Nỗi lo mạng xã hội “đầu độc” trẻ nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chưa bao giờ việc tiếp cận trẻ em và có thể có động thái xâm hại trẻ em lại dễ dàng đến vậy.
 Kênh Timy TV trên Youtube có nhiều nội dung độc hại.
Kênh Timy TV trên Youtube có nhiều nội dung độc hại.

Hơn một phần ba trong số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên (trong độ tuổi 15-24, theo số liệu của UNICEF). Phần lớn trẻ em tự học cách dùng Internet (60%). Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. 1/4 số trẻ được khảo sát chia sẻ rằng các em từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. 1/3 số trẻ sử dụng mạng là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Chưa bao giờ việc tiếp cận trẻ em và có thể có động thái xâm hại trẻ em lại dễ dàng đến vậy.

Những clip, video nội dung xấu tấn công trẻ

Kênh YouTube TIMMY TV xuất hiện hơn 2 năm và đến nay đã có hơn 772.000 người đăng ký theo dõi. Đáng lo ngại khi đối tượng chủ yếu của kênh này là các em lứa tuổi mầm non và học sinh, trong khi kênh chứa nhiều nội dung độc hại với trẻ em.

Theo Cục Trẻ em, hiện nay trên mạng xã hội (Youtube, Facebook... ) xuất hiện kênh TIMMY TV với những video clip có nội dung, hình ảnh độc hại, mê tín, kinh dị, rùng rợn... không phù hợp và ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em - cho hay, nhiều bậc phụ huynh đã gửi thông tin tới Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 phản ánh về kênh TIMMY TV có chứa thông tin độc hại đối với trẻ em. Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã có công văn đề nghị Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) kiểm tra và có biện pháp chặn, gỡ, xóa kênh và xử lý theo quy định để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Trước đó, vào ngày 25 và 27/2/2021, TikToker Thơ Nguyễn đã đăng tải 2 đoạn clip Tik Tok có nội dung liên quan đến búp bê Kuman Thong. Thơ Nguyễn cho biết vì nhận được nhiều yêu cầu từ các em nhỏ nên đã thực hiện clip cho búp bê uống nước ngọt để “xin vía học giỏi”.

Cụ thể, đoạn clip được YouTuber Thơ Nguyễn đăng tải hiện còn trên mạng xã hội Facebook, trong đó cô ôm một con búp bê, trên tay “Mập ơi, bây giờ con nghe lời mẹ nè, ngày mai là các anh chị đi học rồi đấy, giờ con cầu cho các anh chị học giỏi nha. Nếu mà con cầu được lắc ngang, không cầu được lắc dọc, nói chung là cứ lắc tứ tung đi. Lắc cái đầu là mẹ cho ăn đòn tét mông ngay”. cầm chiếc vòng và nói.

Chưa hết, YouTuber Thơ Nguyễn tiếp: “A nhớ ra rồi, trước khi mà cầu cái gì thì phải cho bạn ấy ăn uống đã. Bạn ấy rất là thích uống nước ngọt Coca Cola, để chị mời bạn ấy uống nhé các em”. Tiếp theo, cô nhìn về ống kính trò chuyện: “Chị thấy có rất nhiều bạn Kuman Thong uống nước ngọt bằng ống hút, nhưng riêng mập nhà chị thì không cần”. Cô khui lon nước, phát ra tiếng xịt ga lớn rồi tỏ vẻ ngạc nhiên: “Đó các em thấy chưa, mập tham chưa, uống như vậy là các em học giỏi lắm đó, uống quá trời luôn”.

Ngay lập tức, clip đã khiến cho các bậc phụ huynh, dư luận giận dữ vì Thơ Nguyễn đang truyền bá việc nuôi Kuman Thong. Đồng thời họ cũng không hài lòng khi Thơ Nguyễn thực hiện hành động này khiến nhiều bé có thể lầm tưởng chỉ cần cầu khấn là có thể học giỏi, không cần nỗ lực ở bản thân. Thơ Nguyễn là một trong những YouTuber nổi tiếng trên cộng đồng mạng với các video giải trí dành cho trẻ em với kênh sở hữu hơn 8,7 triệu lượt đăng ký theo dõi. Nhiều phụ huynh lo ngại, với clip trên, Thơ Nguyễn có thể lan truyền mê tín, dị đoan, đầu độc cho các em nhỏ một cách nhanh chóng.

