Chất lượng cán bộ quyết định kết quả cải cách

(PLO) - Đó là giải pháp mà bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tin tưởng sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) khi vừa lo sản xuất kinh doanh, vừa lo tìm kiếm thị trường trong điều kiện các FTA ngày càng đem đến nhiều thuận lợi và thách thức.

Theo bà, những cải cách thuế của Việt Nam thời gian qua đã đủ để DN “rảnh tay” hoạt động mà không phải lo về chính sách thuế hay chưa? 

- Đánh giá chung thì đã có nhiều nỗ lực để cải cách về thuế, cải cách về thể chế và cải cách về quản lý thuế. Cùng với cải cách về thể chế thông qua việc nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các chế độ thuế mới, đưa ra những luật, nghị định, thông tư thì cải cách hệ thống quản lý thuế mới đem đến những cải thiện cơ bản. Muốn nâng tầm cải cách quản lý thuế thì nền tảng quản lý thuế của Việt Nam phải bắt đầu cải cách từ mức độ ứng dụng công nghệ tin học về cơ sở hạ tầng, tiếp đó là năng lực, phẩm chất cán bộ thuế để đáp ứng cải cách thể chế, đáp ứng với ứng dụng công nghệ thông tin. 

Thực tế thời gian qua, chúng ta đã có nhiều cải cách về thể chế song do cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin chưa đáp ứng được đổi mới về thể chế. Hơn nữa, hiện ta đang áp dụng cơ chế quản lý rủi ro nên vấn đề năng lực, phẩm chất cán bộ thuế có tính quyết định rất lớn. Ngoài 30% cán bộ thuế quản lý DN lớn và DN có vốn đầu tư nước ngoài thì đa số cán bộ thuế quản lý DN nhỏ, hộ kinh doanh cá thể lại chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý, công nghệ thông tin, trình độ ngoại ngữ, vấn đề chuyển giá... Vì vậy, DN nhiều lúc vẫn gặp khó khăn về chính sách thuế tại cơ sở. Thậm chí, có những nội dung đã được quy định trong các văn bản của Tổng cục Thuế nhưng cán bộ thuế ở cơ sở chưa nắm được khi DN hỏi thì cảm thấy vướng mắc. 

Vấn đề đặt ra là cần đào tạo nâng cao trình độ, kiến thức của cán bộ thuế, đặc biệt là quản lý thuế các hộ, DN nhỏ và vừa tinh thông nghiệp vụ và đi cùng với đạo đức nghề nghiệp. Cán bộ thuế, nhất là cán bộ ở cơ sở cần phải được trang bị kỹ càng về kỹ năng, nghiệp vụ. Có như vậy thì cải cách lúc đó mới thực sự thành công. 

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Ở góc độ ngành Thuế, bà cho rằng giải pháp nào sẽ cần bằng được giữa yêu cầu các mức thuế sẽ tiếp tục giảm để “giảm chi phí kinh doanh cho DN theo Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020” với mục tiêu tăng thu ngân sách 14-16% so với năm 2015?

- Với một nền kinh tế phát triển, làm thế nào tỷ lệ huy động về thuế trên GDP ngày càng giảm xuống. Chính sách thuế của chúng ta hiện đang giảm, thuế suất là thấp hơn các nước trong khu vực. Với những cải cách hiện nay cũng có nới dần, thu hẹp dần khoảng cách giữa chi phí tính thuế và chi phí thực của DN nhưng vẫn còn một số quy định còn khó cho DN. Trong đó, chính sách thuế thay đổi rất nhiều và nhanh, DN rất khó để tiếp thu hết. Vì vậy, cán bộ thuế cần phải nắm chắc và giải thích, công bố các chính sách thuế một minh bạch, cụ thể để chính sách được áp dụng đúng.

Đối với DN vừa và nhỏ, nếu vừa phải lo kinh doanh, vừa lo tìm kiếm thị trường và lại phải lo về chính sách thuế thì rất khó khăn nên các DN nên sử dụng các đại lý về thuế. Các đại lý thuế được pháp luật cho phép ký, chịu trách nhiệm trước pháp luật chắc chắn tiết kiệm chi phí cho DN và tiết kiệm chi phí cho cơ quan thuế và tiết kiệm chi phí cho xã hội. 

Trân trọng cảm ơn bà!

Đọc thêm