Không biết tự bao giờ, cái Tết cho trẻ em này lại trở thành của người lớn. Rõ nhất là nhân dịp Trung thu, người lớn giải quyết việc quan hệ, bày tỏ “tấm lòng” với nhau. Vì thế, mới xuất hiện những hộp bánh hàng triệu đồng dùng làm quà cáp, một thời chưa xa, khi hối lộ còn làm người nhận xấu hổ thì có những chiếc bánh Trung thu trong nhân có nhẫn vàng!
Do “người lớn hóa” một phần nên Tết Trung thu nhuốm màu thương mại. Đang trong dịp tháng Bảy mưa ngâu, tiết xá tội vong nhân, vu lan báo hiếu, thậm chí là ‘tháng cô hồn” mà trên các phương tiện truyền thông đã quảng cáo ầm ỹ về các loại bánh Trung thu với các hình ảnh vui nhộn. Trên mâm cúng Rằm tháng Bảy có cả bánh Trung thu(?!). Đủ hiểu cái tâm lý “vui trước thiên hạ” nó phổ biến đến cả lĩnh vực tâm linh, đến cúng Rằm cũng phải cúng trước ngày, sợ “ngạ quỷ” cướp mất phần của vong linh người nhà mình.
Vui Trung thu cũng vậy. “Lễ hội đêm Rằm” được tổ chức ngay ở đầu tháng Tám âm lịch và không thấy trăng đâu. “Lễ hội” này ầm ỹ tiếng loa, tiếng nhạc với các chị Hằng, chú Cuội giả trang và chạy sô, những câu chuyện, câu hỏi giao lưu với trẻ em chọc cười thô thiển. Người ta không nhận ra và trẻ em không tiếp thu được ý nghĩa nhân văn và giáo dục của dân tộc từ những truyền thuyết xa xưa về cây đa, chú Cuội, chị Hằng,...
Cho dù bắt nguồn Tết Trung thu từ Trung hoa nhưng khi du nhập vào nước ta thì tinh thần đã đổi khác đi rất nhiều, từ cái cách sáng tạo đồ chơi cho trẻ em cho đến cách “phá cỗ” dân giã đêm Rằm. Nào đây, đèn ông sao lấp lánh, đèn kéo quân dẫn dụ, đầu sư tử và các mặt nạ vui cười, phúc hậu chứ không phải toàn đồ chơi nhựa Trung Quốc và các mặt nạ của Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới,... nghênh ngang.
Điều đáng buồn hơn là lẽ ra vùng nông thôn mới là điểm đến tuyệt vời, đầy trăng trong, gió mát của Lễ hội đêm Rằm nhưng vào dịp này lại hết sức vắng lặng. Xưa kia, thập thùng tiếng trống ếch rộn ràng, ngõ xóm nô nức tiếng trẻ vui đùa và không có cả bánh Trung thu mà chỉ có kẹo bột, mía, chuối,... của vườn mà trẻ em được một bữa vui, tình yêu với thiên nhiên, cảm xúc với cảnh đẹp ngấm vào tâm hồn trẻ thơ tự lúc nào không biết.
Giờ đây, khi Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ chẳng còn thiết tha gì đến việc tổ chức vui Trung thu cho các em, chính quyền thì bỏ mặc, những mùa trăng đẹp đẽ, nơi di dưỡng cảm xúc đã lạnh lẽo một màu vô cảm.
Có lẽ bây giờ còn rất ít người xúc động trước câu thơ dung dị của một bậc vĩ nhân có cái nhìn thấu càn khôn từ rừng sâu Việt Bắc: “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”. Nỗi nhớ thương vẫn còn đấy, sáng trong như trăng Rằm tiết trọng thu!