự không tôn trọng nhân phẩm của trẻ. Trẻ em nhiều khi bị xem như là “cái thớt” để bố mẹ xả vào những sự căng thẳng, áp lực của mình.
Người khác đánh con, mắng con là không được, nhưng tại sao bố mẹ có thể đánh, mắng? Đó đơn giản chỉ là sự thể hiện quyền lực của bố mẹ. Và không có cái gọi là “đánh mắng an toàn”. Trên thực tế, việc bố mẹ đánh con, quát mắng như một hình thức giáo dục là một hình thức bạo lực với trẻ em và vi phạm pháp luật.
Phương pháp kỷ luật tích cực chính là “cây đũa thần” trong giáo dục trẻ em. Cần hiểu bản chất của kỷ luật tích cực. Đó không phải là các nguyên tắc, phương pháp mà đó là sự sáng tạo của tình yêu thương dành cho con. Mỗi đứa trẻ là một vấn đề và mỗi bố mẹ sẽ có những cách giải quyết vấn đề khác nhau. Và khi chúng ta cho các con tham gia vào công việc chung, chúng ta sẽ thấy trẻ làm được rất nhiều điều tuyệt vời.
Bà Hoàng Thị Kim Huệ - Giảng viên, Phó Trưởng bộ môn - Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội nhấn mạnh: “Một trong những đối tượng mà chúng ta cần lan tỏa đến nhất đó chính là giáo viên”. Giáo dục kỷ luật tích cực chính là giáo dục dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Nếu giáo viên sử dụng biện pháp kỷ luật tích cực sẽ có lợi cho học sinh, giúp các em phát huy năng lực của mình; giáo viên cũng sẽ giảm được áp lực quản lý lớp học, xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với học sinh; gia đình và cộng đồng cũng sẽ có những công dân tốt.