Ngược thời gian, năm 2017 một trào lưu có tên là “Thử thách Momo” xuất hiện. Đầu tiên, những kẻ đứng sau “trào lưu” này đã sử dụng hình ảnh điêu khắc của một yêu quái trong truyền thuyết Nhật Bản có tên là Ubume. Tạo hình của nhân vật thực sự gây ám ảnh với khuôn mặt dài, mắt lồi và khuôn miệng rộng hoác gây ám ảnh. Mục tiêu của các đối tượng này hầu hết là trẻ em, ban đầu, chúng tạo các tài khoản WhatsApp với tên Momo, tiếp cận mục tiêu, khẩn thiết yêu cầu nạn nhân giúp đỡ để cứu lấy nhân vật bằng cách thực hiện các thử thách với độ khó tăng dần. 

Nạn nhân đầu tiên của Momo chính là một bé gái 12 tuổi người Argentina, được phát hiện tử vong khi trong tư thế treo cổ trên cây ở sau nhà, bên cạnh đó là một chiếc smartphone vẫn đang ở chế độ quay phim. Tương tự, chúng ta có thử thách cá voi xanh, xuất hiện lần đầu tại Nga năm 2016 và trở thành một mối hiểm hoạ cho giới trẻ toàn cầu vào năm 2018.

Độ khó của các trò chơi này sẽ tăng dần đều, cho đến khi đến những thử thách cuối cùng, các thanh thiếu niên sẽ được hướng dẫn dùng dao và rạch tay theo hình cá voi xanh (khởi nguyên của trò chơi bệnh hoạn này). Đến thử thách cuối cùng, trò chơi thứ 50, tất cả các thành viên sẽ được trưởng nhóm hoặc khuyến kích, hoặc doạ nạt thực hiện một hành động mang tên gọi là “Nói chuyện với cá voi xanh”, trên thực tế là leo lên các toà cao ốc và nhảy xuống tự vẫn. Sau khi hoàn thành tất cả nhiệm vụ, người chơi sẽ được công nhận là kẻ thắng cuộc. 

Các nội dung tuyên truyền tư tưởng cực đoan, tự tử hay thù ghét được núp bóng dưới các bộ phim hoạt hình. Momo cũng đã từng xuất hiện chung khung hình với gia đình heo Peppa Pig trên YouTube Ki…

Nhiều vụ án xâm hại trẻ nhỏ bắt nguồn từ mạng xã hội

Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tính tới tháng 1/2019, Việt Nam có 64 triệu người dùng Internet, chiếm hơn 66% dân số. Số người dùng Internet như vậy được xem là ở mức cao trên thế giới. Việt Nam cũng có tới 62 triệu người dùng mạng xã hội. Trong số đó, 96% người sử dụng tài khoản Youtube và 95% có tài khoản Facebook. 

Hầu hết, những người thực hiện clip, trò chơi độc hại khi xác định đây là nghề kiếm tiền đều nhận thức được điều này và lạm dụng các chiêu trò để câu view, bất chấp các chuẩn mực đạo đức khiến chính cộng đồng mạng lên tiếng. Các ứng dụng làm video trên điện thoại di động và độ mở của các mạng xã hội đang tạo điều kiện cho nhiều người có thể làm clip, video. Tuy nhiên, với xu hướng câu view kiếm tiền, ngày càng nhiều video có nội dung không lành mạnh, thậm chí phản cảm, bạo lực đang tác động đến suy nghĩ, hành vi và định hướng của trẻ nhỏ.

