Tuy nhiên, trước thực trạng đáng báo động về xâm hại tình dục trẻ em hiện nay, thiết nghĩ đã đến lúc bố mẹ Việt cũng nên quan tâm trò chuyện với con nhiều hơn về giáo dục giới tính, giúp trẻ tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục
Bố mẹ có vai trò quan trọng nhất
Số liệu của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết, trong số 322 vụ bạo lực tình dục được đưa tin trên báo từ năm 2011 đến 2016 có 21,2% nạn nhân dưới 10 tuổi, trong đó có những em bé chỉ mới 2 tuổi. Có 60% nạn nhân ở độ tuổi 11-25.
Trong số 15,6% các em trả lời từ nhỏ tới nay em đã từng bị quấy rối, lạm dụng tình dục thì có 26,8% số em đã từng bị ép buộc hôn vào môi, 19,5% bị đụng chạm ở ngực và 7,3% ở bộ phận sinh dục. Ngoài ra, có tới 10% số em học sinh được hỏi trả lời là đã từng bị người khác bắt ép nhìn, sờ mó/đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể.
Vấn nạn trên gây rất nhiều hậu quả nhức nhối nên để giúp trẻ tránh các nguy cơ bị xâm hại tình dục, ngoài việc giáo dục giới tính cho con trẻ ở trường học thì ở nhà, các bậc cha cần trang bị kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ cá nhân cho trẻ. Từ nhỏ nên khéo léo hướng dẫn con những kiến thức về giới tính, chỉ rõ cho con những chỗ “nhạy cảm” và ai có thể chạm vào khi được trẻ đồng ý. Nếu là bé trai, cần dạy con tránh không sờ vào những bộ phận nhạy cảm của bạn gái hay của người khác.
TS tâm lý học trẻ em và vị thành niên Trần Thành Nam cũng quan niệm, chính cha mẹ là những người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục giới tính cũng như phòng ngừa các vấn đề tình dục cho trẻ. Không nhất thiết cha mẹ phải là chuyên gia am hiểu về vấn đề này mới giáo dục được con. Chính thái độ của cha mẹ với vấn đề giới tính, tình dục mới là điều quan trọng để giúp trẻ định hướng đúng đắn.
Tuy nhiên, để có thể dạy con một cách hiệu quả, đầu tiên cha mẹ cần đấu tranh với những niềm tin sai lầm như: “Con tôi sẽ mất đi sự ngây thơ nếu tôi dạy chúng về vấn đề giới tính, tình dục. Dạy con về các nguy cơ bị xâm hại sẽ làm cho con chấn thương tâm lý. Tôi chẳng để con tôi một mình với người khác bao giờ nên chẳng việc gì phải dạy con về các nguy cơ bị quấy rối hay xâm hại. Hay con tôi chẳng cần học về động chạm an toàn hay không an toàn vì chúng luôn kể với tôi mọi thứ”…
Bên cạnh đó, bản thân bố mẹ cũng không được có những hành động vi phạm liên quan đến vấn đề giới tính của con. Chẳng hạn, trẻ dây bẩn, ị đùn thì cha mẹ tuyệt đối không được lột quần áo trẻ ở nơi công cộng hoặc ở những hoàn cảnh làm cho trẻ cảm thấy xấu hổ hoặc tội lỗi, mất thể diện.
Cần nói những gì?
Để phòng tránh và bảo vệ con mình, các bậc phụ huynh nên trang bị cho con mình những kiến thức về tình dục, không nên ngại ngùng hay cảm thấy xấu hổ khi kể cho bé nghe về những câu chuyện về vùng kín, chỉ cho bé biết về các bộ phận trên cơ thể chỗ này là tuyệt đối không được để ai sờ hay đụng chạm.
Bố mẹ dạy cho bé cách tự tắm rửa vệ sinh thân thể khi trẻ có thể tự làm được, không để người khác dù là người lạ hay người thân thì cũng không được để cho họ tắm rửa, cởi đồ của trẻ. Đồng thời, thường xuyên trao đổi với con về những kỹ năng để trẻ biết xử lý những tình huống cần thiết khi nguy cơ bị xâm hại đến với mình, đặt ra các tình huống giả định để các bé biết phòng tránh.
TS.Trần Thành Nam thì khuyến nghị, cha mẹ cần dạy con những bài học về giới tính phù hợp với lứa tuổi của con. Với trẻ nhỏ, cha mẹ cần dạy trẻ gọi tên các bộ phận kín và vùng riêng tư, dạy trẻ thế nào là khoảng cách an toàn, cách thức gọi tên cảm xúc, cách thức phản ứng khi nhận ra những cảm xúc tiêu cực (Ví dụ như cự tuyệt – tránh xa – nói ra); nói ra những dự cảm xấu với những "vệ sĩ" của mình (kể cả vệ sĩ thực và vệ sĩ tưởng tượng, ví dụ như viết nhật ký…).
Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, dạy kỹ năng cho con mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là bố mẹ cần tỉnh táo để nhận biết kẻ xâm hại; tỉnh táo để nhận diện sớm các dấu hiệu tiềm năng của việc bị xâm hại và tin tưởng bất cứ những sự việc trẻ báo cáo dù có khó tin như thế nào.
Với những trẻ trong giai đoạn tuổi dậy thì, phụ huynh cần dạy cho con các kiến thức mang tính hệ thống và các khái niệm khoa học hơn. Ví dụ, quấy rối tình dục sẽ bao gồm 4 yếu tố: Hành động (thể hiện qua hành vi hoặc lời nói hoặc cử chỉ, cái nhìn…); Không trông đợi (con không mong muốn nó xảy ra); Có hàm ý tình dục; Gây ra ảnh hưởng tiêu cực (làm con cảm thấy khó chịu, có dự cảm hoặc cảm xúc tiêu cực một cách mạnh mẽ).
Cũng theo TS.Trần Thành Nam, cha mẹ hãy cùng thảo luận, giúp con nhận diện những hành vi được coi là quấy rối tình dục, nguy cơ dẫn đến xâm hại tình dục. Đó có thể là động chạm thể chất đến thái độ, cử chỉ, thậm chí là những hành vi trên mạng xã hội; thêu dệt một tin đồn (bằng lời nói trực tiếp, tin nhắn hay trên mạng); viết thông tin liên lạc của người khác ở những nơi công cộng với ý đồ xấu; cho ai đó thấy những hình ảnh hoặc video không thích hợp; yêu cầu ai đó gửi hình ảnh khỏa thân; sờ, nắm hay cấu véo ai đó theo cách sàm sỡ, khiếm nhã một cách có chủ đích; ép ai đó hẹn hò với mình hết lần này đến lần khác cho dù người đó đã từ chối…
Sau khi giúp con nhận diện những hành vi quấy rối tình dục hoặc nguy cơ xâm hại tình dục, cha mẹ có thể giúp con hiểu rằng ở trong những tình huống như vậy, có những cách ứng phó nào, hệ lụy của nó ra sao và khuyến khích con sử dụng những cách thức phù hợp. Cha mẹ nên nói với con những cách thức thường gặp như phớt lờ, chối bỏ, né tránh, tham gia, đương đầu, báo cáo những hành vi này với những người có trách nhiệm.
Trong đó, đương đầu và báo cáo là hình thức ứng phó tích cực, giải quyết vấn đề một cách bền vững, có thể ngăn ngừa sự lặp lại trong tương lai và các bậc phụ huynh cần khuyến khích con dũng cảm sử dụng những hình thức ứng phó này thay vì 4 hình thức đầu thường được các em lựa chọn.