Theo thống kê mới đây của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) thành phố Hà Nội, chỉ riêng trong tháng 7/2017 đã xảy ra 58 vụ cháy. Trong đó, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng là 2 vụ, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng 1 vụ, cháy trung bình 15 vụ, cháy nhỏ 40 vụ. Đáng nói, chỉ trong 6 ngày của trung tuần tháng 7, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra hai vụ cháy nhà dân gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Đầu tiên là vụ cháy nhà tại đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) xảy ra rạng sáng 13/7, khiến cả gia đình gồm 2 vợ chồng, 2 người con tử vong. Sau đó, rạng sáng 19/7, một vụ cháy nữa xảy ra tại phố Vọng (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) khiến cụ bà 80 tuổi và người con gái thiệt mạng. Mới đây nhất, vào sáng 29/7/2017, vụ cháy tại xưởng sản xuất bánh kẹo, địa chỉ Km 19, quốc lộ 32, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, làm chết 8 người, bị thương 2 người.
Có một điểm chung từ những vụ việc gây thiệt hại về người xảy ra thời gian gần đây đó là công tác PCCC ở nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư… gần như bị buông lỏng.
Nhiều chủ cơ sở sản xuất thậm chí còn “bỏ ngoài tai”, liên tục tái diễn các vi phạm về PCCC. Nhắc chuyện này, một cán bộ PCCC cho biết, khi tuyên truyền, xử lý vi phạm đơn vị cũng gặp không ít khó khăn bởi khi kiểm tra, có mặt của cơ quan chuyên môn những chủ cơ sở thường tỏ ra chấp hành nghiêm các quy định PCCC.
Tuy nhiên, khi khuất bóng lực lượng chức năng họ lại tiếp tục vi phạm. Những lỗi thường gặp nhất là sắp xếp hàng hóa trong nhà xưởng lấn chiếm lối thoát nạn, vi phạm khoảng cách PCCC, cản trở giao thông chữa cháy.
Theo tìm hiểu, hiện Hà Nội có 994 nhà cao tầng, 33 trung tâm thương mại. Dự báo, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội có trên 200 dự án đã được phê duyệt và sẽ có 130 Trung tâm thương mại các loại... Với đặc điểm tình hình nêu trên, Hà Nội luôn là địa bàn trọng điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, tai nạn, rủi ro về PCCC.
Đáng nói, hiện nhiều khu vực tập trung đông dân cư, khu đô thị mới tình trạng vi phạm công tác PCCC cũng diễn ra phổ biến. Theo phòng Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội, tính đến ngày 31/7 trên địa bàn thành phố hiện còn tồn tại 65 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng. Trong đó, có 61 công trình đã được thẩm duyệt, nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động; 03 công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đã đi vào hoạt động; 01 công trình đã thi công nhưng chưa thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
Trở lại câu chuyện những vụ cháy nảy sinh thời gian gần đây, có điểm chung từ những vụ cháy này, đó chính là hệ thống thoát hiểm đang rất “có vấn đề”. Nói cách khác, phần lớn các nhà ở hay nhà xưởng ở thành phố hiện nay được xây dựng đều gần như không hề được tính toán cho phương án thoát hiểm khi gặp hoả hoạn hay sự cố. Bởi vậy, khi đám cháy xảy ra, sự hoảng loạn, thiếu kiến thức căn bản về công tác PCCC, đã dẫn đến những hậu quả đau lòng.
Đồng quan điểm này, trao đổi với báo chí, Trung úy Phạm Quốc Hưng, giảng viên Khoa Cứu nạn - Cứu hộ, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an cho biết:
“Hiện nay, hầu như các cơ sở sản xuất kinh doanh không chú ý đến các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC. Không đảm bảo lối thoát nạn, không được trang bị phương tiện, thiết bị báo cháy và chữa cháy, không bố trí đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn nên không phát hiện được đám cháy sớm, không kịp thời cứu chữa gây cháy lan và cháy lớn. Mặt khác, chủ cơ sở kinh doanh thiếu kiến thức PCCC hoặc không quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho chính cơ sở của họ và khách hàng…”.
Trên khía cạnh pháp luật, nhiều ý kiến cho rằng, hiện công tác PCCC đối với các hộ kinh doanh, những người có nhà xưởng đặt tại các khu dân cư bị buông lỏng một phần xuất phát từ những “lỗ hổng” pháp lý. Theo đó, hiện chưa có nhiều quy định về mặt pháp lý đối với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ có nhà xưởng đặt tại khu dân cư do UBND quận cấp phép và UBND phường trực tiếp quản lý, giám sát. Bởi vậy, việc đảm bảo an toàn PCCC cũng phụ thuộc nhiều vào ý thức của các hộ sản xuất, kinh doanh này.