Cha “trốn” đi lấy vợ mới đúng ngày cưới con gái

(PLO) - Gọi là “trốn”, vì như giải thích của người em gái, do buồn rầu sau khi li hôn vợ, hơn nữa lại sợ đàn con trở về quậy phá trong đám cưới của mình, nên người đàn ông đã quyết định tổ chức đám cưới lấy vợ mới ngay trong ngày cưới của đứa con gái đầu. 
Ông Hoàng Văn Giang (52 tuổi, ngụ huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) do không sinh được con trai nên vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn rồi chia tay. Chuyện bi hài ở chỗ ngày cưới của con gái ông trùng luôn ngày ông cưới vợ mới. Vì sao lại có chuyện hi hữu như vậy? Do sự tình cờ, hay ông sợ vợ con quậy phá trong ngày vui của mình? Cha con cưới một lần như vậy, khách được mời như thế nào?
Ly hôn vì không sinh được con trai  
Vợ cũ của ông Giang là cô giáo Văn Thị Thanh Liên (53 tuổi), dạy văn cấp 3, được biết đến là một giáo viên dạy giỏi có tiếng, từng được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng. Ông Giang hiện đang là Bí thư Chi bộ thôn. 
Vợ chồng ông sinh được 3 cô con gái đều xinh đẹp, học giỏi. Cô con gái đầu đang là giảng viên của một trường Cao đẳng ở Huế, con gái thứ hai là sinh viên kiến trúc, con gái út đang học lớp 4. 
Vợ chồng ông Giang trước đây sống hòa thuận, hạnh phúc, kinh tế khá giả, nhưng cô Liên không sinh được người con trai để nối dõi tông đường nên ông Giang hay buồn lòng, sinh sự. 
Chị Hoàng Thị Lan (48 tuổi, em gái ông Giang) cho biết: “Chị Liên sống hiền lành, giản dị, đối xử với anh chị em chúng tôi tốt và tâm lý lắm, làm dâu ở đây ai cũng thương. Chị tốt đến nỗi, sẵn sàng đồng ý cho chồng “lập phòng nhì” để kiếm cho được đứa con trai.”.
Cũng theo lời người em, năm 2013 vợ chồng ông Giang chia tay. Bốn mẹ con nương tựa vào nhau, cô Liên ngoài giờ đứng lớp còn làm thêm nhiều việc nữa để trả khoản nợ mình xây nhà và nuôi 2 cô con gái đang tuổi ăn học. 
Thời gian đầu sau khi cha mẹ chia tay, những cô con gái vẫn trở về nhà thăm cha, nhưng cha con lại mâu thuẫn. Cô con gái đầu lời qua tiếng lại với cha khá nhiều, những tin nhắn tranh cãi gay gắt đến gần như mất tình nghĩa cha con. 
Cha và con cùng kết hôn một ngày
Về phía ông Giang, ông sống ở nhà một mình. Nhờ sự mai mối của một người ở xóm, ông quen 1 cô gái trẻ 32 tuổi (làm nghề thợ may ở Mỹ Chánh, Quảng Trị), chồng qua đời vì bệnh nan y, đã có hai con.
Đến ngày 21/3/2014 (nhằm ngày 21/2 năm Nhâm Thìn) người con gái đầu của ông Giang tổ chức đám cưới tại một nhà hàng ở Huế lúc 11h trưa. Đúng thời gian này, ông Giang cũng tổ chức cưới vợ mới tại quê. 
Một người hàng xóm cười, nhớ lại: “Chuyện này xưa nay chưa hề có. Cô Liên có về quê mời tôi dự đám cưới con gái, thiệp mời vẫn có tên ông Giang. Tuy lâu ngày không gặp cô, nhưng vì tình làng nghĩa xóm, cô lại sống tốt, nên cả xóm vượt hàng trăm cây số vào TP Huế dự đám cưới đứa con gái đầu lòng. 
Đám cưới tổ chức linh đình, lên tới 600 khách, nhưng đáng buồn và không trọn vẹn khi lễ cưới thiếu cha, thiếu những người bên nội của cô dâu. Những người này khi ấy đang tổ chức đám cưới cho người cha. 
Mọi nghi thức thủ tục đều như những đám cưới ở quê khác, riêng khách thì chỉ có 5 - 6 mâm. Có một số ít người được cả hai bên mời, thì họ cũng đi bên con.”.
Một người em gái của ông Giang phân tích: “Sở dĩ anh trai tôi chọn giờ, ngày cưới giống như giờ ngày cưới của con gái, vì anh sợ mấy đứa con gái về quê quậy phá thì mất vui. Mấy đứa này đã từng nhắn tin xưng hô ngạo mạn với cha, thì chuyện gì nó cũng có thể làm được hết. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. 
Hơn nữa, bốn mẹ con chị Liên theo một phe, họ xem như đã “từ” chồng, “từ” cha. Cưới con gái mà không được tham dự thì có gì buồn bằng. Một phần cũng vì như vậy mà anh tôi mới chọn ngày này, chứ hoàn toàn không có sự trùng hợp đi “coi thầy” trùng ngày, trùng giờ”.
Cái giá quá đắt để có đứa con trai
Tiếp chuyện PV, ông Giang trầm ngâm trần tình: “Tôi trước đây từng làm Trưởng công an, rồi Phó chủ tịch UBND xã, nhưng vì sinh con thứ 3 nên đành phải nghỉ việc. Vợ tôi cũng vì đứa con thứ 3 mà không được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng. Vợ chồng chúng tôi sống không hợp nên chia tay.
Sau khi li dị, cô ấy đã chuyển trường vào Huế. Thời gian chúng tôi sống chung, có dành dụm mua được mảnh đất ở Huế nên cô ấy vay thêm tiền xây được một căn nhà. Ba đứa con cũng theo mẹ học tập, sinh sống ở Huế luôn. Tôi giờ ít liên lạc với mẹ con cô ấy, biết họ sống tốt là tôi vui lắm rồi”.
Ông Giang, sau khi cưới cô vợ trẻ, đã có một cậu con trai kháu khỉnh. Ước mơ con trai đã thành hiện thực, chỉ có điều phải trả giá bằng quá nhiều đổ vỡ, mất mát.
(Tên của cô giáo trong bài đã được thay đổi)

Đọc thêm