Gia đình chị Hồng Nhung sống ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Chị là nhân viên văn phòng còn chồng chị là lái xe chuyên chạy tuyến đường dài, vì thế mọi việc nuôi dạy con cái trong nhà đều một mình chị đảm nhiệm. Bé gái nhà chị Nhung năm nay học lớp 3 và cũng là năm thứ 2 con chị học theo mô hình Vnen mới. Nghe đâu mô hình này khi mới được áp dụng cũng có những ưu điểm nhưng sau đó nhiều trường bỏ còn trường con chị vẫn kiên trì theo đuổi.
Ngoài việc đã học đến 4 chữ số, tính diện tích, chu vi… có rất nhiều dạng toán nâng cao được cô giao về nhà chị Nhung phải vò đầu bứt tai cũng không ra. Có những bài chị hướng dẫn con đúng được đáp án thì lại sai về phương pháp. Riêng văn là môn học sở trường của chị hồi bé, cứ tưởng đơn giản nhưng cũng phải theo những “khuôn mẫu” nhất định kể cả mở bài, thân bài, kết luận.
Những dạng văn lớp ba như tả bầu trời buổi sáng, cảnh đẹp non sông, kể về một lễ hội mà em biết… cũng làm cho cả mẹ con chị phải nâng lên đặt xuống từng từ. Thêm vào đó, mới lớp ba, ngoài học hai buổi trên lớp, cô lại cho đủ các thể loại bài tập về nhà, từ đơn giản đến nâng cao… khiến nhiều tối hai mẹ con mò mẫm đến 11h đêm chưa xong.
Năm nay có con vào đầu cấp 2, nhà chị Mai Thanh ở quận Ba Đình, Hà Nội lại mệt mỏi kiểu khác. Trước đây khi con học tiểu học, ngoài giờ học ngoại ngữ trên lớp, chị cũng đầu tư cho con học thêm tiếng Anh tuần hai buổi ở Trung tâm. Tuy nhiên, vì thằng bé có sở thích môn toán nên cu cậu chỉ đầu tư thời gian cho môn học này.
Lên cấp hai, nhà trường mới căn cứ vào hồ sơ học bạ của con, không biết tính toán thế nào chia luôn cu cậu vào lớp chuyên Anh. Trường lớp mới, thầy cô mới, lại lọt thỏm giữa một rừng toàn các bạn có nền tảng tiếng Anh rất tốt do được rèn từ các “lò” của trường dân lập khiến cu cậu “sốc toàn tập”. Chị Thanh cũng hoang mang khi giở sách giáo khoa theo chương trình mới lớp 6, cả cuốn không có nổi một từ tiếng Việt, ngữ pháp khó, từ mới cũng nhiều, bản thân chị vừa mò mẫm dịch vừa phải thủ một cuốn đáp án tự download về từ trên mạng mới hình dung được yêu cầu của đề bài.
Ngày trước, khi còn học đại học, chị Thanh không giỏi tiếng Anh nhưng cũng nắm được cơ bản về ngữ pháp nhưng sau hơn chục năm không dùng đến cũng đã rơi rụng nhiều. Thế là, ngoài việc ngày nào cũng học tiếng Anh trên lớp, tuần 4 buổi tối, cả chị cả con trai phải mang sách đến nhà cô giáo học. Vì theo chị “mình không học về biết đường nào dạy con”. Ngày đi làm, những lúc rảnh việc, chị lao vào mạng học online với thầy nước ngoài mong trình độ của mình khá hơn. Cuộc chiến với Tiếng Anh của hai mẹ con chị dường như mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu…
Đó là những câu chuyện của ông bố bà mẹ cấp 1, 2. Còn với việc học của học sinh cấp ba còn nan giải hơn nhiều. Nhiều bậc cha mẹ thừa nhận, họ chỉ có thể gợi ý hoặc ngó qua sách vở của con mà không thể dạy được chúng vì nhiều bài tập quá khó, chương trình lại cải cách liên tục. Vì thế, giải pháp được số đông cha mẹ lựa chọn là cho con vào các lò luyện, các lớp học thêm, học nhóm…và sự thật con cái họ có học được hay không, hiệu quả thế nào cha mẹ cũng…chịu.
Cùng với sự thay đổi, cải cách liên tục của chương trình học, hệ thống sách giáo khoa, sách tham khảo, gánh nặng bài tập về nhà, các cuộc thi giành giải thưởng để xét tuyển vào các trường chuyên lớp chọn thực sự là ám ảnh của không những học sinh mà còn của các phụ huynh. Cạnh đó là các chương trình, mô hình học thí điểm cũng bộc lộ không ít bất cập.
Ví dụ như chương trình Vnen, nhiều trường áp dụng trong khi cơ sở vật chất không đảm bảo, số học sinh trong lớp lại quá đông, bản thân các cô giáo nhận dạy những lớp này cũng chỉ được tập huấn vài buổi trước khi vào năm học mới. Nhưng, với mô hình này, có trường mạnh dạn dừng lại, có trường thấy rõ bất hợp lý vẫn phải theo vì là… chủ trương chung.
Đó là chuyện ở trường, lớp, còn về nhà, nhiều phụ huynh tạo áp lực con phải học giỏi, phải đạt những giải này, giải khác để vào các trường điểm. Vì thế mới sinh ra chuyện học thêm không ngừng không nghỉ cộng với sự thúc ép của cha mẹ, sự kỳ vọng của thầy cô, khiến các em phải "gồng" lên để học. Học quá sức sinh ra stress, cáu kỉnh mệt mỏi, thậm chí nhiều em còn có những hành động tiêu cực.
Theo các chuyên gia giáo dục, cách dạy con học đúng đắn đó là thay vì tạo áp lực, cha mẹ nên là người bạn đồng hành để định hướng, giúp đỡ con thành công. Phụ huynh cần động viên những lúc con khó khăn, mệt mỏi; những khi con học tốt thì nên khuyến khích, chia sẻ thay vì tự tin thái quá hay khoe khoang thành tích.
Riêng với việc dạy con, không phải phụ huynh nào cũng có khả năng và thời gian, tuy nhiên, cần thấu hiểu con mình để có các giải pháp bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tạo cho các con sự say mê, hứng thú thay vì nhồi nhét, học theo phong trào.
Bên cạnh đó, môi trường giáo dục cũng là điều hết sức quan trọng với các học sinh, đặc biệt học sinh đầu cấp. Một môi trường thân thiện, gần gũi và luôn biết khuyến khích động viên các con là điều cần thiết hơn là những trường danh tiếng.
Và cuối cùng, điều quan trọng là các chương trình học, phương pháp học đối với học sinh phải thực sự khoa học, vừa sức, trong đó giáo viên đóng vai trò trung tâm; cùng đó là việc bảo đảm cơ sở vật chất trường học, tăng cường phối hợp giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội…