Chất lỏng lên máy bay: 100ml/lọ
Ông Lương Đức Lý (Nghệ An) cho biết: “Mỗi năm, tôi phải vào miền Nam khoảng 1-2 lần. Có lần bị chậm chuyến bay, phải ngồi vật vờ cả giờ đồng hồ ở sân bay rất mệt mỏi. Họ (hãng hàng không) xin lỗi thì mình biết vậy thôi, chứ không nắm rõ các quy định của hàng không trong trường hợp này như thế nào?”. Còn chị Nguyễn Thanh Phương - một người mẹ trẻ có con nhỏ ở Bình Phước thì muốn biết các quy định khi mang chất lỏng lên máy bay, bởi mỗi lần về thăm quê, trong hành lý xách tay của chị không thể thiếu nước lọc và sữa dành cho em bé.
Gộp hai tình huống nói trên, trong số này chúng tôi xin giới thiệu các quy định liên quan đến vận tải hàng không, bao gồm vấn đề an ninh, an toàn hành khách phải chấp hành khi đi máy bay; nghĩa vụ của hãng hàng không trong trường hợp chuyến bay bị chậm, gián đoạn hoặc hủy. Cụ thể, Thông tư số 30/2012/TT-BGTVT ngày 1/08/2012 của Bộ Giao thông Vận tải quy định chi tiết về an ninh hàng không dân dụng Việt Nam và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không dân dụng, tại Điều 69 có quy định: “ Mỗi hành khách chỉ được mang không quá một lít chất lỏng theo người và hành lý xách tay, trừ chất lỏng (các loại nước), các chất đặc sánh, dung dịch xịt là thuốc chữa bệnh, sữa, thức ăn cho trẻ em, mua tại cửa hàng miễn thuế nằm trong khu cách ly của sân bay và trên tàu bay”. Liên quan đến việc mang chất lỏng lên máy bay, văn bản nói trên cũng nêu rõ: “Dung tích của mỗi chai, lọ, bình chứa chất lỏng mang theo người và hành lý xách tay không quá 100ml và phải được đóng kín hoàn toàn...”.
Đối với thuốc chữa bệnh, khi mang theo phải kèm đơn thuốc, trong đó phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người kê đơn thuốc, trong đơn phải có họ và tên người sử dụng thuốc phù hợp với họ và tên trên vé hành khách. Sữa, thức ăn dành cho trẻ em, trẻ sơ sinh phải có trẻ em, trẻ sơ sinh đi cùng.
Đối với chất lỏng hành khách mua tại cửa hàng miễn thuế trong khu cách ly, trên chuyến bay được phép mang theo người và hành lý xách tay với điều kiện phải đựng trong túi nhựa trong suốt, có niêm phong của nơi bán; bên trong có chứng từ để ở vị trí đọc được một cách dễ dàng mà không cần mở túi có ghi các nội dung: Ngày bán hàng (ngày/tháng/năm); nơi bán (quốc gia, sân bay, hãng hàng không) dùng mã quốc tế; số chuyến bay, tên hành khách; số lượng và danh sách hàng trong túi.
Căn cứ quy định trên, chị Thanh Phương được quyền mang theo sữa, thức ăn cho con chị, nhưng dung tích của mỗi chai, lọ, bình chứa chất lỏng mang theo người không quá 100ml và phải được đóng kín hoàn toàn. Lưu ý, chị cần mang thêm cả giấy khai sinh của cháu (bản chính hoặc bản sao có chứng thực) để chứng minh là quan hệ mẹ con khi làm thủ tục tại sân bay.
Chậm 3 tiếng phải phục vụ ăn, nghỉ
Đối với trường hợp chuyến bay bị chậm, gián đoạn, huỷ như câu hỏi của ông Lý, mới đây ngày 29/8/2014, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 36/2014/TT-BGTVT quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không như sau: “Trường hợp chậm chuyến, gián đoạn vận chuyển theo kế hoạch 15 phút trở lên, hãng hàng không có trách nhiệm: Thông báo cho hành khách các thông tin liên quan đến chuyến bay, cụ thể như sau: số hiệu chuyến bay và chặng bay; lý do của việc chậm chuyến, gián đoạn vận chuyển; thời gian cất cánh dự kiến hoặc kế hoạch bay thay thế; kế hoạch phục vụ hành khách; bộ phận trợ giúp hành khách (vị trí, dấu hiệu nhận biết); xin lỗi hành khách”.
Trong trường hợp hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị chậm, gián đoạn, hủy chuyến, hãng hàng không có trách nhiệm phục vụ hành khách theo quy định như sau: “a) Thời gian chậm từ 02 giờ phải phục vụ nước uống nhẹ; b) Thời gian chậm từ 03 giờ trở lên phải phục vụ ăn, uống với loại bữa ăn theo thời điểm: từ 06h00 đến 08h00 phục vụ bữa sáng; từ 12h00 đến 14h00 phục vụ bữa trưa; từ 19h00 đến 21h00 phục vụ bữa tối; c) Thời gian chậm từ 06 giờ trở lên (từ 07h đến trước 22h) phải bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của cảng hàng không; d) Thời gian chậm 06 giờ trở lên (từ 22h hôm trước đến trước 07h ngày hôm sau) phải bố trí chỗ ngủ, nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương hoặc giải pháp thay thế nếu được sự đồng ý của hành khách; đ) Chuyển đổi hành trình của hành khách trong phạm vi cung cấp dịch vụ của hãng hàng không để hành khách tới được điểm cuối của hành trình một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.”.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com