Chấn chỉnh hội viên nhà báo đăng thông tin cổ súy, kích động dư luận, ủng hộ cho các hành vi sai trái trên mạng

0:00 / 0:00
0:00
Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) vừa ban hành công văn số 131/CV-HĐXL về việc thực hiện đúng các quy định của Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Những bài viết, những clip thiếu trách nhiệm, có dụng ý xấu hoặc dùng ngôn từ thiếu văn hóa trên mạng xã hội cần phải được loại bỏ. Ảnh minh họa.
Những bài viết, những clip thiếu trách nhiệm, có dụng ý xấu hoặc dùng ngôn từ thiếu văn hóa trên mạng xã hội cần phải được loại bỏ. Ảnh minh họa.

Theo Công văn Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp gửi Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, Liên Chi hội Nhà báo, Chi hội Nhà báo trực thuộc, qua theo dõi của cơ quan chức năng Hội Nhà báo Việt Nam, thông tin từ các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, thời gian gần đây một số đối tượng đã lợi dụng các tính năng của mạng xã hội (MXH) như: Phát trực tiếp (livestream) vụ việc, chia sẻ hình ảnh, video clip... để đăng tải những thông tin có nội dung chưa được kiểm chứng, kết luận, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, thiếu văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo không đúng với chất lượng, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Một số cơ quan báo chí tập trung khai thác thông tin đăng tải một cách thái quá, chưa tỏ rõ thái độ quyết liệt đấu tranh chống lại các hiện tượng tiêu cực, có biểu hiện bị dẫn dắt bởi các trang mạng xã hội. Đã có hiện tượng hội viên nhà báo sử dụng trang thông tin cá nhân Facebook đăng tải các nội dung có tính chất cổ súy, kích động dư luận ủng hộ cho các hành vi sai trái.

Để chấn chỉnh hiện tượng này, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đề nghị Ban Biên tập, Hội Nhà báo, Liên chi hội, Chi hội nhà báo các cơ quan báo chí cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân cho đội ngũ người làm báo.

Lãnh đạo các cơ quan báo chí kiểm tra chặt chẽ các điều kiện tham gia quảng cáo quy định trong Luật Quảng cáo; loại trừ các quảng cáo phản cảm, thiếu độ tin cậy, thổi phồng giá trị thật của sản phẩm. Yêu cầu người làm báo thực hiện đúng các quy định của Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Ngoài ra, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp thường xuyên nhắc nhở, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp hội viên, cán bộ, phóng viên, biên tập viên vi phạm 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội người làm báo Việt Nam.

Trước đó, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) cũng đã có văn bản số 1800/BTTTT-PTTH&TTDT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội.

Đọc thêm