Cha mẹ không phải lúc nào cũng đúng

(PLVN) - Có bao giờ cha mẹ đặt mình vào vị trí của con cái để đừng có những lời nói, những hành động thô bạo can thiệp vào cuộc sống của chúng? Có bao giờ cha mẹ đặt bao kỳ vọng rồi thất vọng vì con mà quên mất rằng trong thiên hạ không có ai là “đồ bỏ đi”, quan trọng là mỗi người được làm, được sống, được đặt vào vị trí “vừa tầm” với bản thân mình.
Sự kỳ vọng của cha mẹ khiến con trẻ thiệt thòi.
Sự kỳ vọng của cha mẹ khiến con trẻ thiệt thòi.

Phận éo le của đứa trẻ “ngón ngắn”

Trong cuộc đời làm tư vấn cho các vấn đề gia đình của mình, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn đã gặp không ít hoàn cảnh éo le. Và câu chuyện mà ông kể dưới đây cũng như vậy. 

Có một gia đình tới phòng tư vấn với thành phần gồm 8 người, ông bà nội, ông bà ngoại, bố mẹ, chị gái và … “đương sự” là một bé trai 14 tuổi. Câu chuyện cho thấy, cậu bé từ bé đến lớn được đánh giá khôi ngô, thông minh, được sự quan tâm chú ý của cả nhà. Từ nhỏ, cậu đã học những ngôi trường danh giá nhất Hà thành.

Nhưng đến khi lên cấp 2, thông tin từ giáo viên về với gia đình là  cậu bé “có khó khăn trong học tập, càng những môn học yêu cầu tư duy, trí tuệ, suy luận càng kém, đặc biệt không biết chơi với bạn, không tham gia các hoạt động của lớp, của trường”. Không tin tưởng, gia đình đã chuyển trường cho cậu bé, nhưng kết quả vẫn vậy. 

Người bố bận công việc, nên việc quan tâm, chăm sóc, nuôi dạy con cái do người mẹ chịu trách nhiệm chính. Từ khi nhà trường trao đổi về con, chị chịu khó lên mạng tìm kiếm thông tin, đọc và suy ngẫm, theo dõi, so sánh với con. Chị cũng nhận ra con “có vấn đề”, nên đã bí mật đưa con đến phòng khám tâm lý của Bệnh viện Nhi TƯ.

Tại đây, các bác sĩ sau khi thăm khám kết luận, cháu bé có những biểu hiện của chứng “chậm phát triển trí tuệ” dẫn đến hạn chế nhiều mặt trong cuộc sống. Họ khuyên gia đình không gây sức ép học tập cho cháu, dành thời gian cho cháu được chơi, được trải nghiệm cuộc sống, được học những kỹ năng sống cần thiết.

Người mẹ đem chuyện này trao đổi với toàn thể gia đình. Kết quả, chị bị cả ông bà nội, ông bà ngoại, chồng mắng là “dở người”, con mình mình phải biết chứ sao đi nghe người ngoài khi họ chỉ tiếp xúc với con một hai tiếng…

Sau đó, gia đình đã đưa cậu bé đi khắp nơi, gặp gỡ các bác sĩ, các chuyên gia tư vấn hàng đầu, thậm chí cho cháu sang nước ngoài để nhờ các chuyên gia ngoại xem xét, nhưng rốt cuộc họ đều không chấp nhận kết quả của những lần gặp gỡ ấy. Đặc biệt, ông bà nội, ngoại vì rất quan tâm đến cháu nên họ đã có những lời qua, lời lại, thậm chí gây mâu thuẫn gia đình.

Họ không chấp nhận trong gia đình họ có truyền thống hiếu học, cả đôi bên nội ngoại đều thành đạt, chị gái cậu bé cũng nhanh nhẹn, học giỏi, mà cháu trai của họ lại “có vấn đề”. Đó cũng là lý do mà họ đã kéo cả phái đoàn đến để được nghe các chuyên viên tư vấn tâm lý nói trực tiếp.

Theo ông Đinh Đoàn thì sau khoảng thời gian khá dài, trò chuyện với cháu bé, làm những bài “kiểm tra tâm lý” với cháu, trò chuyện với gia đình, nhóm làm việc của ông cũng chứng minh rằng “chính gia đình mới là những người có vấn đề tâm lý, cần tư vấn”, còn cháu bé “chậm học”, “học khó” là chính xác.

Kết luận này cũng tương tự kết quả của các bác sĩ, các chuyên gia tâm lý trong và ngoài nước trước đây mà gia đình không tin.

“Người ta đã nói, “nhân vô thập toàn”, “mười ngón tay, có ngón dài, ngón ngắn”, trong một vườn hoa đẹp, cũng có bông nọ, bông kia, tại sao chúng ta không chấp nhận rằng trong gia đình toàn những người giỏi giang, thành đạt, học giỏi, vẫn có thể có người có trí tuệ “thường thường bậc trung” hay “hơi chậm một chút”?.

