"Cha đẻ” Dinh Độc Lập và những kỳ tích kiến trúc

(PLO) - Đến thời điểm hiện tại, cố kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Thụ (1926 - 2000) là người Việt Nam duy nhất đạt giải Khôi nguyên La Mã, Giải thưởng danh giá nhất trong ngành kiến trúc thế giới. Ông Thụ chính là người thiết kế Dinh Độc Lập và một loạt công trình nổi tiếng khác.
Dinh Độc Lập được xem là công trình xây theo kiến trúc xanh sớm nhất tại Việt Nam
Dinh Độc Lập được xem là công trình xây theo kiến trúc xanh sớm nhất tại Việt Nam

Bảy ngày giật giải Khôi nguyên La Mã

Cố kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Thụ quê gốc ở làng Lang Xá (hay Lăng Xá, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Năm 18 tuổi, ông thi đỗ vào Trường Kiến trúc Đà Lạt thuộc Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau đó ông Thụ sang Pháp tiếp tục theo học kiến trúc sư tại Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris, Năm năm sau ông bảo vệ đồ án tốt nghiệp kiến trúc sư xuất sắc.
Cột mốc đáng nhớ nhất trong cuộc đời cố KTS Thụ cũng là niềm vinh dự của ngành kiến trúc Việt Nam đó là vào năm 1955, ông xác lập kỉ lục khi trở thành người Việt duy nhất đến hiện tại đạt giải Khôi nguyên La Mã.
KTS Ngô Viết Nam Sơn, con trai cố KTS Thụ cho hay, giải thưởng La Mã hay Giải thưởng Rome, giải Khôi nguyên La Mã (Premier Grand Prix de Roma) là học bổng tổ chức thường niên từ năm 1663 ở Pháp, dưới thời vua Louis XIV. Giải dành cho những nghệ sĩ hứa hẹn tài năng trong 3 lĩnh vực: Hội hoạ, điêu khắc và kiến trúc, sau này bổ sung thêm âm nhạc.
Chân dung cố KTS Ngô Viết Thụ
 Chân dung cố KTS Ngô Viết Thụ
Công trình giúp cố KTS Ngô Viết Thụ đạt giải Khôi nguyên La Mã là thiết kế nhà thờ trên trên Địa Trung Hải với sức chứa 40 ngàn tín đồ. Như lời KTS Nam Sơn chia sẻ, bố anh từng kể khi dự giải Khôi nguyên La Mã đã chuẩn bị hàng chục bản đồ hoạ. Tuy nhiên trước hạn nộp bài đúng 1 tuần lễ, KTS Thụ loại bỏ tất cả, bắt tay vào vẽ mới bản thiết kế thánh đường trên diện tích giấy 10m2.
Bản vẽ đã vượt qua hàng trăm bài dự thi của các nhà KTS nổi tiếng toàn thế giới, lọt vào top 10 vòng chung khảo. Ở vòng thi cuối, bản đồ hoạ của KTS người Việt giành được 28/29 phiếu, trở thành người thắng giải.
Những bản thiết kế quy hoạch Sài Gòn- Chợ Lớn, chợ Đà Lạt, Viện hạt nhân sau này cũng được KTS Thụ nảy nởi ý tưởng trong thời gian lưu trú tại Viện hàn lâm Pháp ở Rome.
Tác giả công trình kiến trúc xanh đầu tiên ở Việt Nam
Theo nội quy giải thưởng Khôi nguyên La Mã, sau khi kết thúc lưu trú ở cung điện Medici, ông Thụ được nước Pháp tặng danh hiệu KTS trưởng các chương trình cải tạo, quy hoạch quốc gia. Nếu ở lại nước Pháp, ông được ưu tiên trong các dự án lớn.