Theo khảo sát của Viện nghiên cứu phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế, tại Việt Nam, hơn 66% trẻ em có thể tiếp cận kết nối internet và 43% trẻ em tiếp cận mạng internet từ 30 phút đến 1 tiếng/ngày. Theo thống kê, hiện mỗi ngày Youtube, Facebook đăng tải hơn 500 giờ clip, video lên mạng xã hội và điều này cho thấy luồng thông tin khổng lồ đang tác động tới trẻ em. Trẻ em xem video hàng ngày sẽ tác động đến suy nghĩ, phát ngôn và làm theo là điều xem nghe. Những điều phản cảm lặp đi lặp lại sẽ được trẻ em coi là bình thường nên nhiều bạn cùng bắt chước. Do đó, video trên mạng đang tác động đến định hướng của trẻ nhỏ.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho biết: hiện nay, không ít trẻ em bị xâm hại và trẻ em đứng trước nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại trong môi trường mạng (như xâm hại tình dục, nội dung không phù hợp, ứng xử không phù hợp, tiếp xúc không phù hợp, thương mại điện tử, nghiện internet/game trực tuyến…).

Tại hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và trong cơ sở sở giáo dục” đã được Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức, một thông tin đáng lo ngại nữa được đưa ra, cứ 1 trong 4 trẻ được khảo sát chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. Cứ 1 trong 3 trẻ sử dụng mạng là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng.

Vấn đề rất đáng lo ngại là Facebook, YouTube... hiện là môi trường hỗn độn mà ở đó người dùng rất khó phân biệt giữa cái tốt, cái thật với cái xấu, cái giả dối. Giữa rừng thông tin “ảo nhiều hơn thật”, liệu có bao nhiêu phần trăm người dùng nói chung và con trẻ nói riêng đã được trang bị một bộ lọc thông tin hữu hiệu?

Cảnh báo chung của các đại biểu đưa ra là “Chưa bao giờ việc tiếp cận trẻ em và có thể có động thái xâm hại trẻ em lại dễ dàng đến vậy”. Theo nghiên cứu trên thế giới, cứ 100 trang web có 12 trang liên quan đến nội dung khiêu dâm, tỷ lệ lớn trẻ vị thành niên ghé thăm các trang web này rất lớn, dần dần dẫn đến việc nghiện xem các trang web này. Nguy hại hơn, các chuyên gia còn đề cập đến một loại rối nhiễu tâm lý gọi là “trầm cảm mạng xã hội, rối loạn tư duy do web độc, hại”.  “Tuổi trung bình ghé thăm các trang web khiêu dâm là 11 tuổi, có em từ 9 tuổi… con trai nhiều hơn con gái”. 

Việc dành quá nhiều thời gian để sử dụng điện thoại và mạng xã hội (Facebook) sẽ dẫn đến tình trạng mất khả năng xử lý của mạng lưới thần kinh nhận thức và cảm xúc, khiến tâm trạng bất an, lo lắng gia tăng. Bệnh nhân thường thiếu kiềm chế, giảm nhận thức, bất mãn với cuộc sống,… lâu dần sẽ sinh ra bệnh. Vì vậy, có không ít các vụ án xâm hại trẻ nhỏ gây ra từ đây.

Do vậy, để tận dụng điểm tốt của công nghệ, khi con trẻ chưa được trang bị bộ lọc cần thiết giữa một môi trường hỗn độn của thông tin, chúng ta – những bậc làm cha, làm mẹ – phải trở thành chiếc cầu nối giữa con và thế giới ảo. Cha mẹ là bộ lọc chủ động lựa chọn những thông tin, ứng dụng bổ ích, phù hợp với lứa tuổi để cung cấp cho con trẻ khi chúng đang chập chững bước vào đời. Cha mẹ nên hướng dẫn con dùng mạng Internet, điện thoại, máy tính vào các hoạt động bổ ích như nghiên cứu tài liệu, học tiếng Anh, học online…

Hiện nay, một phương pháp học tập thông minh đang được nhiều cha mẹ và học sinh lựa chọn là học online. Với cách học này, con hoàn toàn có thể chủ động thời gian, không gian ôn bài. Ngoài ra, trẻ có thể học nhóm với bạn bè để tăng sự hứng thú. Hơn nữa, bố mẹ có thể theo dõi tiến độ và kết quả học của con một cách nhanh chóng. 

Bố mẹ hãy trò chuyện với con mình nhiều hơn. Bố mẹ cũng cần kết bạn với con trên mạng xã hội, dành thời gian online với con. Ngoài ra, trẻ cần được sắp xếp thời gian cho việc đọc sách, tìm hiểu cuộc sống xung quanh, chơi các môn thể thao vận động và làm các công việc nhà.

Đọc thêm