Theo thông tin ban đầu thì một em học sinh lớp 2A5 Trường Tiểu học Quang Trung đã bị cô cho các bạn tát 50 cái vì nói bậy, nhưng khi bị tát được 20 cái thì em đã quá đau và khóc nên cô giáo đã dừng hành động trên.
Ở đây có mấy vấn đề đáng phải suy nghĩ?
Vì sao học sinh “cá biệt”, hư, hỗn ngày càng nhiều, dẫu “trường điểm” các cấp độ ngày càng đông? Vì sao các thầy, cô giáo bị “áp lực” ức chế đến dại dột như vậy? Liệu “trảm” cô giáo như cách huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) áp dụng là khởi tố vụ án, có “dẹp” được những “cái tát” trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo?
Dứt khoát là không? Chắc chắn sau 2 vụ việc vừa xảy ra, trên mạng xã hội sẽ ngày càng nhiều clip về “cái tát”, giống như một thời rộ lên clip “bạo hành” của các bảo mẫu, clip học sinh “tẩn” nhau, kể cả nữ sinh.
Cái “tát” của các em học sinh vào mặt nhau dẫu được thầy, cô giáo “bật đèn xanh” hay “tát” do “nhất quỷ, nhì ma”... thì cũng là những “cái tát” vào “mặt” ngành Giáo dục, “tát” vào “mặt” xã hội không thể không đau đớn.
Thời đại này là thời đại của “thượng tôn luật pháp”, bùng nổ thông tin, thử hỏi: thầy, cô giáo đã nhận thức như thế nào về quyền trẻ em, kỹ năng giáo dục, ứng xử tình huống phù hợp với nghiệp vụ sư phạm, đặc biệt với trẻ mẫu giáo và tiểu học hay chưa? Chắc chắn là còn đó “khoảng trống” về nhận thức pháp luật trong đội ngũ giáo viên.
Và nữa, các bậc phụ huynh có quyền đặt câu hỏi: Áp lực về thi đua dẫu được đặt trên nền giả dối trong ngành Giáo dục sẽ còn tồn tại đến bao giờ? Xa hơn, lòng tin về những giá trị tốt đẹp còn bao nhiêu, tiêu cực xã hội đã và đang làm cho môi trường giáo dục “phơi nhiễm” đến bao giờ?
Các nhà nghiên cứu về giáo dục cần tư vấn cho “tư lệnh” ngành Giáo dục giải quyết rốt ráo, chứ không phải “trị” cá biệt, “theo đuôi” dư luận như chuyện đã và đang xảy ra ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).
Hãy chấn hưng giáo dục, nếu muốn đất nước này phát triển. Chấn hưng giáo dục, tất nhiên không phải bằng “chủ nghĩa thành tích”, “chủ nghĩa bằng cấp”, “chủ nghĩa học hàm, học vị” phải bắt đầu từ chính những con người đang tham gia vào hoạt động giáo dục - đào tạo, trực tiếp là đội ngũ giáo viên và các nhà quản lý giáo dục.