Cùng thời gian, nhiều trường đại học ở Canada mời KTS người Việt sang giảng dạy, phong hàm Giáo sư. Nhưng bỏ qua mọi vinh hoa xứ người, KTS gốc Huế quyết định trở về Việt Nam cống hiến cho tổ quốc.
Từ năm 1960, KTS Thụ về nước làm việc theo lời mời của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Thời gian này, chính quyền VNCH vẫn còn Bộ xây dựng đảm nhận việc thiết kế các công trình lớn của quốc gia. Ngô Đình Diệm thường mời KTS Thụ sang phủ chuyện trò, xin góp ý và ngỏ mời KTS Thụ làm Bộ trưởng xây dựng nhưng ông Thụ từ chối.
Sau đó chính phủ VNCH xoá tên bộ xây dựng, lập ra Tổng nha kiến thiết (gần giống với viện nghiên cứu thiết kế bây giờ) và mời KTS Thụ hợp tác tư vấn. Toàn miền Nam bấy giờ chỉ có 2 văn phòng thiết kế quy hoạch xây dựng là Tổng nha kiến thiết thuộc chính phủ VNCH và văn phòng của ông Thụ.
Đến năm 1963, Ngô Đình Diệm triển khai xây mới Dinh Độc Lập (gọi tắt là Dinh) trên nền cũ. Nhiệm vụ thiết kế Dinh được giao cho ông Thụ. Trước đó, ông Thụ phải trải qua phần sát hạch gắt gao.
KTS Nam Sơn nhắc lại lời bố cho biết có rất nhiều đề án dự thi giành quyền thiết kế Dinh, chủ yếu theo 3 xu hướng: Sao chép kiến trúc cổ nước Pháp, mô phỏng theo kiến trúc đình chùa Việt Nam và nhóm đề án xây dựng công trình theo kiến trúc hiện đại nước ngoài (chủ yếu dựa theo kiến trúc Pháp).
KTS Nam Sơn, con trai cố KTS Thụ
  KTS Nam Sơn, con trai cố KTS Thụ
Đề án dự thi của KTS Thụ khác hẳn, ông tuân theo lối kiến trúc hiện đại nhưng pha trộn kiến trúc Á Đông, đặc biệt là kiến trúc truyền thống Việt Nam. Từ mặt bằng tổng thể hình chữ “Cát” đến mặt bằng ngôi nhà đều bố cục theo triết học phương Đông một cách thâm tuý, thể hiện qua chiết tự những chữ Hán có ý nghĩa đem lại điều tốt lành, hưng thịnh:
“Trong bản thiết kế, bố tôi sử dụng chủ yếu đường nét thẳng, mái bằng, trên đỉnh mái có vạt bê tông vắt ngang. Nét thẳng, mái bằng tạo nên sự uy nghiêm cho Dinh, còn vạt bê tông hay những bức tường hoa nắng tạo cảm giác gần gũi của kiến trúc Việt. Chính sự kết hợp hài hoà đó đã giúp ông vượt qua hàng trăm đề án cùng dự thi”, KTS Nam Sơn phân tích.
Điểm nổi bật nhất của Dinh Độc Lập như lời con trai KTS Thụ chia sẻ, đó là kiến trúc xanh. Kiến trúc xanh tức đảm bảo 3 yếu tố cơ bản gồm gió, nước và ánh sáng tự nhiên cho công trình.
Bên ngoài hành lang Dinh có các dãy hoa tường tạo nên tấm màn chống nắng từ hướng Tây đồng thời đón nắng từ hướng Bắc. Dọc hành lang hướng Tây được gắn kính chắn nước khi trời mưa, trời tạnh có thể mở cửa đón gió. Bên trong Dinh ngày trước có một máy lạnh trung tâm nhưng không cần mở máy lạnh vẫn đảm bảo không khí mát mẻ.
Ngoài ra, phía trước và sau lưng Dinh là hai công viên cây xanh và các hồ nước nhân tạo đều nhằm mục đích điều hoà không khí. Vào những năm đầu thập niên 1960, đây là công trình đầu tiên xây dựng theo kiến trúc xanh./.

Đọc thêm