Chấm dứt chuyện phi lý của lương hưu

(PLO) - Hiện nay, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) chỉ khoảng 60-70% thu nhập thực tế của người lao động. Sự phi lý đó đang “đổ hết lên đầu” người lao động, nhất là khi họ đến tuổi nghỉ hưu và mức lương hưu không đủ để trang trải cuộc sống.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Dự kiến phải đến năm 2018, lương tối thiểu sẽ thực hiện đầy đủ theo quy định của Bộ luật lao động, nghĩa là mức lương đóng BHXH sẽ được tính trên tổng thu nhập của người lao động. 
Với lộ trình rõ ràng để có mức lương hưu “đảm bảo cuộc sống” cho người lao động khi hết tuổi lao động như vậy, nhưng có đạt mục tiêu “mức lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu” hay không thì lại vẫn là câu hỏi khó” với các cơ quan chức năng như thừa nhận của bà Trương Thị Mai -  Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội tại buổi làm việc của UBTVQH phiên thứ 30 sáng qua (13/8) cho ý kiến về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). 
Điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng
Có ý kiến ĐBQH chưa tán thành việc điều chỉnh mức lương hưu hàng tháng như dự thảo Chính phủ trình khi tuổi nghỉ hưu của người lao động thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi này là cần thiết để khắc phục tình trạng mất cân đối trong đóng – hưởng BHXH. 
Do đó, có 2 phương án đã được đưa ra đều hướng tới mục tiêu bảo đảm việc cân đối đóng – hưởng BHXH, tuy nhiên trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động thì cần giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ. Phó Chủ tịch Quốc hội Tỏng Thị Phóng lưu ý, các qui định về chính sách lương hưu phải “bảo đảm cho người lao động nam và nữ không cách xa quá và bảo đảm không vỡ Quỹ  BHXH”.
Theo Ủy ban về các vấn đề xã hội, việc thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình thu BHXH trên cơ sở mức tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định tại Điều 90 của Bộ luật lao động để đảm bảo tiền lương hưu người lao động thực nhận không bị sụt giảm nhiều so với trước đó. 
Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cần phải cân nhắc bảo đảm bình đẳng giới trong khi điều chỉnh chính sách này. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “đặt ra lộ trình phải hợp lý và được hoàn thiện ngay trong dự thảo trên cơ sở kiểm tra, cân đối Quỹ BHXH”.
Từ đó, nhiều ý kiến tán thành cách điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75% và đề nghị quy định lộ trình nâng số năm đóng BHXH của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu (cụ thể như sau: năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm), lộ trình này tạo điều kiện để lao động nam có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách theo hướng cân đối đóng – hưởng như mục tiêu xây dựng Luật đã đặt ra. 
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Ông Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam - thiết tha đề nghị “áp dụng sớm cách tính đóng BHXH trên cơ sở lương có phụ cấp, không để đóng BHXH theo lương “cứng” thường rất thấp, không tính các khoản phụ cấp khiến NLĐ khi hưởng lương hưu thì rất thấp dù đóng BHXH thường xuyên, liên tục”. 
Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội cũng thấy rằng, hiện nay khu vực tư đã thực hiện quy định tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu. Để đảm bảo mục tiêu bình đẳng, việc thay đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người tham gia BHXH thuộc khu vực công cần có lộ trình thực hiện hợp lý, đồng bộ với lộ trình thu BHXH vào năm 2018. 
Mặc dù Chính  phủ đưa ra phương án tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian từ 01/01/2018 nhưng nhiều ĐBQH lại thống nhất với phương án tính bình quân của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu đối với người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực thi hành (01/7/2015) đến 31/12/2019; từ ngày 01/01/2020 đến 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối; từ ngày 01/01/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian (quá trình tính lương hưu đã trải qua một số giai đoạn: tham gia BHXH từ ngày 01/01/1995 đến 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu năm cuối trước khi nghỉ hưu; từ ngày 01/01/2001 đến 31/12/2006 thì tính bình quân của tám năm cuối trước khi nghỉ hưu; từ 01/01/2007 đến 31/12/2017 thì tính bình quân của mười năm cuối trước khi nghỉ hưu).
Việc điều chỉnh mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người tham gia BHXH như vậy “sẽ đảm bảo chính sách được điều chỉnh dần và tạo được sự đồng thuận xã hội. Ngoài ra, cần quy định quỹ bảo hiểm của người lao động ở khu vực công và tư được hạch toán riêng để đảm bảo công bằng, minh bạch trong đóng – hưởng BHXH của người lao động từng khu vực” – bà Trương Thị Mai nhận định./. 

Đọc thêm