Không ít sinh viên chọn cho mình những công việc phục vụ tại các quán hàng ăn uống. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa) |
Nghề gia sư dạy kèm từ lâu vẫn được xem là chiếc “cần câu cơm” của nhiều sinh viên (SV). Làm gia sư thường có hợp đồng dạy suốt năm, và khi hè đến họ vẫn phải ở lại thành phố để dạy tiếp, bởi lúc này không ít phụ huynh vẫn muốn con mình được “bồi bổ” kiến thức cho đỡ “hổng”.
Chưa hết, gia sư dịp hè thường phải tăng ca, có khi là 2, thậm chí 3 ca/ngày. Thu Trang, SV năm thứ 3 Đại học Sư phạm Hà Nội kể: “Em dạy cho một học sinh lớp 5 nên hè này cũng như mọi hè trước em đều không nghỉ mà ở lại. Bố mẹ của em học sinh muốn em dạy thông hè và thực tình em cũng không muốn nghỉ vì dịp hè không phải đến trường nên em nhận dạy thêm cho một học sinh khác nữa”.
Được biết, tuỳ theo điều kiện kinh tế của gia đình thuê gia sư mà SV dạy kèm nhận được thù lao cao hay thấp. Nhiều gia chủ điều kiện kinh tế khá giả sẵn sàng trả tới 260 ngàn đồng/2 giờ dạy. Mức thù lao trung bình hiện tại cho 1 ca dạy khoảng 2 giờ là trên 100 ngàn đồng.
Nguyễn Văn Nam, SV Đại học Hà Nội cho biết, thu nhập từ dạy thêm của cậu lên tới 300 ngàn đồng/ngày. Sở dĩ Nam được nhiều tiền như vậy là do em dạy cho 4 học sinh lớp 4 và 3 học sinh lớp 7 với thời lượng 2 ca/ngày.
Thực tế cho thấy, SV nán lại thành phố dịp hè cũng nhớ nhà, cũng muốn nghỉ hè để được về quê thăm cha mẹ nhưng vì mưu sinh nên họ phải ở lại. Lê Thu Thuỷ, SV Đại học Luật Hà Nội tâm sự, em không chỉ đi dạy kèm trong ngày mà tối đến còn xin chạy bàn cho một quán cà phê gần nơi trọ với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Thuỷ bảo: “Dẫu mệt mỏi, vất vả vô cùng nhưng em luôn nhắc mình phải cố lên. Nhiều đêm nằm nhớ nhà, nhớ bố mẹ quá chỉ muốn khóc…”.
Đến đi bán sức lao động
Nếu như SV đi làm gia sư, dạy kèm được xem là “nhàn hạ” và chỉ chiếm số lượng nhỏ trong số những sinh viên đi làm thêm thì những SV đi bán sức lao động lại rất đông và công việc rất vất vả, cực nhọc. Việc bán sức lao động dịp hè của SV rất đa dạng, từ bán quần áo, lễ tân, chạy bàn, phụ hàng ăn cho tới chạy xe ôm, phụ hồ…
Lê Thị Hà, SV Đại học Thuỷ lợi vừa mới xin được một chân chạy bàn cho một quán cà phê trên phố Thái Thịnh kể: “Lương của em 3 triệu đồng/tháng nhưng rất gò bó về thời gian khi một ngày phải có mặt ở quán từ 8 giờ sáng tới gần 12 giờ đêm…”.
Với những SV nữ thường chọn bán quần áo, quán cà phê hay tiếp thị… và công việc dù gò bó về thời gian nhưng không hề quá vất vả so với một số công việc mà nam sinh hay chọn. Tuấn, SV Đại học Thương mại hè này ở lại làm bốc vác thuê ở chợ đêm Long Biên. Tuấn cho hay: “Em xin được vào bốc vác ở đây là do ông anh họ làm bảo vệ ở chợ xin hộ. Có hôm mỗi người phải bốc 3-4 tấn hàng. Mệt lắm, hôm nào cũng tang tảng sáng mới lết về nhà trọ để tắm giặt rồi ngủ, tiền công được hơn 300 ngàn đồng/đêm!”.
Cùng chung cảnh ngộ, có SV chọn công việc phụ hồ đầy nặng nhọc nhưng tiền công cũng chỉ 120- 150 ngàn đồng/ngày. Một số người nhập hội chuyên phá dỡ nhà cũ, chuyên chở vật liệu phế thải, chở xe ôm... lại kiếm tiền bằng chính “con ngựa sắt” mà bố mẹ đã mua cho làm phương tiện đi học, khi suốt đêm, ngày ra đứng đường làm xe ôm chở khách.
Cho dù hình thức, đặc thù công việc vất vả, cơ cực nhưng để có tiền nhằm trang trải cho cuộc sống và năm học mới nên họ quên hết mệt mỏi mà lao động hăng say.
Thay lời kết
Gặp và tiếp xúc với rất nhiều SV tỉnh lẻ nán lại thành phố để kiếm tiền mưu sinh, tôi thấy cảm kích trước những con người có nghị lực, họ hy sinh cả khoảng thời gian hè của mình để lao động. Cái đáng quý hơn là những đồng tiền họ kiếm được bằng mồ hôi công sức qua các công việc chính đáng đều nằm trong dự định phục vụ học hành.
Họ là những người biết thương bố mẹ, chia sẻ và cảm thông với hoàn cảnh kinh tế gia đình eo hẹp của mình để tự lo toan cho bản thân.
Tuy thế, không phải tất cả những SV ở lại thành phố làm thêm đều “giữ được mình”, có một bộ phận nhỏ SV, nhất là SV nữ, đã bị cám dỗ trước sức mạnh của đồng tiền và cuộc sống đô thị, để rồi bị lôi kéo vào vòng vây của tệ nạn mại dâm cũng như một số tệ nạn khác.