Chỉ vì cố chấp, tự tin thái quá, vì sự sĩ diện của người lớn mà không chấp nhận con cháu mình có vấn đề, để từ đó có những hướng đi phù hợp cho con, thì người thiệt thòi nhất chính là đứa trẻ. Trong thiên hạ, không có ai là “đồ bỏ đi”, quan trọng là mỗi người được làm, được sống, được đặt vào vị trí “vừa tầm” với bản thân mình mà thôi” - chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nhấn mạnh.

Đừng “đánh rơi” gia đình! 

Câu chuyện mà ông Đinh Đoàn kể trên đây gợi nhớ đến vở kịch mang tên “Ngược chiều gió” vừa được Nhà hát Tuổi trẻ công diễn. Đã lâu lắm rồi, trên sân khấu kịch của Nhà hát Tuổi trẻ nói riêng và sân khấu nói chung có một vở diễn đề cập tới những vấn đề của lớp trẻ vị thành niên một cách thuyết phục như thế. 

“Ngược chiều gió” là câu chuyện xoay quanh các nhân vật trong gia đình ông Quyết gồm ông bố, bà mẹ, cô con gái 18 tuổi mới vào đại học và một cậu con trai 10 tuổi. Nhìn vào thì gia đình ông Quyết là một gia đình cơ bản, tuy nhiên đằng sau cái vỏ ngoài tưởng như hạnh phúc thì các thành viên liên tục làm tổn thương nhau bằng những lời nói dối, những ảo tưởng và cả sự áp đặt cái tôi của mình trong các mối quan hệ.

Chỉ đến khi mọi sự cố gắng nỗ lực được tạo dựng bởi đồng tiền không còn giá trị, ông Quyết có lệnh bắt tạm giam bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn; bà Minh bất lực trong việc dạy dỗ, đối thoại với con cái; cô con gái 18 tuổi vỡ lẽ câu chuyện bố mình đút lót để cô được vào đại học chứ không phải bằng thực lực của chính cô…

Lúc đó mỗi thành viên trong gia đình mới hiểu rằng cha mẹ chưa hẳn lúc nào cũng đúng và đôi khi chính họ phải nhìn nhận lại những hành vi, việc làm của mình để làm sao để con cái của họ không hổ thẹn về cha mẹ mình và chỉ có gia đình là điểm tựa còn lại giúp họ vượt qua được sự thất bại của mình.

Nói về vở kịch, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đồng nhận định đây là bi kịch của một bộ phận gia đình trí thức hiện nay khi các ông bố, bà mẹ chỉ mải mê kiếm tiền, chạy theo các mối quan hệ xã hội mà “đánh rơi” con cái và gia đình họ.

Quả thực, việc giáo dục con cái chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Qua “Ngược chiều gió” cũng như qua nhiều câu chuyện thực tế đang diễn ra trong các gia đình có thể thấy những lời rao giảng đạo đức sẽ trở nên giả tạo nếu bản thân cha mẹ không biết làm gương tốt.

Sự giả dối, sống thiếu trung thực của cha mẹ đã khiến cho chính những đứa con của họ trở nên đối kháng và cha mẹ trở nên bất lực trước việc định hướng cho con cái của mình. Và đây cũng là vấn đề mà không ít gia đình của Việt Nam đang phải đối diện. 

Trẻ con như tờ giấy trắng và cha mẹ là người thầy đầu tiên

Trong thời đại phát triển của xã hội như ngày nay, trẻ con bị ảnh hưởng bởi những tác động từ môi trường bên ngoài rất nhiều. Những tác động đó dù tích cực hay tiêu cực cũng hình thành nên tính cách trẻ.

Vì thế, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã đưa ra lời khuyên rằng, trẻ con như tờ giấy trắng và cha mẹ là người thầy đầu tiên. Hãy viết lên tờ giấy đó những điều tốt đẹp bằng chính những lời nói và hành động của mình. Cha mẹ hãy đối xử với con công bằng như những người bạn chứ không phải bằng sự “uy quyền” của người lớn.

Sống ở đời, đâu có cần phải ra sức mệnh lệnh “đao to, búa lớn”,  cha mẹ chỉ cần làm gương cho con qua từng hành động của mình trong cuộc sống. Nếu cha mẹ không thể làm gương cho con cái, giáo dục nhiều bao nhiêu cũng trở nên vô dụng. Hãy cho trẻ cảm nhận gia đình là điều quan trọng nhất - là nơi mà sợi dây vô hình đã, đang và sẽ kết nối những yêu thương.

Đọc thêm