Chê phóng viên xấu, Trưởng phòng có thể bị xử lý

(PLO) - Sau khi báo PLVN đăng tải bài viết về việc Trưởng phòng tổng hợp của Công ty Cổ phần xe khách Thừa Thiên Huế và một số nhân viên đã có lời lẽ xúc phạm danh dự nhân phẩm của phóng viên,  Luật sư Võ Công Hạnh, Giám đốc công ty luật Công Khánh, Đoàn luật sư  tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng cơ quan chức năng cần phải xử lý hành vi của vị Trưởng phòng theo quy định pháp luật. 
Luật sư Võ Công Hạnh, Giám đốc công ty luật Công Khánh, Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế:

Pháp luật quy định như thế nào về hành vi của ông trưởng phòng và nhân viên của Công ty Cổ phần xe khách Thừa Thiên Huế cản trở phóng viên?

Luật sư Võ Công Hạnh: Tôi đã xem Clip của các phóng viên quay lại và rất bất ngờ đối với cách hành xử của ông Tuất. Hành vi của Trưởng phòng Tuất là rất phản cảm, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, cản trở tác nghiệp của phóng viên.

Với việc xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, cản trở tác nghiệp của phóng viên là vi phạm pháp luật. Cụ thể, Điều 7 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; c) Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này; b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này.

Với những căn cứ trên, các phóng viên cần cung cấp các bằng chứng và yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý những hành vi vi phạm nói trên.

Ông Tuất xúc phạm và dùng điện thoại quay cảnh các PV đang tác nghiệp

- Trưởng phòng Tuất và một số nhân viên cho rằng đây là công việc nội bộ của công ty, báo chí không có quyền xen vào?.

Luật sư Võ Công Hạnh:  Lưu lượng, nhu cầu đi lại từ Bến xe phía Nam đến các tỉnh khác là rất lớn. Việc các tài xế đình công đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của nhân dân. Đây là vấn đề cần được phản ánh theo Luật báo chí.

Thay vì tiếp các phóng viên để giải thích, phổ biến chính sách của Công ty nhằm tạo một hình ảnh chuyên nghiệp thì Công ty Cổ phần xe khách tỉnh Thừa Thiên Huế lại chọn hình thức xúc phạm, công kích cá nhân các phóng viên vì đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Điều này là phản cảm, thiếu chuyên nghiệp và có thể nói là thiếu văn hóa trong cách ứng xử, xử lý khủng hoảng.

Xã hội càng hiện đại thì vai trò của báo chí càng quan trọng trong việc phản ánh khách quan sự kiện liên quan đến đời sống, đồng thời là phương tiện để người dân giám sát, phản biện quá trình thực thi, thực hiện chính sách pháp luật.

Là chiến sĩ trong mặt trận thông tin, nhà báo, phóng viên chịu rất nhiều áp lực và rủi ro để đưa các thông tin khách quan đến với bạn đọc nhằm tiến tới xã hội minh bạch và dân chủ. Do đó, pháp luật và cơ quan thực thi pháp luật, các hội đoàn của các nhà báo cần khẩn trương, tích cực bảo vệ hoạt động tác nghiệp của phóng viên, nhà báo, đồng thời có chế tài nghiêm khắc đối với các hoạt động cản trở xúc phạm danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp.

Xin cám ơn luật sư !

Trước đó, trong buổi gặp phóng viên, ông Tuất đã chỉ tay vào mặt các phóng viên  và nói là “đồ không có đạo đức, đồ ăn cướp”.  Tại hiện trường vị trưởng phòng này luôn dùng tay chỉ vào mặt phóng viên và xưng hô kiểu mày – tao. Đồng thời xúc phạm nữ phóng viên “Mặt đã xấu còn già mồm. Đẹp người ta mới tiếp, xấu thì không tiếp” và có hành vi cản trở nữ phóng viên.