Cha chung không ai khóc

(PLVN) - Vụ ngộ độc thực phẩm vì dùng sản phẩm pate Minh Chay với số nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành, một lần nữa đặt ra câu hỏi có nên quy trách nhiệm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm về một đầu mối.
Cán bộ Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới.

Nghị định 15/2018 quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm giao cho 3 Bộ phụ trách lĩnh vực này. Trong đó, Bộ Y tế phụ trách thực phẩm chức năng, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên… Bộ Công Thương phụ trách rượu, bia, nước giải khát… Bộ NN&PTNT quản lý sản xuất, lưu thông sản phẩm ngũ cốc, thịt,  sản phẩm rau, củ, quả…

Nhiều cơ quan quản lý, mà số sản phẩm liên quan lĩnh vực “bệnh từ miệng vào” thì liệt kê cả ngày không hết, nên thực tế khi sự việc xảy ra, có dấu hiệu nhiều cá nhân, đơn vị hoặc bối rối, hoặc mang tâm lý thiếu trách nhiệm, “cha chung không ai khóc” khi giải quyết hậu quả. Ngay một vấn đề người đã lỡ mua pate Minh Chay, nay xử lý sao, cũng phải lòng vòng gọi điện tìm kiếm nhiều đầu mối, mới thấy thông báo chung chung trên website của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, là liên hệ Sở Y tế địa phương cho người đến thu hồi. Mà “Sở Y tế địa phương” số điện thoại nào, địa chỉ ra sao, lại lần nữa mất công tìm kiếm. Lẽ ra trong thông báo của Bộ, có đính kèm số điện thoại đường dây nóng của 63 Sở Y tế, tỉnh thành, có phải đỡ mất công nhiều hơn hay không?

Bản thân Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan, cũng xác nhận bất cập này: “Khi vụ pate Minh Chay xảy ra chúng tôi gửi văn bản ra Cục An toàn thực phẩm hỏi xử lý thế nào vì trước giờ công ty phải tự thu hồi, tiêu hủy thì được cơ quan này hướng dẫn hỏi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) do vấn đề này liên quan nhiều bộ”.

Bà Lan nói: “Nếu quy về một đầu mối việc xử lý sẽ kịp thời hơn. Ở một sở khi có chỉ đạo, các trưởng phòng cứ báo lên báo xuống với ban giám đốc chứ không chịu trao đổi trực tiếp với nhau. Giữa các sở, các chi cục trao đổi với nhau còn khó nữa. Cho nên nếu được, nên giảm bớt đầu mối, để ít ra khi xảy ra chuyện người dân còn biết chỗ để báo”.

Cuối năm 2016, Thủ tướng cho phép TP HCM thí điểm mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm. Mô hình ra đời với sự kết hợp lực lượng từ 3 Sở Y tế, Công Thương, NN&PTNT. Ban là đơn vị cấp phép, cũng là nơi thanh tra, xử lý ngộ độc... Nếu xảy ra sự cố như pate Minh Chay, cơ quan này rà soát ngay, yêu cầu cơ sở ngưng sản xuất, lấy mẫu làm kiểm nghiệm. Việc tập trung một đầu mối xử lý từ A đến Z nên thời gian giải quyết nhanh hơn nhiều.

Còn ở các địa phương chưa có Ban Quản lý an toàn thực phẩm nên khi có sự cố phải báo cáo UBND TP, sự việc chuyển qua chuyển lại nhiều cơ quan rất lòng vòng. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN&PTNT) có chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với cơ sở sản xuất. Nhưng khi xảy ra ngộ độc, trách nhiệm còn của Sở Y tế, cơ quan quản lý thị trường của Sở Công Thương, nên việc xử lý mất nhiều thời gian. Thực tế vụ ngộ độc pate Minh Chay đặt ra vấn đề cấp thiết có nên phát huy, nhân rộng mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm như tại TP HCM, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”?.